- Những nghệ sỹ “thị trường” ấy không phải miệt mài lao động, sáng tạo nghệ thuật để có thành công, để thu hút đông đảo khán giả hay sao?

Ở ta, mỗi đợt “phong phanh” các danh hiệu nghệ sĩ (NSƯT, NSND) là một lần dậy sóng với đủ thứ thị phi, kiện tụng, phàn nàn. Người thì thấy bị thiệt, người thì thấy không công bằng. Điều đó phần nào cũng khiến cái danh hiệu kia giảm sút hào quang.

Ở đây người viết không muốn lạm bàn đến sự chính xác hay công bằng, việc đó đã có các Hội đồng lo, mà muốn bàn đến một sự bất bình đẳng, thậm chí có thể nói là bất công giữa khu vực công và khu vực tư trong việc phong tặng danh hiệu.

Dù không nắm rõ các quy định về danh hiệu, thì chắc ai cũng hiểu đó là vinh dự lớn dành cho những người có cống hiến cho xã hội, cho mọi người. Và để tiêu chí hóa danh hiệu, chúng ta dựa vào thành tích được ghi nhận bằng những tấm huy chương thông qua các hội diễn, hội thi. Cách làm ấy không phải không có căn cứ, nhưng điều quan trọng hơn đối với nghệ thuật đó là sự đánh giá của xã hội, của khán giả, những đối tượng có thể đong đếm mức độ cống hiến của người nghệ sĩ. 

{keywords}
Điều quan trọng hơn đối với nghệ thuật đó là sự đánh giá của xã hội, của khán giả. Ảnh minh họa: VietNamNet

Và khi ấy, chúng ta sẽ thấy ngay một sự bất bình đẳng giữa những nghệ sĩ “trong biên chế” và nghệ sĩ tự do. Hầu như tất cả những người lọt vào danh sách xét chọn phong tặng đều từ các đơn vị nghệ thuật của Nhà nước, những nghệ sĩ “mậu dịch”, còn với những nghệ sĩ tự do thì đó là điều xa vời.

Vì sao vậy? Có lẽ vì quan niệm về sự cống hiến là phải hy sinh vì nghệ thuật, lao tâm khổ tứ phục vụ nhân dân, kể cả đói nghèo với những môn nghệ thuật rất ít công chúng và sống thoi thóp bởi những khoản trợ cấp eo hẹp từ phía Nhà nước. Những nghệ sĩ tự do bị các Hội đồng thờ ơ, thậm chí mới đây một ca sỹ thính phòng còn phê phán cả “thị hiếu tầm thường” của một bộ phận không nhỏ khán giả khi vỗ tay cho những ca khúc, những nghệ sĩ của dòng nhạc mà họ gọi là “thị trường”.

Nhưng liệu nhận thức đó có lệch lạc? Bất cứ điều gì đáp ứng nhu cầu tự nhiên của con người đều đáng được tôn trọng. Đừng lấy cái bác học ra coi thường cái bình dân. Trong xã hội nhiều tầng lớp với hoàn cảnh, vị trí và trình độ văn hóa khác nhau, từ đó cũng sẽ sinh ra nhiều nhu cầu hưởng thụ khác nhau. Có loại nghệ thuật hàn lâm, bác học, kén người nghe, kén khán giả mà muốn thưởng thức, cảm nhận cần có kiến thức. Nhưng cũng có những loại nghệ thuật bình dân chỉ để giải trí, dễ nghe, dễ hiểu, thậm chí là dễ quên và cũng vì thế mà nó thu hút số đông.

Số lượng khán giả là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá sự cống hiến mà người nghệ sĩ mang đến cho xã hội. Chẳng lẽ những show diễn của một số ca sĩ đình đám thu hút hàng nghìn, hàng vạn khán giả lại vô nghĩa hay sao? Họ không phải miệt mài lao động, sáng tạo nghệ thuật để có sự thành công đó hay sao? Chẳng lẽ hàng nghìn hàng vạn khán giả đang hào hứng cuồng nhiệt kia chỉ là những khán giả “thị hiếu” tầm thường hay sao? Chẳng lẽ giới trẻ, những khán giả chủ yếu của cái được gọi là “nhạc thị trường” không phải là nhân dân hay sao? 

Vậy thì những ca sỹ ấy cũng đang cống hiến cho xã hội, cho nhân dân đó thôi, sao họ không thể “bén mảng” đến nơi phong tặng những danh hiệu danh giá vì sự cống hiến cho con người? Xin nói ngay rằng người viết bài này không hề thích và chưa bao giờ có ý định tham gia một show diễn như thế, mà chỉ yêu thích “Giai điệu tự hào” với những ca khúc thuộc dòng “nhạc Đỏ”. Thế nhưng sở thích của một vài cá nhân không thể làm thước đo để đánh giá sự đóng góp và giá trị của ai đó đối với xã hội. Có những điều mình không thích nhưng cần được tôn trọng, thậm chí tôn vinh. Cá nhân đã vậy mà nhà nước cũng nên như thế.

Ngay cả nam ca sỹ nổi tiếng nọ, một trong những “ông hoàng của dòng nhạc cách mạng”, nếu còn trong đội ngũ biên chế nhà nước chắc sẽ không mấy khó khăn để đủ tiêu chuẩn phong danh hiệu. Nhưng từ khi mang tiếng “ca sỹ tự do” thì hình như anh không còn được “đoái hoài” nữa? Phải chăng người ta nghĩ những người hành nghề tự do, làm việc tại khu vực “ngoài nhà nước” đồng nghĩa chỉ vì lợi ích của chính mình, chẳng có cống hiến gì cho xã hội?

Tất nhiên với người nghệ sĩ đích thực, họ luôn lấy khán giả làm bảo chứng cho thành công của mình, chứ không nhất nhất phải là sự ghi nhận của “ông Nhà nước”, mà thực ra ra là mấy “ông Hội đồng”. Nhưng nên nhớ chúng ta đang cố gắng phát triển nền kinh tế thị trường (định hướng xã hội chủ nghĩa) thì đừng nhìn “yếu tố thị trường” như cái gì đó đáng ghẻ lạnh, tránh xa. Nên nhớ chúng ta đang ngày càng tôn trọng và tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân, coi đó là động lực phát triển kinh tế cũng như xã hội nói chung thì đừng nên có sự phân biệt, bất bình đẳng giữa khu vực công với khu vực tư trong mọi lĩnh vực, kể cả trong việc đối xử đối với nghệ sĩ.

TS. Đinh Văn Minh

Thân phận nghệ sĩ điện ảnh qua việc cổ phần VFS

Thân phận nghệ sĩ điện ảnh qua việc cổ phần VFS

VFS tức là Hãng Phim truyện Việt Nam và câu chuyện cổ phần của nó như một bi hài kịch kéo dài hơn năm nay vẫn nóng nguyên tính thời sự.

Công Lý được đề nghị xét tặng Nghệ sĩ nhân dân

Công Lý được đề nghị xét tặng Nghệ sĩ nhân dân

NSƯT Công Lý cho biết anh đã thừa tiêu chuẩn xét tặng NSND lần này. 

Có thể truy tặng danh hiệu NSND trong đám tang của nghệ sĩ Bùi Cường?

Có thể truy tặng danh hiệu NSND trong đám tang của nghệ sĩ Bùi Cường?

Chưa kịp nhận danh hiệu NSND vì những đóng góp cho sự nghiệp điện ảnh Việt Nam, NSƯT Bùi Cường có được truy tặng sớm hơn dự kiến? 

NSƯT Minh Vương mừng phát khóc khi được xét danh hiệu NSND

NSƯT Minh Vương mừng phát khóc khi được xét danh hiệu NSND

Sau khi Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước xem xét lại, hồ sơ của NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Giang Châu đều thống nhất được đề xuất lên NSND.