LTS: Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 ở Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Những biện pháp mạnh nhất như giãn cách xã hội tiếp tục được áp dụng tại TP.HCM. Bối cảnh phức tạp này đặt ra yêu cầu cần thay đổi cách thức chống dịch. Dưới đây là gợi mở của GS Y khoa Nguyễn Văn Tuấn về vấn đề này. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Ở Việt Nam, tôi đoán rằng công chúng đã và đang mệt mỏi với những con số về Covid-19. Hầu như báo và đài nào cũng đưa ra số ca nhiễm trong ngày. Con số dĩ nhiên là tăng giảm theo từng ngày, và khác biệt giữa các địa phương.

Những con số đó được truyền thông như một điểm nhấn trong tình hình dịch bệnh, có lẽ chỉ làm cho người ta thêm hoang mang. Nó chỉ đơn thuần là “dữ liệu”, nhưng không phải là "thông tin". Từ dữ liệu đến thông tin cần đến khoa học để giúp công chúng nhìn vấn đề đúng hơn.

{keywords}
Test nhanh Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Nếu tôi nói hôm nay TP.HCM có (ví dụ như) 700 ca dương tính, các bạn có lẽ nghĩ là khá cao. Nhưng nếu tôi nói tất cả 700 ca đó đều là nhẹ và không cần điều trị, thì có lẽ các bạn yên tâm hơn.

Do đó, nếu những con số thống kê được công bố lên mà thiếu bối cảnh sẽ gần như vô nghĩa.

So sánh tình hình Việt Nam và thế giới

Trong thực tế, đa số các ca nhiễm ở TP.HCM và cả nước nói chung là nhẹ. Theo số liệu của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế công bố ngày 4/7, trong số 4.806 ca nhiễm ở TP.HCM, chỉ có 131 ca (2,7%) là nặng. 'Nặng' ở đây là cần thở máy hay ECMO. Tính trên cả nước, số ca nặng theo định nghĩa trên là 3% (236 ca nặng trên tổng số 7.796 dương tính).

Ở nước ngoài thì sao?

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 80% người bị nhiễm Covid-19 tự bình phục mà không cần đặc trị. Một trong 6 người (17%) dương tính bị nặng và cần trợ thở.

So sánh số liệu ở Việt Nam với thế giới, chúng ta thấy rõ ràng là tình trạng dịch ở Việt Nam nhẹ hơn nhiều. Trong khi thế giới có 17% ca nặng, Việt Nam chỉ có 3%.

Con số tử vong có liên quan đến virus SARS-CoV-2 ở Việt Nam cũng thấp hơn thế giới. Tính đến ngày 5/7, số ca tử vong ở Việt Nam là 90 người, tỉ lệ là 0,4% (hay 4 trên 1.000 người).

Trên thế giới, tỷ lệ tử vong trung bình là 0,8% (dao động từ 0,2% đến 2,9%).

Như vậy, tính trung bình, tỉ lệ tử vong do Covid-19 ở Việt Nam chỉ bằng phân nửa tỉ lệ trên thế giới.

Ở Việt Nam, một số người có vẻ quan tâm đến con số ca nhiễm không có triệu chứng (68%). Nhưng ở nước ngoài, theo một nghiên cứu ở Ý thì con số này là 75%. Con số 68% đó không có gì là quá khác thường.

Vậy, có nên đếm số ca nhiễm mỗi ngày?

Với câu hỏi này, có thể nhiều người sẽ nói 'nên'. Nhưng với những lý giải trên, tôi cho rằng có lẽ đã đến lúc chúng ta nên ngưng cách làm đó. Thay vào đó, hãy tập trung vào số ca nhiễm nặng, điều trị, và kiểm soát dịch.

Nếu ai quan tâm theo dõi hàng ngày tình hình dịch bệnh thì hẳn đã nghe đến việc Singapore lên kế hoạch ngưng đếm số ca nhiễm mỗi ngày.

Singapore là nước được xem là thành công trong chống dịch. Họ cũng đã tiêm chủng liều 1 cho gần 65% dân số. Cho đến nay, Singapore vẫn ghi nhận số ca nhiễm mỗi ngày. Nhưng các giới chức y tế nước này đã xác định là phải sống chung với con virus SARS-CoV-2 vĩnh viễn.

