Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông chia sẻ với Tuần Việt Nam về những trăn trở, suy tư về đồng chí, đồng đội. Ông là cựu chiến binh, từng có 9 năm cầm súng, tham gia cuộc chiến thống nhất đất nước. 

Chiến tranh kết thúc gần 45 năm kể từ khi giải phóng Sài Gòn, giang sơn quy về một mối. Vết thương trên da thịt đất nước coi như đã hàn gắn gần xong, đã xanh tươi trở lại... 

Tuy nhiên, vết thương trong lòng mỗi người có con đi chiến trường hi sinh chưa tìm thấy hài cốt, chưa tìm thấy tên; vết thương trong lòng mỗi người có con nhiễm chất độc da cam; và vết thương trên da thịt, trong tâm hồn những người lính mang thương tật vẫn còn nguyên vẹn và ngày một nặng hơn vì thời gian và tuổi tác. 

{keywords}
Ông Lê Doãn Hợp ngậm ngùi khi trải lòng về những đồng đội đã hy sinh hay còn sống.

Gần đây, tôi tìm đến thắp hương cho bạn tôi là Nguyễn Hữu Cáng, hy sinh gần 50 năm trước. Khi đến nhà cũ của anh ở Thanh Hoá thì mới được biết thêm, anh trai ruột là Nguyễn Hữu Cần cũng đã hy sinh trong chiến tranh. Vậy mà đến cái bàn thờ cũng không có, những người đồng đội cũ chúng tôi ra thị trấn mua bàn thờ để thắp hương. Mà ngôi nhà cũ đã liêu xiêu, phải chui mới vào được. Mà đó là một trong các đồng đội tôi tìm được khi thực hiện chương trình xây nhà tình nghĩa. Tiểu đoàn tôi lúc tham gia là 516 người và còn lại 51 người khi kết thúc chiến tranh. 

Năm ngoái tôi đến tặng một nhà tình nghĩa ở xã Bình Dương, huyện Thông Bình, tỉnh Quảng Nam. Bí thư xã nói một số liệu mà đêm về tôi không ngủ được vì quá khốc liệt và ám ảnh. Xã Bình Dương hiện nay có 9000 người đang sống. Trong chiến tranh chống Mỹ cả xã chết 4.300 người, trong đó có 1311 người là liệt sĩ bao gồm 21 người là liệt sĩ dưới 13 tuổi, có 305 anh hùng, có 5 anh hùng lực lượng vũ trang, trong đó có Nguyễn Trung Thu là Phó Tổng tham mưu trưởng. Đăc biệt có 1 anh hùng lực lượng vũ trang Phan Thị Nga bị tử hình năm 20 tuổi. Họ đưa chị ra bãi cát bắn và bắt cả xã ra xem. Họ hỏi chị có nói lời gì cuối cùng không, chị trả lời, hãy mở băng đen ra để tôi được nhìn đồng bào tôi lần cuối cùng, hãy bắn tôi đi, trời trưa nắng lắm rồi để đồng bào tôi về nghỉ và hô “Hồ Chí Minh muôn năm, Việt Nam muôn năm, đả đảo đế quốc Mỹ xâm lược”. 

“Cái được” của người lính sau chiến tranh là cái được của cả dân tộc cùng được: hoà bình, hào khí, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là sự ngưỡng mộ của loài người và những dấu ấn của lịch sử. Nhưng “cái mất” của người lính đi qua chiến tranh thì chỉ có họ mới nếm trải, là tuổi trẻ, sức khoẻ, thời gian, các vết thương trong lòng, trên cơ thể. 

Thế hệ những người cầm súng ra trận, những người là thương binh, bệnh binh, anh hùng, liệt sĩ là thế hệ vàng của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Tôi cho là thế hệ vàng này có 5 cái nhất. 

Thứ nhất, họ là thế hệ gian khổ nhất, hi sinh nhiều nhất, tràn đầy chủ nghĩa anh hùng cách mạng nhất. Sau 13 năm chiến tranh, từ năm 1966 đến khi kết thúc chiến tranh biên giới phía Tây Nam) đã có 5 sư đoàn đã hi sinh, 10 sư đoàn là thương bệnh binh. Cứ mỗi hơn 3 năm là chúng ta mất đi một sư đoàn, để thấy sự khốc liệt đến thế nào. 

