Sức nặng của truyền thống

Trần Thị Yên bước dọc theo dàn máy dệt. Cô trông lọt thỏm giữa dàn máy hiện đại trải rộng bao la, không một bóng người trong Nhà máy Dệt Bảo Minh, cơ sở dệt hiện đại bậc nhất Việt Nam đóng ở tỉnh Nam Định.

“Em vẫn làm việc đều đặn lâu nay vì đơn hàng rất nhiều, không phải nghỉ làm buổi nào”, Yên vừa đi vừa kể. Đây là điều đáng mừng trong bối cảnh ngành dệt may đang chịu nhiều tác động do đơn hàng suy giảm và chuyển dịch sang các quốc gia khác cạnh tranh hơn.

det 2.png
Nhà máy dệt Bảo Minh - Nam Định. Ảnh: Tư Giang

Học xong cấp ba, Yên theo truyền thống gia đình đi làm công nhân dệt suốt 15 năm nay, bôn ba qua nhiều doanh nghiệp. Và khi Nhà máy Dệt Bảo Minh có tổng vốn đầu tư lên đến 1.700 tỷ đồng đi vào hoạt động ở huyện Vụ Bản từ cuối năm 2018, cô chuyển hẳn về đây.

“Lương của em được tầm 8 triệu đồng, cũng khá ổn”, cô nói với vẻ hài lòng và cho biết sẽ gắn bó “suốt đời” với công ty dệt, như những thế hệ trước của gia đình cô đã từng gắn bó với ngành dệt.

Yên có lẽ là trường hợp điển hình trong các gia đình công nhân phổ biến của ngành dệt Nam Định từng “vang bóng một thời”. Nhà máy Dệt Nam Định được các nhà tư bản Pháp xây dựng đầu thế kỷ 20 và trở thành cái nôi của ngành dệt nhuộm ở Đông Dương, thậm chí ở Đông Nam Á.

Thời kỳ cao điểm sau 1975, nhà máy - lúc này đã thuộc doanh nghiệp nhà nước - tạo việc làm cho hơn 18.000 người, tương đương 10% dân số thành phố. Trong suốt thời kỳ dài thời bao cấp, Nam Định với ngành dệt may luôn là một trong vài thành phố công nghiệp lớn nhất ở miền Bắc.

Tuy nhiên, cũng chính ngành dệt Nam Định với quy mô quá lớn và mô hình quản lý xơ cứng, thiếu năng động đã không thích nghi được với nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ sau Đổi mới.

Các đơn hàng suy giảm, công nhân không có việc làm… Những khu nhà xưởng rộng lớn dần xuống cấp, tàn tạ theo thời gian qua nhiều thập kỷ. Và rồi, đến năm 2016 Nhà máy Dệt với nhà trẻ, trường học, bệnh xá, ký túc xá khép kín đã phải di dời khỏi nơi mà nó tồn tại hơn 120 năm để nhường cho các dự án nhà ở đô thị.

Khi ngành dệt may do quốc doanh dẫn dắt suy yếu, nền kinh tế của Nam Định cũng lao đao theo. Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn vì Nam Định thiếu đường kết nối với các trung tâm phát triển khác, thu hút đầu tư rất khó khăn trong suốt thời gian dài.

Trong giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng GRDP của Nam Định chỉ có 6,6% vì có quá nhiều điểm nghẽn, cơ cấu kinh tế mất cân đối; tỷ lệ đô thị hóa chỉ đạt 20,3%, thấp xa so với tỷ lệ trung bình là 33,6% của cả nước.

Trong khi đó, các tỉnh lân cận có xuất phát điểm thậm chí thấp hơn như Thái Bình, Ninh Bình, Hưng Yên đã vươn lên nhanh chóng…

Lo vực dậy ngành dệt may

Khi nhà máy dệt Nam Định gặp khó khăn, gần 20 năm trước, một nhóm doanh nhân ngành dệt may đã được mời về Nam Định trong nỗ lực phải làm một điều gì đó cho Thành phố là cái nôi của ngành dệt may Việt Nam. Họ là những người có kinh nghiệm, có kỹ năng quản lý và gắn bó tâm huyết với ngành dệt may Việt Nam, trong đó có ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Bàn đi tính lại, lãnh đạo tỉnh và nhóm lãnh đạo dệt may quyết định thành lập Khu công nghiệp Bảo Minh ở huyện Vụ Bản, một huyện thuần nông rất nghèo. Khu công nghiệp Bảo Minh có diện tích 165 ha do Công ty Cổ phần Đầu tư Vinatex làm chủ đầu tư được lên kế hoạch khởi công xây dựng năm 2007.

khu cong nghieo.png
Hình ảnh bên trong nhà máy dệt Bảo Minh. Ảnh: Linh Chi

Nhưng sự chuyển đổi không hề dễ dàng. Vụ Bản lúc đó là huyện nghèo nhất tỉnh, người dân chủ yếu là làm nông nghiệp trên vùng chiêm trũng. Họ sợ mất đất trong khi không biết sinh kế sẽ dựa vào đâu. Dự án khu công nghiệp Bảo Minh cứ treo suốt mấy năm dù chỉ còn vài chục hộ gia đình không đồng ý.

