Khả năng cao nhất dẫn đến đối đầu quân sự trực tiếp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong ngắn hạn đến từ những căng thẳng ngày càng gia tăng trên vùng biển Hoa Đông và biển Đông.

>>Bài 1:  TQ sẽ vô hiệu hóa các vũ khí lợi thế của Mỹ

Trong phần tiếp theo của loạt tư liệu về quan hệ  Mỹ - Trung, nhóm  tác giả sẽ phân tích về những lĩnh vực dễ dẫn đến đối đầu quân sự giữa hai cường quốc này.

Phòng thủ chủ động

Sự kiềm chế đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường lòng tin ở lĩnh vực hạt nhân. Ví dụ, việc Trung Quốc vẫn còn kiềm chế triển khai vũ khí hạt nhân cho đến nay càng khẳng định rằng học thuyết về (vũ khí) hạt nhân của nước này chỉ mang tính phòng vệ.

Tương tự, việc Hoa Kỳ kiềm chế không triển khai một lượng lớn hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo vốn có thể vô hiệu hóa khả năng trả đũa của Trung Quốc củng cố thêm cho việc Mỹ cũng chỉ có ý định phòng thủ. Kể cả khi không được chính thức hóa, việc tiếp tục kiềm chế như vậy vẫn giúp xây dựng niềm tin, điều có thể được củng cố nếu hai bên thông qua Hiệp ước Cấm Thử Vũ khí Hạt nhân Toàn diện cũng như thực hiện những cơ chế xác minh đi kèm.

Các biện pháp như trên có thể được tăng cường nhờ những thỏa thuận minh bạch như cơ chế “vùng trời mở”, giúp cho sự kiềm chế của hai bên đáng tin hơn. Cơ chế này có thể được xây dựng dựa trên thỏa thuận giữa Hoa Kỳ, Nga và các nước thuộc NATO và Khối Hiệp ước Warsaw trước đây trong việc tiến hành những chuyến bay qua lãnh thổ của nhau (khoảng 100 chuyến bay mỗi năm) theo một hiệp ước có từ đầu những năm 1990.

{keywords}

Các nước đều biết cách bảo vệ những bí mật quan trọng trước mỗi chuyến bay của nước ngoài qua lãnh thổ của họ, vì thế thỏa thuận trên không phải là điều đáng quan ngại cho an ninh mỗi nước. Nhưng một hiệp ước như vậy có thể xoa dịu sự bực bội của Bắc Kinh trước các chuyến bay do thám thường xuyên của Hoa Kỳ gần đường bờ biển Trung Quốc.

Thậm chí, như cựu Cố vấn An ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski đã đề xuất, Hoa Kỳ có thể cắt giảm số lượng những chuyến bay do thám này một cách vừa phải – một biện pháp rất đáng cân nhắc, đặc biệt nếu Trung Quốc sẵn lòng đáp lại bằng việc tăng cường tính minh bạch.

Không gian mạng là vấn đề đặc biệt khó khăn. Cũng như trong vấn đề vũ trụ, sự phụ thuộc cao của Hoa Kỳ vào cơ sở hạ tầng mạng ảo chính là một điểm yếu và đặt ra áp lực phải nhanh chóng đáp trả trước mọi cuộc tấn công, thậm chí trước khi nguồn gốc của cuộc tấn công được làm rõ.

Cùng với đó, sự tập trung của Mỹ dành cho “phòng thủ chủ động” đối với các cơ sở hạ tầng này trong thời gian gần dây dường như ám chỉ rằng Washington sẵn lòng tấn công nhằm vô hiệu hóa các mối đe dọa có thể xuất hiện, bất chấp mối nguy hiểm từ các hành động leo thang trả đũa.

Có rất nhiều lý do để tin rằng ít có khả năng cả Washington và Bắc Kinh sẽ nhắm vào các cơ sở hạ tầng mạng của nhau, trừ khi cả hai đứng bên bờ vực xung đột lớn. Sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau của hai nước chí ít cũng bảo vệ cả hai khỏi khả năng bị tấn công bất ngờ. Nhưng những bên khác, bao gồm cả các chủ thể phi quốc gia như các phần tử khủng bố hoặc tin tặc, có thể chủ định làm giả những cuộc tấn công như vậy nhằm kích động một cuộc khủng hoảng hay thậm chỉ là chiến tranh.

Chính vì lý do đó, Hoa Kỳ và Trung Quốc nên đồng ý cùng hợp tác điều tra các vụ tấn công mạng “nặc danh”, tạo dựng tính minh bạch và cam kết có uy tín nhằm tránh nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạ tầng dân dụng của mỗi bên.

