“Phải gạn lọc, kiên quyết không để lai căng và trở thành bãi rác thải của thế giới..." – TS Đặng Vũ Chư nhớ lại lời dặn của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.

Những ngày gần đây, các cơ quan báo chí đăng tải nhiều tin bài lo ngại nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam[1] sau khi hoạt động có thể gây “bức tử sông Hậu”. Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết Bộ đã giao các cơ quan hữu trách tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của công ty này.

Trong khi đó, người dân vẫn còn chưa hết bất an sau khi nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh (của Đài Loan) đã lộ diện đích thị thủ phạm gây ra cá chết ở 4 tỉnh miền Trung.

Giữa những ngày này, tôi đã trò chuyện với TS. Đặng Vũ Chư, người từng giữ cương vị bộ trưởng 12 năm, từ Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ, và sau này hợp nhất 3 bộ lại, ông làm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (1990 -2002). Ông Đặng Vũ Chư làm bộ trưởng dưới thời các Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, và Đỗ Mười, là thành viên của Chính phủ dưới thời các Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải. Đó cũng là giai đoạn Việt Nam bắt đầu chuyển động mạnh mẽ để bước vào công cuộc Đổi mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đều là lớp lãnh đạo trưởng thành trong kháng chiến, không có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật mới, song Theo TS. Chư, tựu trung lại, "các ông đều có cái nhìn rất xa trước những diễn biến tích cực cũng như tiêu cực của thời cuộc và KHCN để định hướng cho tương lai của dân tộc, trong đó có việc làm sao tránh biến Việt Nam thành bãi rác thải của thế giới..."

TS. Đặng Vũ Chư nhớ lại, trong một dịp được gặp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, “ông khoác vai tôi nói như một người cha nhắc nhở con cháu: Bây giờ chuyển sang kinh tế thị trường, dễ tạo điều kiện cho kẻ tham nhũng lợi dụng. Cậu phải chú ý, kinh tế mở cửa, cái tốt vào nhiều nhưng "ruồi muỗi" vào cũng lắm. Do đó, phải gạn lọc, kiên quyết không để lai căng và trở thành bãi rác thải của thế giới..."

Lời dặn thấm thía, chân tình và sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với ngành công nghiệp Việt Nam thời kì đầu nước nhà tiến lên công nghiệp hoá và hiện đại hoá đến nay vẫn đầy tính thời sự.

Trở lại câu chuyện các dự án công nghiệp tác động xấu đến môi trường, ông Chư đặt vấn đề, vì sao các dự án liên quan đến ngành ông mà ông và các vị tiền nhiệm phụ trách trước đây sau nhiều năm hoạt động không mấy gây ra tai tiếng? Ví dụ như Nhà máy bột ngọt Ajinomoto, như Nhà máy Bia Tiger, như Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, rồi trước đó là Nhà máy giấy Bãi Bằng…

{keywords}

Một trong những công đoạn của hệ thống xả thải tại Nhà máy giấy Lee & Man. Ảnh: Tiến Trình/ Tuổi trẻ

Ông Chư lý giải, bởi hồi đó, các cơ quan được giao trách nhiệm thẩm định để chấp nhận cho nước ngoài vào đầu tư đều quan niệm đặt mục tiêu phát triển nhưng phải có môi trường bền vững. Việt Nam luôn trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư, song điều này không đồng nghĩa là bằng mọi giá, kể cả gây nguy hại đến môi trường sống.

"Hầu hết các dự án công nghiệp nói chung, hoặc nói riêng như sản xuất giấy, sắt thép hay luyện quặng..., nếu khoản chi phí dành cho xử lý chất xả thải an toàn, được nhà đầu tư chấp thuận, nó thường chiếm từ 30% đến 40% tổng mức đầu tư của dự án thì mời an tâm được" - Ông Chư nói.

Không ít nhà đầu tư lách kẽ hở luật pháp, để khỏi phải bỏ kinh phí lớn như vậy, thậm chí còn dùng công nghệ lạc hậu. Đáng tiếc điều này có khi lại được sự tiếp sức rất "vô tư" từ các nhà quản lý cũng như các cơ quan tư vấn, thẩm định dự án phía chúng ta, những nơi có trách nhiệm "gác cửa" này đã bỏ qua cho họ, để rồi có ngày bị "há miệng mắc quai".

Bài học qua một số dự án gần đây chứng minh một điều, những người lãnh đạo, dù ở cấp nào, nếu như "tầm" chưa thật cao, thì chí ít cũng cần có cái "tâm" thật trong mọi công việc mà họ điều hành. Chỉ có vậy, lời cảnh báo về một "bãi rác thải của thế giới" mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh băn khoăn ngày nào mới không xảy ra ở Việt Nam...

Quốc Phong - Thùy Vân

Khẩn trương kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường một cách nghiêm túc đúng quy định của pháp luật đối với dự án Nhà máy giấy Lee & Man.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được Văn phòng Chính phủ truyền đạt ngày 5-7.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên - môi trường phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Nhà máy giấy Lee & Man, bảo đảm ngăn chặn, chủ động phòng tránh hiệu quả ô nhiễm môi trường có thể xảy ra do hoạt động của nhà máy giấy.

Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra việc chấp hành môi trường của Lee & Man, Tuổi trẻ 05/07/2016.

------- 

[1] Thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hồng Kông - Trung Quốc.