Sau nhiều nỗ lực, rất may, rồi khu công nghiệp cũng hoàn thành và đi vào vận hành năm 2010.

Phó Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Bảo Minh, ông Hoàng Mạnh Cường nhớ lại: “Sau khi khu công nghiệp đi vào hoạt động, đến năm 2015, huyện Vụ Bản đã vươn lên top đầu trong các huyện đóng góp lớn nhất vào ngân sách tỉnh”.

nha may det.png
Công nhân làm việc tại nhà máy dệt Bảo Minh. Ảnh: Linh Chi

Bên cạnh xây dựng khu công nghiệp, nhà đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Bảo Minh, mà trước đây là Công ty Cổ phần Đầu tư VINATEX, cũng vận hành thêm Nhà máy Dệt Bảo Minh cũng chính trong khuôn viên.

Cho đến nay, Khu công nghiệp Bảo Minh đã lấp đầy hoàn toàn bởi các nhà đầu tư như Sumi Wirings (Tập đoàn Sumitomo, Nhật Bản), Sunrise Smart Shirts (Hồng Kông), Luentai, YulunTextile (Trung Quốc), Padmac (Đức), Junzhen (Đài Loan) với các sản phẩm như vải, sợi, quần áo, đồ gỗ, dây dẫn điện trong ngành ô tô, xe máy.

Chỉ riêng khu công nghiệp này đã tạo công ăn, việc làm cho tới 15.000 lao động địa phương.

khu cong nghiep.png
Nơi ở của công nhân làm việc tại khu công nghiệp Bảo Minh. Ảnh: Tư Giang

Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Vũ Chiên, tính toán, một người nông dân chỉ thu được vỏn vẹn 300.000 – 400.000 đồng/sào mỗi vụ. Trong khi đó, thu nhập trung bình của một công nhân là 9 triệu đồng/tháng.

“Đó là khoảng cách thu nhập khổng lồ nên người dân rất đồng tình chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp”, ông Chiên nói.

lop hoc.png
Lớp học dành cho con của công nhân tại Khu công nghiệp Bảo Minh. Ảnh: Linh Chi

Đến nay, Khu công nghiệp Bảo Minh đang mở rộng thêm 50 hecta. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư, hứa hẹn dự án này cũng sẽ nhanh chóng được lấp đầy.

Ông Cường cho biết, Khu công nghiệp này đóng góp 300 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh Nam Định mỗi năm. Những dấu ấn nghèo của huyện Vụ Bản thuần nông trước đây đang ngày càng phai mờ và được bồi bổ, thay thế bởi các tuyến đường mới, các ngôi trường và nhiều cơ sở hạ tầng khang trang khác.

Thu hút đại bàng

Bên cạnh Bảo Minh, tỉnh Nam Định còn có 5 khu công nghiệp khác với tổng diện tích gần 1.300 ha đã đi vào vận hành. Sáu khu công nghiệp này đã thu hút gần 200 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 8.000 tỷ đồng và gần 1,4 tỷ USD, trong đó có các nhà đầu tư nổi bật như Quanta Computer, Tập đoàn Toray, Jia-wei, Sunrise, Crystal.

Tỉnh Nam Định đang tiếp tục triển khai xây dựng thêm 10 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 1.250 ha và khu kinh tế Ninh Cơ có quy mô gần 14.000 ha.

nam dinh.jpeg
Truyền thống của ngành Dệt đã được tiếp nối sinh động và hiệu quả hơn, trong khi những ngành công nghiệp khác ở Nam Định đang tiếp tục được mở ra. Ảnh: Trọng Tùng

Rõ ràng, nền tảng công nghiệp truyền thống của thủ phủ của ngành dệt may Việt Nam đã tác động rất lớn đến sự phát triển theo hướng công nghiệp hóa của Nam Định. 

Xu hướng đó đã bắt đầu hình thành với hàng loạt các dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước như Tập đoàn Xuân Thiện; VSIP (Singapore); Tập đoàn Quanta, JiaWei (Đài Loan - Trung Quốc), Tập đoàn Sunrise Material, Công ty Xingyu Safety Technology (Singapore); AEON (Nhật Bản)...