Thứ hai, tình người đẹp nhất, đẹp đến mức không có cái gì riêng, từ cái áo, cái quần, băng đạn, thủ pháo, vũ khí đều là của chung khi cần đến trong chiến đấu. Tình người trong chiến tranh là di sản phi vật thể của dân tộc. Tôi suy nghĩ mãi, làm thế nào dân tộc mình phục hồi lại tình người như thế, tình đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp trong hoà bình được như thế thì dân tộc này chắc chắn sẽ thăng hoa. 

Tôi từng viết về một tấm gương dũng sĩ bắn cháy 7 xe tăng địch. Anh nói 1 câu rằng anh viết thế nào thì viết nhưng đừng để em mất đồng đội bởi vì em chỉ có một công duy nhất là đưa viên đạn vào đúng mục tiêu, còn tất cả công lao đều là của đồng đội, ai chia lửa cho em, ai tiếp nước cho em, ai tiếp đạn, lương thực cho em để em chiến đấu. Đó chính là chủ nghĩa anh hùng cách mạng. 

Thứ ba, là tình cảm quốc tế trong sáng nhất. Sư đoàn 5 của chúng tôi trong 2 lần sang giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Khme Đỏ không hề tơ vương gì, bảo vệ từng người dân, bảo vệ từng tấc đất, đánh đuổi bọn diệt chủng, điều rất hiếm trên thế giới này. 

Cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm ròng rã chúng ta mất 9 vạn liệt sĩ. Trong cuộc chiến giải phóng Campuchia, chúng ta mất 12 vạn chiến sỹ. Nói vậy để thấy sự hy sinh của dân tộc này cho bạn bè láng giềng lớn đến như thế nào. Bác Hồ nói 1 câu tuyệt vời: giúp bạn là tự giúp mình. Đó là chủ nghĩa quốc tế trong sáng. 

Thứ tư, trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân cao nhất. Họ đã hy sinh để dành độc lập, thống nhất đất nước. 

Thứ năm, hưởng thụ thấp nhất. Tôi không muốn đề cập đến chuyện cá nhân, nhưng muốn kể lại một chút để thế hệ sau này hiểu thêm. Tôi đi chiến đấu 9 năm không có một đồng lương. Hồi đó ngày ăn 2 bữa, khi có cơm, khi có lương khô, thậm chí khi không còn gì để ăn nhưng ôm súng chiến đấu suốt 9 năm ròng rã. Sự hi sinh của người lính là vô bờ bến. 

Hiện nay tôi cùng anh em Sư đoàn 5 làm được 62 nhà tình nghĩa cho đồng đội, đưa được 42 bộ hài cốt của đồng đội về cho gia đình. Khi chúng tôi đưa những bộ hài cốt về, cả dòng họ, cả quê hương đến viếng như mới chết hôm qua. Điều đó cho thấy, họ hàng, làng xóm còn có khát vọng thấy hài cốt của con em mình kinh khủng lắm. Chúng tôi đã làm được 45 sổ tiết kiệm cho những đồng đội có con bị chất độc da cam, làm được 14 tập kí ức người lính, viết về những người đã khuất bị lãng quên. Chúng tôi cùng với Tập đoàn Trung Nguyên tặng 60 nghìn quyển sách cho lực lượng vũ trang. Giờ về hưu rồi, tôi chủ yếu làm cho những người đồng đội đã khuất. 

Sau nhiều năm làm việc đó, tôi ngày càng thấm chuyện những đồng đội cũ ngày càng già yếu đi, những đơn thư của các đồng đội tôi còn sống ở Sư đoàn 5 xin được giúp đỡ, hỗ trợ càng ngày càng dầy lên mà sức của tôi và ban liên lạc càng ngày càng cạn đi. Đây là mâu thuẫn rất lớn giữa yêu cầu giúp đỡ và năng lực, sức khỏe của người lính sau chiến tranh. Chúng tôi vẫn quyết tâm làm để hỗ trợ đồng đội.  Anh em nói với nhau rằng, chúng ta cần cố gắng hơn nữa vì cứ bớt đi một đồng đội đỡ khổ là có thêm niềm vui. Chúng tôi kiên trì, âm thầm làm, nhưng cũng chỉ làm được khoảng chục cái nhà tình nghĩa mỗi năm.

