Bộ máy quan liêu trong thế giới biến động

Khi GS. Klaus Schwab, người sáng lập và là Chủ tịch điều hành WEF công bố cuốn sách Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào cuối năm 2016, blockchain chưa được nhắc đến nhiều, AI chưa được nhấn mạnh. Nhưng chỉ sau 2-3 năm, đến nay những từ khóa này đã trở nên phổ biến. Công nghệ, chuyển đổi diễn ra nhanh chóng.

Thế giới cũng đang thay đổi cực kỳ nhanh chóng và đa dạng. Cuộc chiến thương mại với sự tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn đã tạo nên những xáo trộn. Các tổ chức quốc tế uy tín nhất vài tháng lại cập nhật các dự báo tăng trưởng của mình.

Hội nhập, cải cách để bắt kịp và đi cùng thời đại là lựa chọn không thể khác; nhận diện đúng thách thức, cơ hội để có các giải pháp hành động là điều phải làm nếu muốn thích nghi.

Vấn đề là có khoảng cách giữa thực tế cuộc sống và chính sách. Bản thân bộ máy nhà nước luôn có tính quan liêu, sức ỳ, trong khi thị trường bao giờ cũng năng động, uyển chuyển. Chúng ta nói nhiều đến sandbox nhưng chưa làm được nhiều, chưa theo kịp đòi hỏi của thực tế, khiến câu chuyện của fintech, grab, uber, condotel đang treo lơ lửng.

{keywords}

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: Tôi rất mong thấy rõ hình ảnh một nhà nước pháp quyền, một chính phủ phục vụ công dân, doanh nghiệp minh bạch, có khả năng giải trình, trách nhiệm. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nền kinh tế số có những quy luật mới, sự kéo dài của quá khứ không làm nên tương lai. Nếu những người đứng đầu không dám chấp nhận cuộc chơi, không dám chơi, thì cả bộ máy sẽ không ai dám làm. Vấn đề không chỉ là những thách thức với xu hướng mới, mà ngay cả những câu chuyện truyền thống, những nút thắt thể chế còn chưa được gỡ hết, khiến nhiều người trong bộ máy không dám làm khác, không dám sáng tạo dù có thể có tâm tốt, có năng lực...

Chúng ta vẫn thường nói, ‘doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm, công chức chỉ làm những gì pháp luật cho phép’. Đến thời điểm này, chúng ta cần thêm câu hỏi, công chức có được phạm sai lầm không? Nếu muốn họ sáng tạo, cơ chế nào để họ sẵn sàng sáng tạo. Phải có cơ chế bảo vệ, cơ chế động lực, cách thức giám sát phù hợp để thúc đẩy họ làm việc. Cần có cơ chế đàng hoàng hóa thu nhập để giới công chức nhận một đồng đàng hoàng vẫn thích hơn nhận hai đồng không đàng hoàng.

Tôi rất mong thấy rõ hình ảnh một nhà nước pháp quyền, một chính phủ phục vụ công dân, doanh nghiệp minh bạch, có khả năng giải trình, trách nhiệm.

Bức tranh nhiều màu sắc

Năm 2019 có nhiều điểm tích cực, nhiều điểm sáng, nhưng vẫn còn không ít điểm đáng băn khoăn. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, các dự báo liên tục thay đổi, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7,02%, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, lạm phát thấp, cán cân thanh toán thặng dư, tăng trưởng xuất khẩu dù chậm lại, nhưng vẫn ở mức tốt... Đây là những điểm sáng.

Giới kinh doanh cũng nhìn thấy cơ hội lớn ở Việt Nam khi môi trường kinh doanh được cải thiện, các Hiệp định thương mại thế hệ mới được thực thi (như CPTPP) và ký kết (như EVFTA), đi kèm với đó là cơ hội mới mở ra.

Tới 44% lãnh đạo doanh nghiệp APEC tại Việt Nam có kế hoạch tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong năm tới; 49% lãnh đạo doanh nghiệp ở Việt Nam "rất lạc quan" về tăng trưởng doanh thu trong năm 2020, so với chỉ số trung bình trong khối APEC là 34%; 62% lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát kỳ vọng sẽ tăng cường đầu tư trong nước trong năm nay, tỷ lệ này cao hơn ở Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore, theo Báo cáo “Kinh doanh xuyên lãnh thổ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương 2019-2020” của Công ty PricewaterhouseCooper.

Tuy nhiên, còn nhiều điểm rất đáng băn khoăn. Nghị quyết 01/2019/NQ-CP đã nhiều lần nhấn mạnh đến từ ‘bứt phá’, ‘đột phá’, vậy mà giải ngân đầu tư công vẫn rất chậm, tái cơ cấu đầu tư công vẫn chưa đạt được nhiều bước tiến, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm 2019 mới làm được 28% kế hoạch.

Ngay cả những điểm sáng, như việc thăng 10 hạng trên bảng xếp hạng về Năng lực cạnh tranh quốc gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), lên vị trí 67/141, thì Việt Nam vẫn ở thứ hạng thấp về sự năng động của doanh nghiệp và năng lực đổi mới sáng tạo, thể chế , cơ sở hạ tầng, y tế, kỹ năng ... Đây là những chỉ số thể hiện chất lượng bền vững của năng lực cạnh tranh quốc gia và rõ ràng, những nỗ lực bứt phá để cải thiện vẫn chưa đủ mạnh.

Thể chế thiếu nhất quán, chưa rõ ràng, thủ tục hành chính rắc rối tiếp tục thử thách lòng tin của người dân và doanh nghiệp.

Thanh khoán thị trường cổ phiều giảm tới 29% so với năm 2018, quy mô giao dịch trên thị trường cổ phiếu năm 2019 chỉ đạt trung bình 4.639 tỷ đồng/phiên, giảm 29%; tổng số vốn huy động qua phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán năm 2019 cũng giảm khá mạnh, giảm 41% so với năm 2018. Thị trường bất động sản cũng vậy, nguồn cung giảm, giao dịch thành công giảm.

Năm 2020, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,8%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%,… thể hiện sự thận trọng cần thiết. Nó hàm chứa những khó khăn trong nội tại nền kinh tế Việt Nam, khi việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng vẫn đang phải rất nỗ lực để thực hiện, trong đó nhiều chỉ tiêu thực sự thách thức như năng suất lao động, năng lực đổi mới sáng tạo.

Những tác động của CPTPP cũng như các Hiệp định thương mại thế hệ mới là cải cách thể chế, hoàn thiện một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập đúng nghĩa chưa được nhiều. Đây là điều chúng ta cần cải thiện.

Vũ Lâm (lược ghi)