Trong khi học sinh nước ngoài được trang bị các góc nhìn đa chiều, đa dạng cách tiếp cận thì học trò của Việt Nam mới chỉ nhìn được 1 hoặc 2 hướng để có thể phát triển ý.

Chúng ta vẫn thường thấy học sinh Việt Nam học giỏi và đoạt nhiều giải cao trong các kỳ thi quốc tế về Toán và cho rằng khả năng trí tuệ của chúng ta không thua kém thế giới.

Nhưng về bản chất, các kỳ thi là nơi mà kỹ thuật giải bài thường được đào luyện tới mức rất sát và trúng tủ. Các kỳ thi kiểu này không đánh giá chính xác KHẢ NĂNG VÀ CÁCH SUY NGHĨ của học sinh.

Trong bài viết này tôi chỉ bàn về khía cạnh mà học sinh nước ngoài và học sinh Việt Nam thường bộc lộ những khác biệt.

Khi làm bài, khi phân tích một vấn đề, học sinh nước ngoài thường thể hiện góc nhìn ĐA CHIỀU và cách tiếp cận tổng thể thì học trò của Việt Nam mới chỉ nhìn được 1 hoặc 2 hướng để phát triển ý theo đó. Khả năng tổ chức ý cho việc tranh biện của học trò ta thường thiếu hệ thống, không có mạch (flow), lộn xộn, không biết trình bày ý nào nói trước, ý nào nói sau và ý nào nói sau cùng; ý cái nào nên nói lướt  và ý nào nên đào sâu…

Yếu điểm này thể hiện rất rõ ở World Scholar's Cup- một sự kiện đang nhận được sự quan tâm của các học sinh và phụ huynh Việt Nam.

{keywords}

Đoàn Việt Nam tham dự World Scholar's Cup 2016. Ảnh: Nguyễn Tuấn Hải.

Nhân đây, tôi xin được đưa ra một cách tiếp cận và phân tích về giáo dục nhằm mang lại cho các bạn một cái nhìn mới mẻ trong bầu không khí và bối cảnh đổi mới giáo dục của Việt Nam hiện nay.

Được thành lập vào năm 2006 bởi Daniel- một cựu sinh viên của Harvard, WSC có xuất xứ Hoa Kỳ và mang phong cách giáo dục Mỹ, nơi mà học sinh sẽ tranh tài với nhau qua 2 hoạt động chính nhấn mạnh vào tư duy (cách nghĩ, ý tưởng và khả năng trình bày):

- Viết phối hợp,

- Nói trước công chúng theo hình thức tranh biện.

Đừng quên, chủ đề mà học sinh (scholars) tham gia tranh tài thường trải rộng trên các lĩnh vực: Lịch sử thế giới, Văn học thế giới, Khoa học, Xã hội học, Chủ đề đặc biệt

Điều này cũng đồng nghĩa với việc không thể luyện thi WSC theo kiểu luyện gà nòi và luyện tủ.

Chưa hết, với yêu cầu kiến thức trải rộng như vậy buộc thí sinh  không có cách nào khác là phải đọc sách, tham khảo tư liệu rất đồ sộ, theo chủ đề thi của năm gắn với môn đó. Nói cách khác, từ rộng đã chuyển thành sâu. Quá trình tìm tòi, đào sâu thông tin như vậy sẽ giúp tự họ tích lũy kiến thức và tri thức. Đây là một đặc điểm rất hay của WSC.

Có một khái niệm bao trùm của WSC là nhóm (teamwork). Thí sinh tham gia WSC không thể đứng đơn lẻ với tư cách cá nhân mà phải đăng ký theo nhóm. Thường là 3 em/nhóm. Nhóm cũng được chia theo lứa tuổi: junior cho 12-15T và senior cho 16-19T. Khoảng cách độ tuổi nhằm khuyến khích các thí sinh làm việc trong môi trường các độ tuổi khác nhau.

Là một giám khảo, ngoài chấm các nội dung thi cho cả 2 nhóm tuổi, tôi còn phải chấm điểm phối hợp làm việc nhóm. Cụ thể:

-        Các thành viên có trao đổi ý kiến với nhau khi tham gia thi nói hay viết không?

-        Các ý và nội dung trong bài nói của các thành viên nhóm có sự phối hợp và bổ sung cho nhau để tạo thành 1 luận điểm chung hay không?

-        Các thành viên của đội này có dành cho đội đối thủ trong nội dung thi tranh biện (debate) sự lắng nghe và tôn trọng ý kiến hay không?

Những cuộc thi của các nước phương tây dành cho học sinh luôn đề cao tinh thần và kỹ năng làm việc nhóm. Đây cũng là một điểm yếu chí tử của chúng ta. Người Việt thường tỏ ra yếu khi làm việc theo nhóm. Đó là thực tế.

Chiến lược nói là một tiêu chí để ban giám khảo đánh giá cho cả đội và từng cá nhân. Do yếu về tư duy phản biện nên đa phần các em học sinh Việt Nam thường tỏ ra đuối sức.

Bên cạnh đó, thể hiện ngôn ngữ tiếng Anh cũng là một yếu điểm của học sinh Việt Nam. WSC đòi hỏi học sinh phải thể hiện rất tốt tiếng Anh qua nói và viết. Nói tốt thì mới có thể tham gia  các hoạt động giao lưu và tương tác bên lề. Cuộc thi không bó hẹp theo cách đến ngồi trong phòng giải bài rồi ra về.

Chỉ qua một cuộc thi WSC đã có thể thấy một số lỗ hổng chí tử của giáo dục Việt Nam nói chung. Và để có thể vươn ra biển lớn thế giới, không có cách nào khác là các nhà hoạch định chính sách cần tham khảo thêm cách làm của thế giới và điều chỉnh lại chính sách của giáo dục nước nhà.

Nguyễn Tuấn Hải