Đã xác định đó là viễn cảnh, thì số ca nhiễm mới, theo họ, cũng như số ca cúm mùa nhưng có một số ca nặng hơn. Giới chức y tế nước bạn lý luận rằng, chúng ta không làm thống kê số ca cúm mùa mỗi ngày, thì hà cớ gì phải làm thống kê cho Covid-19. Chúng ta đã sống với cúm mùa (mỗi năm cũng giết chết khá nhiều người), thì chúng ta cũng phải làm quen sống với Covid-19.

Thay vì cứ đếm số ca nhiễm đơn giản, nên tập trung vào số ca nặng và đầu ra của dịch bệnh. Bao nhiêu người bị nhiễm nặng, bao nhiêu người phải vào cấp cứu, bao nhiêu người cần oxygen, bao nhiêu người tử vong v.v... Đó là những con số có ý nghĩa mà chúng ta cần tập trung vào. Còn con số ca nhiễm chung chung không có ý nghĩa gì cả ngoài việc gây hoang mang và lẫn lộn.

Có nên xét nghiệm đại trà?

Song song với đó, con số 68% ca nhiễm không triệu chứng ở Việt Nam có ý nghĩa là chúng ta cần tập trung vào công nghệ theo dõi, truy vết lan nhiễm (tracing). Ở Úc, khi chúng tôi đi đến đâu (quán cà phê, quán ăn, siêu thị, labo, công sở...) đều phải 'ghi danh' điện tử. Khi nơi đó có ca nhiễm được phát hiện thì tất cả những ai từng đến đó nên đi xét nghiệm.

Và, nếu có theo dõi như thế, thì câu hỏi đặt ra là chúng ta nên làm xét nghiệm PCR cho 10 triệu dân TP.HCM?

Theo tôi thì không. Bởi vì số ca nhiễm rất thấp và sai sót trong xét nghiệm sẽ cho ra rất nhiều kết quả sai.

Dùng dữ liệu của Úc, với tỷ lệ nhiễm Covid-19 là 0,24%, và nếu làm xét nghiệm trên 10 triệu người, số ca nhiễm dự báo có thể là 24.000 người.

Nhưng vì kỹ thuật xét nghiệm có sai sót dương tính giả và âm tính giả. Dương tính giả là những người có kết quả dương tính nhưng người ta không bị nhiễm. Các nghiên cứu trước đây cho thấy tỷ lệ dương tính giả chừng 7%. Âm tính giả là trường hợp có kết quả âm tính nhưng người ta bị nhiễm, và tỷ lệ này là khoảng 20%.

Với tỷ lệ dương tính giả và âm tính giả trên, chúng ta có thể dự báo rằng nếu làm xét nghiệm trên 10 triệu người, sẽ có 717.520 kết quả dương tính, nhưng trong số này dương tính giả là 698.320 người. Ngoài ra, còn có 9.282.480 có kết quả âm tính, nhưng trong số này sẽ có 4.800 là âm tính giả.

Nhưng xét nghiệm PCR khá đắt tiền. Nếu mỗi mẫu xét nghiệm tốn 20 USD (giá khiêm tốn), thì 10 triệu mẫu tốn 200 triệu USD, hay 4.000 tỷ đồng.

Bốn ngàn tỷ đồng để phát hiện 19.200 ca dương tính thật. Nói cách khác, chúng ta (người dân) phải mất 10.416 USD (239,6 triệu đồng) để phát hiện 1 ca dương tính thật. Tôi nghĩ chi phí đó rất khó thuyết phục về lợi ích kinh tế và lâm sàng.

Câu hỏi đặt ra là chi ra 4.000 tỷ đồng đó sẽ đem lại lợi ích gì? Rõ ràng là có lợi cho nghiên cứu khoa học, nhưng không hẳn có lợi ích trong kiểm soát dịch. Tại sao chúng ta không dùng số tiền đó để mua vắc xin?

Ở Anh, một quan chức y tế cao cấp cho biết Anh đã quyết định không làm xét nghiệm đại trà, vì sai sót quá cao và quá tốn kém.