Hiện nay, tôi thấy có 3 vấn đề quan tâm: 

Tất cả những thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ đều là những người có công. Họ thầm lặng chịu đựng không kêu ca, không phàn nàn; Đảng và Nhà nước giúp được gì thì họ quý cái đó. Có đồng đội được tặng nhà chỉ nói được mấy câu là khóc; có người kiến nghị làm giúp cái cống để mỗi lần xe lăn đi qua cho dễ dàng hơn; có những người rất nghèo khổ nhưng lại chỉ xin giúp đỡ cho đồng đội của mình còn khổ hơn.  

Mục tiêu của Chính phủ giúp các gia đình chính sách có cuộc sống trung bình khá ở khu vực là một cuộc vật lộn lâu dài vì thực tế hầu hết những người mà chúng tôi tặng nhà tình nghĩa đều có mức sống rất khổ. Họ đang lần lượt ra đi rất nhanh. Tôi rất mong Đảng và Nhà nước giúp được gì thì giúp sớm để họ còn sống những tháng năm cuối cùng trong niềm kiêu hãnh là người có công, trong tình cảm được cả hệ thống chính trị đùm bọc. 

Chính quyền địa phương rất thấu hiểu nhưng lực bất tòng tâm. Nhiều xã biết nhiều trường hợp rất khó khăn nhưng không giúp đỡ được. Tôi mong Đảng, Nhà nước rà soát lại các đối tượng chính sách, tiếp tục kêu gọi ngân sách cả 4 cấp xã, huyện, tỉnh, trung ương, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tiếp tục hỗ trợ cho tất cả các gia đình liệt sĩ, thương binh có được 50 mét vuông nhà kiên cố để những người có công ở tốt hơn trong những năm tháng ít ỏi còn lại. 

Xây được nhà tình nghĩa thì khi họ ra đi cũng có chỗ thờ cúng. Con cái họ thấy ông cha mình có công và vẫn được chăm sóc, quan tâm. Một nhà tình nghĩa 50 mét vuông thì nơi nhiều nhất cũng chỉ tốn khoảng 120 triệu, nơi tiết kiệm có công sức dân làm nữa là 50-70 triệu. Nên khảo sát lại để giúp các gia đình chính sách ngôi nhà 50 mét vuông để ở. 

Điều đó vừa có ý nghĩa với người có công, vừa giáo dục truyền thống cho những người trẻ hiện nay. 

Lan Anh lược ghi 

"Không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ" 

Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh-liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2019), sáng 25/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự cuộc Gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019. Than dự có 500 thương binh nặng tiêu biểu, đại diện cho 12.000 thương binh nặng trong 1,2 triệu thương binh cả nước. 

Thủ tướng khẳng định: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Rất nhiều đồng chí đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, rất nhiều đồng chí trở về sau chiến tranh với thương tật suốt đời, chịu nhiều đau đớn do vết thương để lại, nhiều người bị nhiễm chất độc hóa học. "Máu đào, sự hy sinh cao cả của các thương binh, liệt sĩ đã tô thắm màu cờ Tổ quốc, để đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. 

Thủ tướng nêu rõ Đảng, Nhà nước, nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo thực hiện tốt công tác người có công với cách mạng, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đã được kết tinh thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của dân tộc ta. Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng càng được đặc biệt quan tâm, xã hội hóa sâu rộng. Hằng năm, ngân sách Nhà nước đã dành hơn 32.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi cho hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 138.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 2 triệu thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, hàng trăm người bị địch bắt, tù đày, người nhiễm chất độc hóa học… 

Cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, toàn thể xã hội đã thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm thiết thực. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, phong trào đền ơn đáp nghĩa đã tiếp nhận gần 6.500 tỷ đồng, xây mới và sửa chữa trên 155.000 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 13.000 tỷ đồng, tặng trên 124.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá hơn 980 tỷ đồng. Hơn 6.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời. 

Cho biết đã có hơn 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú, Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta chưa thể bằng lòng với kết quả đó, bởi hiện cả nước còn một bộ phận thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng có cuộc sống còn khó khăn, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính, vẫn còn những người, những gia đình người có công vì nhiều lý do khác nhau chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi. “Đây là những điều day dứt trong lòng người thân và trong mỗi chúng ta, cần được quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của toàn xã hội”. 

Với tinh thần trách nhiệm lớn lao vì nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục chăm lo chu đáo đến đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn. Phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú, giải quyết căn bản hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng.