Bài học đắt giá

Ông Hồ Quang Cua, đại diện nhóm tác giả giống lúa ST25 nổi tiếng xác nhận đã biết được thông tin gạo ST25 bị doanh nghiệp khác đăng ký bảo hộ ở Mỹ nhưng không thể làm được gì vì không rành các quy định về sở hữu trí tuệ ở nước ngoài.

Từ năm 2020, 4 doanh nghiệp tại Mỹ đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu gạo ST25 lên cơ quan Cơ quan sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO). Trong đó, riêng hồ sơ của I&T Enterprises Inc được chấp thuận và được thông qua bước đầu.

 Đây là đơn vị duy nhất trong 4 doanh nghiệp Mỹ khi thẩm tra đạt được các yêu cầu cơ bản của USPTO. Và theo thông báo ngày 14/4/2021 của USPTO, nhãn hiệu ST25 số 90009521 của I&T Enterprises Inc sẽ được công bố trên Công báo Nhãn hiệu Mỹ vào ngày 4/5/2021. Sau 30 ngày, nếu không có bên thứ ba nào nộp đơn phản đối thì nhãn hiệu sẽ được bảo hộ.

Không chỉ dừng lại tại thị trường Mỹ, tại thị trường Úc, trong tháng 4 vừa qua, một công ty ở nước này đã nộp đơn đến Văn phòng sở hữu trí tuệ Úc (IP Australia) xin bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25.

{keywords}
Xây dựng hương hiệu cho gạo Việt Nam 

Đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam bị “cướp” thương hiệu ở thị trường quốc tế. Điển hình như vụ việc Chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho nước mắm bị các doanh nghiệp Mỹ, Trung Quốc, Australia đăng ký làm nhãn hiệu. Thương hiệu Vinataba được đăng ký ở các lãnh thổ Indonesia, Pháp. Năm 2001, sáng chế/kiểu dáng công nghiệp võng xếp Duy Lợi đã được một cá nhân Nhật bản đăng ký bằng độc quyền.

Năm 2011, Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd (Trung Quốc) đã được Cơ quan sở hữu trí tuệ của nước này cấp bảo hộ độc quyền đối với 2 nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Đó là nhãn hiệu 3 chữ Hán kèm dòng chữ "BUON MA THUOT". Việc này gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với việc xuất khẩu cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam.

Năm 2018, nhãn hiệu G7 Coffee được đăng ký ở ở Iceland. Đây là Thương hiệu có danh tiếng cao của Công ty CP đầu tư Trung Nguyên. Sau đó, Bross & Partners hỗ trợ Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên hủy bỏ hiệu lực thành công thương hiệu G7 Coffee bị đăng ký trái phép ở lãnh thổ Iceland vì lý do không trung thực.

Đây là bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp Việt Nam trong chủ động rà soát và đăng ký sớm các quyền sở hữu trí tuệ ở các thị trường nước ngoài. Đặc biệt cần lưu ý bảo hộ: nhãn hiệu (thương hiệu), kiểu dáng, sáng chế/giải pháp hữu ích.

Xây dựng thương hiệu Việt

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ, câu chuyện của gạo ST25 không phải là mới mà đã diễn ra khá phổ biến trong những năm qua. Về bản chất, đây là một trường hợp có nguy cơ xảy ra tranh chấp về bảo hộ sở hữu trí tuệ trên thị trường xuất khẩu vì khi một sản phẩm chất lượng, năng lực cạnh tranh tốt, thương hiệu có giá trị và uy tín sẽ luôn có nguy cơ bị xâm hại trên thị trường.

Thực tế, mới chỉ có khoảng 20% sản phẩm nông sản của Việt Nam được đăng kí thương hiệu ở nước ngoài. Mặc dù có đến 80% doanh nghiệp của Việt Nam có hàng hóa xuất khẩu, nhưng tối đa mỗi doanh nghiệp cũng dám chỉ chi ra 5% tổng doanh số của mình để lo xây dựng và bảo vệ thương hiệu.

Theo ông Vũ Bá Phú, thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng ý thức hơn trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn còn hạn chế trong nhận thức về vai trò của thương hiệu nên chưa xây dựng chiến lược marketing bài bản để bảo vệ và phát triển thương hiệu cho sản phẩm và doanh nghiệp.

{keywords}
Hàng Việt được người tiêu dùng đánh giá cao 

Mặt khác do hạn chế về nguồn lực như nhân lực và tài chính khiến doanh nghiệp chưa thể thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm cho các sản phẩm trên một hoặc tất cả các thị trường xuất khẩu.

Ông Vũ Xuân Trường, chuyên gia thương hiệu cho rằng, để có thể bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam trên cả thị trường nội địa và quốc tế, cần sự chung tay của cả các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Theo đó, về phía Nhà nước, cần chú trọng những giải pháp như quy hoạch vùng sản xuất và thiết lập các vùng chuyên canh sản xuất.

Bên cạnh đó, tăng cường mối quan hệ thông tin giữa những người nông dân trực tiếp sản xuất với các nhà khoa học để nâng cao năng suất lao động, gia tăng sản lượng, sản phẩm sản xuất ra có chất lượng cao và đồng đều. Ngoài ra, tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại cho ngành nông sản.

Vĩnh Sang