Ký ức đau thương về trận lũ lịch sử

Trong ký ức của người dân xứ Huế, trận lũ năm 1999 được xem là cơn “đại hồng thủy” bởi những hậu quả nặng nề.

XEM VIDEO: 

Trận lũ làm ngập trắng 10 tỉnh, thành miền Trung, khiến 595 người chết (trong đó tỉnh Thừa Thiên - Huế có 352 người, Quảng Nam 73 người), 41.846 ngôi nhà, 570 trường học bị sập, nước cuốn trôi.

{keywords}
Làng Rồng, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế

Thừa Thiên - Huế là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận lũ lịch sử ấy. Trong đó, sự cố vỡ đập Hòa Duân xóa sổ làng Hải Thành (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) với 64 ngôi nhà, 14 người dân thiệt mạng.

Ông Trần Văn Thu (54 tuổi, trú làng Rồng, tổ dân phố An Hải, thị trấn Thuận An) vẫn nhớ như in biến cố đau thương đến với gia đình do trận lũ mang lại.

“Đêm 25/9/1999 âm lịch, nước lũ bắt đầu tràn về làng, cuốn trôi người và nhà cửa. Khoảng 23h đêm hôm đó, tôi bị nước lũ cuốn ra biển rồi bị sóng đánh dạt lại vào bờ.

Lúc ấy, tôi nhìn thấy cả làng chìm trong biển nước. Phát hiện một số đường dây điện cao thế nhấp nhô giữ dòng nước lũ, tôi cố gắng bơi đến, bám được vào dây điện và may mắn sóng sót”, ông Thu bồi hồi nhớ lại.

{keywords}
Ngôi nhà của ông Thu được cải tạo lại nhưng vẫn giữ nguyên hình dáng cũ để tưởng nhớ tấm ân tình của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu

May mắn sống sót sau trận lũ lịch sử nhưng ông Thu phải gánh chịu nỗi đau đớn, bất hạnh ập đến với gia đình khi có 12 người thân bị lũ cuốn tử vong. Trong đó, có bố mẹ, vợ, 3 đứa con và nhiều anh em ruột thịt của mình.

Cùng nhớ về cái đêm “định mệnh” ấy, ông Trần Văn Hà (người dân làng Rồng) bùi ngùi, thời điểm đó, nhiều người dân sớm nhận định sẽ có lụt lớn nên ngay từ sáng 25/9 (Âm lịch), bà con trong thôn vội đưa người già, trẻ nhỏ di dời lên cao, riêng thanh nên trai tráng được huy động vận chuyển đồ đạc, gia cố nhà cửa…

“Thế nhưng, đến hơn 10 giờ đêm hôm ấy con nước mạnh từ thượng nguồn ập về đã xé toang thân đập Hòa Duân và cuốn phăng 64 ngôi nhà kiên cố, để lại một biển nước mênh mông…

Đại hồng thủy vừa dứt, mặt đất ngổn ngang những mất mát, đau thương”, ông Hà tâm sự.

Làng quê “tái sinh” sau biến cố

“Chỉ ít ngày sau khi xảy ra cơn đại hồng thủy, gây bao mất mát, đau thương cho người dân vùng biển Thuận An thì bác Lê Khả Phiêu (lúc đó là Tổng bí thư) cùng đoàn cán bộ Trung ương vào thăm địa phương.

{keywords}
Nhà sinh hoạt cộng đồng, nơi trưng bày những hình ảnh lưu niệm của người dân với nguyên Tổng bí thư

Chứng kiến hậu quả tang thương, hoang tàn do trận lũ lịch sử mang đến, bác Lê Khả Phiêu chỉ đạo các cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương phải gấp rút làm nhà cho dân ở, không để người dân đi lang thang”, ông Nguyễn Văn Vẫn (50 tuổi, trú làng Rồng) nhớ lại.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, tháng 12/1999, các chiến sĩ Quân khu 4 (thuộc Bộ Quốc phòng) khởi công xây dựng làng Rồng để tái định cư cho 64 gia đình.

Chưa đầy 3 tháng sau, những người lính Quân khu 4 đã khẩn cấp tái thiết cuộc sống mới cho 64 hộ dân mất nhà cửa và mất cả người thân bằng một ngôi làng mới tọa lạc ngay tại thị trấn Thuận An với 64 căn nhà chia thành 4 dãy, nằm quay mặt vào nhau qua hai tuyến phố.

{keywords}
Tấm hình kỷ niệm trong 1 lần nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu về thăm làng Rồng

Tết năm 2000 (năm Canh Thìn), 64 hộ dân thôn Hải Thành phấn khởi cùng nhau thu dọn đồ đạc về làng mới, trong những ngôi nhà mới do bộ đội xây tặng.

Lúc ấy, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu về thăm làng mới khi làng tái định cư vẫn chưa có tên.

“Vậy là bác Phiêu hỏi bà con dân làng: Chúng ta nên đặt tên cho ngôi làng là gì? Mọi người hội ý rồi nhất loạt đồng ý: Đặt tên làng Lũ được không bác?

Bác Phiêu phân tích, tên Lũ hợp tình hợp lý vì lũ nên mới có nơi an cư mới như bây giờ. Nhưng nếu dùng tên làng Lũ thì không vui, vì mọi người ám ảnh lũ lụt, gợi nhớ những chuyện buồn. Sau vài phút suy ngẫm, cái tên làng Rồng ra đời với ý tưởng của Tổng bí thư là đón năm Rồng với mong muốn ngôi làng ngày càng phát triển như biểu tượng loài linh vật ấy… Tất cả mọi người trong làng đều vỗ tay đồng ý. Đó cũng là một tín hiệu về sức sống ở một ngôi làng mới”, ôngThu nhớ lại.

{keywords}
Ông Thu thắp hương khi hay tin nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từ trần

Cũng theo người đàn ông này, hơn 20 năm trôi qua, dân làng Rồng từ người già đến trẻ nhỏ vẫn luôn ghi đậm trong lòng những tình cảm quí mến của nguyên Tổng bí Thư Lê Khả Phiêu dành cho người dân nơi đây.

“Hơn 20 năm kể từ trận lũ lịch sử, dịp cuối năm nào bác Phiêu cũng trực tiếp vào thăm hoặc gửi quà tết cho bà con trong làng.

Vừa rồi nghe tin bác mất, người dân làng Rồng ai cũng tiếc thương bác”, ông Thu nghẹn ngào chia sẻ.

Quang Thành

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu: Chẳng ai bảo vệ mình tốt bằng nhân dân

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu: Chẳng ai bảo vệ mình tốt bằng nhân dân

Ngồi cùng xe, tôi đề xuất với nguyên Tổng bí thư về Nam Nghĩa: Về an ninh tụi em lo, anh yên tâm. Ông đồng ý và nói: Chẳng ai bảo vệ mình tốt bằng nhân dân - nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp kể.