Phiên điều trần liên quan tới lệnh cấm nhập cảnh tạm thời với công dân 7 nước đông người Hồi giáo ở tòa phúc thẩm liên bang số 9 được tiến hành qua điện thoại.

Theo đúng kế hoạch, phiên điều trần diễn ra lúc 6h chiều giờ địa phương ngày 7/2 (tức 6h sáng giờ Việt Nam ngày 8/2), kéo dài một tiếng.

{keywords}

Có 3 thẩm phán, gồm William Canby, Richard Clifton và Michelle Friedland giữ vai trò chủ trì. Noah Purcell, luật sư bang Washington, đại diện cho hai bang phản đối sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump trong khi cố vấn đặc biệt August Flentje đại diện cho Bộ Tư pháp và ông này là người lên tiếng trước.

Nhiều lập luận, thiếu bằng chứng cụ thể

Ông August Flentje lập luận, lệnh cấm công dân 7 nước đông dân Hồi giáo chỉ là dừng tạm thời đối với những người tới từ các quốc gia "đặt ra những nguy cơ đặc biệt". Và rằng, 7 quốc gia trên có sự hiện diện cực đông của quân khủng bố và là thiên đường an toàn của những kẻ này. Theo ông Flentje, Tổng thống có quyền tạm dừng tiếp nhận những người ghét nước Mỹ vì an ninh quốc gia.

Người đại diện Bộ Tư pháp làm rõ lại kiến nghị của mình, đó là đề nghị tòa án phúc thẩm ra phán quyết rằng quyết định dừng sắc lệnh cấm nhập cảnh của một thẩm phán liên bang là sai.

Theo cố vấn này, quyết định dừng sắc lệnh của Tổng thống đã đánh đổ sự cân bằng. Ông lập luận, rất nhiều đối tượng chào đời ở nước ngoài đã bị kết tội vì những tội ác hậu 11/9 và sắc lệnh tạm hoãn nhập cảnh dựa trên những bằng chứng đó.

Tổng thống Trump hôm 27/1 ký một sắc lệnh hành pháp cấm nhập cảnh tạm thời với công dân thuộc 7 nước Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen trong 90 ngày và 120 ngày với toàn bộ người tị nạn, ngoại trừ người Syria.

Trump cho rằng biện pháp trên là cần thiết vì an ninh quốc gia. Tuy nhiên, các cá nhân, bang và nhiều tổ chức dân sự cho rằng lệnh cấm được đưa ra mà không có bằng chứng. 

Những câu hỏi khó, dồn dập

Các thẩm phán liên tục yêu cầu luật sư đại diện cho Bộ Tư pháp đưa ra những bằng chứng được dùng để ban sắc lệnh cấm công dân 7 nước.

"Tiến trình diễn ra rất nhanh" ông Flentje trả lời song không đưa ra những ví dụ cụ thể. Luật sư này cho hay, cả Quốc hội và chính quyền của ông Trump đều cho rằng những người tới từ 7 quốc gia trên đặt ra mối nguy khủng bố rất lớn, cần áp đặt những yêu cầu chặt chẽ hơn khi cấp visa.

"Tôi không chắc có thể thuyết phục được tòa", ông Flentje nói trong khi phiên điều trần diễn ra.

Noah Purcell, luật sư bang Washington, bắt đầu màn điều trần bằng việc kêu gọi tòa án giữ nhiệm vụ kiểm tra đối với việc lạm dụng hành pháp. "Tổng thống đang yêu cầu tòa án từ bỏ vai trò này. Tòa nên bác bỏ đề nghị đó".

Tại phiên điều trần, các thẩm phán liên tiếp đưa ra các câu hỏi cho cả hai phía. Thẩm phán Richard Clifton cũng yêu cầu phía chống lệnh nhập cảnh của Tổng thống đưa ra bằng chứng rằng sắc lệnh này chống người Hồi giáo. Và rằng, ông Clifton cho hay, ông chỉ nghe thấy những lời cáo buộc thay vì bằng chứng.

Kết thúc phiên điều trần, thẩm phán chủ tọa nói, tòa sẽ đưa ra phán quyết sớm nhất có thể song không ấn định ngày giờ cụ thể.

Vụ việc nhiều khả năng sẽ tiếp tục được đưa lên tòa án tối cao Mỹ.

  •  Hoài Linh