Nếu cần làm xét nghiệm, tôi vẫn nghiêng về mô hình xét nghiệm ngẫu nhiên (random sampling) hơn là làm trên 10 triệu người. Điều đó có nghĩa là chọn ngẫu nhiên 1% cư dân ở mỗi phường, xã để xét nghiệm (thay vì làm tất cả cư dân). Cách làm này sẽ tiết kiệm rất nhiều tiền, mà vẫn có thể cho chúng ta một ước số đáng tin cậy để hoạch định chiến lược kiểm soát dịch.

Chiến lược 'thoát' Covid-19

Tôi nghĩ công chúng đã quá mệt mỏi với những thống kê về số ca nhiễm mỗi ngày. Ở Úc, có thể nói cả nước cứ thấp thỏm về mấy con số này. Nhiều chuyên gia bắt đầu chất vấn về ý nghĩa và ứng dụng của chúng.

Ở Sydney, số ca nhiễm chỉ chừng 20-30 mỗi ngày. Nhà chức trách quyết định 'lockdown' thành phố 3 tuần. Chỉ 3 tuần đó, kinh tế của thành phố thiệt hại hơn 2 tỉ USD. Đó là chưa nói đến những thiệt hại về sức khoẻ và tinh thần cho hàng vạn người mà nhà chức trách không thể thấy được.

Chính phủ Úc đã lên kế hoạch 4 giai đoạn để thoát Covid-19:

Giai đoạn 1: Tiêm vắc xin cho đa số dân. Du lịch và đi nước ngoài sẽ giảm xuống 50% so với thời bình thường trước đại dịch, tiêm vắc xin cho người hồi hương, thử nghiệm cách ly 7 ngày (thay vì 2 tuần);

Giai đoạn 2: Du khách và đi nước ngoài sẽ khôi phục 100% như trước dịch. Ưu tiên du khách đã tiêm chủng, không lockdown hay chỉ lockdown khi tình huống hết sức nghiêm trọng;

Giai đoạn 3: Xem Covid-19 như các bệnh truyền nhiễm khác. Không lockdown, không giới hạn đi lại nước ngoài, không giới hạn du khách đã được tiêm vắc xin;

Giai đoạn 4: Bình thường hoá như trước đại dịch.

Tôi nghĩ Việt Nam cũng nên tập trung trí lực suy nghĩ cho một lộ trình như thế. Việt Nam, dĩ nhiên, có nhiều khác biệt so với Úc: Số ca nhiễm ít hơn, nhẹ hơn, nhưng ít người được tiêm vắc xin và cơ sở vật chất y tế kém hơn. Nhưng tôi nghĩ Việt Nam có thể giảm xuống còn 3 giai đoạn trong lộ trình thoát Covid-19.

Tóm lại, tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên ngưng đếm số ca mỗi ngày, chỉ tập trung vào số ca nặng và chuẩn bị phương án sống chung với con virus này vĩnh viễn. Sống với virus là bảo đảm sao cho cộng đồng được bảo vệ từ những ảnh hưởng nặng nề của virus. Nhưng để sống chung với virus SARS-CoV-2, ưu tiên số 1 là tiêm vắc xin, chứ xét nghiệm đại trà không phải là ưu tiên.

Nguyễn Văn Tuấn 

Tác giả Nguyễn Văn Tuấn là giám đốc Chương trình Nghiên cứu di truyền dịch tễ học và loãng xương thuộc Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia. Ông hiện là Giáo sư Y khoa của Đại học New South Wales, Giáo sư của Đại học Công nghệ Sydney, và Giáo sư kiêm nhiệm dịch tễ học và thống kê thuộc Đại học Notre Dame. Ông cũng là người gốc Việt đầu tiên được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Australia.

 

 Các bài viết trao đổi xin gửi về email: gocnhinthang@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!

Nghịch lý trong dịch bệnh

Nghịch lý trong dịch bệnh

Từ đầu đại dịch, tôi vẫn hồ nghi rằng, virus Sars-CoV-2 vẫn âm thầm lây lan trong cộng đồng mà không bị phát hiện.