Đồng thời, sự linh hoạt là đặc biệt quan trọng trong vấn đề không gian mạng, vì các nước càng khắc phục được những điểm yếu của mình trước các cuộc tấn công bất ngờ thì họ càng có nhiều thời gian để tìm ra nguyên nhân thực sự của vấn đề và làm giảm nguy cơ leo thang xung đột ngoài ý muốn.

Cảnh giác khu vực

Khả năng cao nhất dẫn đến đối đầu quân sự trực tiếp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong ngắn hạn đến từ những căng thẳng ngày càng gia tăng trên vùng biển Hoa Đông và biển Đông.

Việc Hoa Kỳ có cam kết an ninh với Nhật Bản và Philippines, hai quốc gia đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, và việc Hoa Kỳ sẵn sàng đòi những quyền lợi hàng hải cơ bản trong khu vực biển nói trên (điều đã dẫn đến cuộc chạm trán giữa tàu USS Cowpens của Mỹ và một số tàu Trung Quốc vào tháng 12 vừa qua) có thể khiến Washington vướng vào xung đột, dù Hoa Kỳ không có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trong khu vực này.

Những căng thẳng này khó có thể được sớm giải quyết. Những lợi ích đang thực sự bị đe dọa thì không lớn, và phần nhiều xung đột liên quan có thể được giải quyết nếu có đủ quyết tâm từ cả hai phía. Nhưng dường như các bên liên quan lo sợ rằng bất kỳ biểu lộ nào của sự kiềm chế hay thỏa hiệp đều sẽ bị coi là yếu thế, dẫn đến nhiều hành động quyết liệt hơn. Như vậy, việc tìm ra biện pháp để phòng tránh các cuộc khủng hoảng hoặc ngăn cho chúng khỏi lan rộng ra lại càng quan trọng.

Trung Quốc có thể trấn an về ý định của mình bằng việc tán thành và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông do Hiệp hội các Nước Đông Nam Á (ASEAN) đề ra.

Tác giả James Steinberg là Giáo sư ngành Khoa học Xã hội, Các Vấn đề Quốc tế & Luật và là Hiệu trưởng Trường Công vụ và Dân sự Maxwell tại Đại học Syracuse. Michael O’hanlon là Học giả Cao cấp tại Trung tâm An ninh và Tình báo Thế kỷ 21 và Giám đốc Nghiên cứu Chương trình Chính sách Đối ngoại tại Viện Brookings. Cả hai người là đồng tác giả của cuốn sách Strategic Reassuarance and Resolve: U.S.-China Relations in the Twenty-first Century (Princeton University Press, 2014). Bài viết chúng tôi giới thiệu lược theo nội dung của cuốn sách.

Việc kiềm chế triển khai lực lượng quân sự và đồng ý thực hiện các quy trình hoạt động để làm giảm nguy cơ tai nạn và tính toán sai sẽ giúp cho cam kết trỗi dậy hòa bình của Bắc Kinh đáng tin hơn, và các quy trình tương tự có thể được áp dụng với vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Đó là vấn đề mà Bắc Kinh phải có thay đổi chính sách lớn hơn. Ngoài ra vẫn có những vấn đề khác mà trong đó gánh nặng trách nhiệm lớn hơn thuộc về Washington, ví dụ như việc giảm quy mô năng lực hạt nhân tấn công cùng với Nga.

Không những thế, giới lãnh đạo Mỹ - Trung cần phải thiết lập những cơ chế tốt hơn nữa nhằm thực hiện đối thoại trực tiếp và thẳng thắn trong giai đoạn khủng khoảng. Từ năm 1988, hai nước đã từng có đường dây nóng nối giữa các lãnh đạo cấp cao, nhưng lại ít có giao thiệp giữa các lực lượng quân sự, phần lớn là do Bắc Kinh vẫn thận trọng trước kiểu cam kết như vậy.

Một thỏa thuận quân sự trên biển, cũng có từ năm 1988, đã khuyến khích có sự tham vấn và minh bạch trong hoạt động của riêng mỗi nước, song không bao gồm vấn đề luật lệ giao thông đi lại hay các di chuyển chiến thuật cụ thể.

Thiết lập một đường dây nóng quân sự dựa theo đường dây nóng giữa Mỹ-Liên Xô sẽ là hợp lý. Ít nhất thì mỗi nước nên có một danh sách liên lạc hoàn chỉnh dành cho các lãnh đạo quân sự cấp cao của nước còn lại, để tạo điều kiện đối thoại nhanh chóng trong tình trạng khủng hoảng.

Còn nữa

Nguồn: James Steinberg & Michael O’Hanlon (2014), “Keep Hope Alive: How to Prevent U.S.-Chinese Relations From Blowing Up”, Foreign Affairs, Vol. 93, No. 4, pp. 107-117.

Biên dịch: Ngô Thanh Tâm | Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Bài được đăng lại từ website nghiencuuquocte.net