Trong số đó, đáng kể nhất là dự án sản xuất máy tính của Tập đoàn Quanta Computer Inc có vốn đầu tư 120 triệu USD. Dự án này được cấp phép chỉ trong 1,5 ngày, một kỷ lục ở Việt Nam. Hiện tại, Quanta đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng ở KCN Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc.

“Đó là dự án thực sự có ý nghĩa với tỉnh Nam Định. Nó cho thấy, chúng tôi có thể và có nền tảng để thu hút các dự án công nghệ cao, chất lượng cao để tạo ra phát triển đột phá”, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc nói với chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung.

Ông Túc nói rằng, ông tin chắc là chỉ trong thời gian ngắn tới đây, những sản phẩm máy tính của Quanta sẽ đến tay người tiêu dùng Việt Nam một cách thuận lợi, như điện thoại Samsung.

Ông nói thêm, Nam Định ưu tiên thu hút những doanh nghiệp lớn, công nghệ cao, thân thiện môi trường chứ không thu hút ồ ạt tất cả các loại dự án.

Cách tiếp cận đó là đúng đắn, nhất là khi Nam Định từng từ chối cấp phép cho dự án rất lớn chăn nuôi lợn do lo ngại vấn đề môi trường.

Sự trỗi dậy của thành Nam

Ông Cung, người đã góp công lớn trong việc xây dựng Luật Doanh nghiệp năm 2000, đã rất ấn tượng với việc thu hút vốn FDI và sự phát triển của Nam Định, nhất là từ khi ông Túc, một trong các lãnh đạo của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, về làm Bí thư.

pham gia tuc 1.jpeg
Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định - Phạm Gia Túc

Năm ngoái, tăng trưởng GRDP của Nam Định vượt 10,19% so với năm 2022, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay và đứng thứ 6 toàn quốc; thu ngân sách đạt trên 10.000 tỷ đồng. 

Theo tỉnh Nam Định, để kết nối với các khu vực khác và tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng sẽ được xây dựng tới đây như tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; Tỉnh lộ 485B; cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình; cầu Bến Mới, cầu Ninh Cường; Tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển (Tỉnh lộ 484); Giai đoạn II dự án Xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (Tỉnh lộ 490);… Những nút thắt về cơ sở hạ tầng từng trói chặt Nam Định dần được gỡ bỏ.

Khi ông Cung về Nam Định gần đây để tìm hiểu sự phát triển của Nam Định, ông đã không khỏi ngạc nhiên. Những khu nhà ở khang trang với mức giá cho thuê rất hợp túi tiền của công nhân, những khu nhà trẻ rất tiện lợi, và đặc biệt là khu xử lý nước thải,… ở khu công nghiệp Bảo Minh có chất lượng vượt xa nhiều nơi khác mà ông chứng kiến, thậm chí là các cơ sở của công ty Dệt Nam Định thuở nào.

Cũng như các thế hệ bố mẹ và ông bà trước đây, cô công nhân Yên vẫn tiếp tục làm ở ngành dệt may. Nhưng có một điểm khác, nhà máy nơi cô làm cùng khoảng 200 công nhân, có công suất cao gấp 2-3 lần so với nhà máy Dệt Nam Định.

Truyền thống của ngành Dệt đã được tiếp nối sinh động và hiệu quả hơn, trong khi những ngành công nghiệp khác ở Nam Định đang tiếp tục được mở ra. Đi theo con đường công nghiệp hóa, Nam Định chắc chắn đang vươn vai trỗi dậy để tránh sự lép vế, ít nhất, so với các tỉnh xung quanh.

Tư Giang - Lan Anh

Nha Trang – Khánh Hoà: Nỗ lực vươn tầm cao

Nha Trang – Khánh Hoà: Nỗ lực vươn tầm cao

Tại thời điểm bước ngoặt Nha Trang tròn 100 năm xây dựng và phát triển, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đang có cơ hội lịch sử to lớn khác thường, đồng nghĩa với việc đối mặt với thách thức chưa từng thấy.
Định vị Phú Quốc cho tương lai

Định vị Phú Quốc cho tương lai

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên có những gợi ý chính sách để đưa Phú Quốc vượt lên hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
Đà Nẵng, lối đi chung, lối đi riêng

Đà Nẵng, lối đi chung, lối đi riêng

Có thể nói, các mục tiêu đặt ra trong quy hoạch phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 rất cao so với diễn biến thực trạng phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng hiện nay.