Chuyển đổi số giúp tăng thu nhập cho người dân

Nhằm tạo tiền đề hình thành chuyển đổi số, kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc đã chủ động xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản theo biểu thống kê và bản đồ trên nền tảng số.

Đồng thời, quan tâm ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Kịp thời tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm. Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua Chương trình OCOP, phát triển thương mại điện tử…

{keywords}
Cánh đồng lúa chín ở Vĩnh Phúc

Đến nay, trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều vùng, hợp tác xã (HTX) sản xuất rau quả, chăn nuôi an toàn theo quy trình VietGAP. Việc này đã giúp các HTX không phải ghi chép nhật ký sản xuất thủ công như trước đây mà chỉ cần kiểm tra theo số liệu được cập nhật đầy đủ trên máy tính hoặc điện thoại thông minh để chờ ngày sản xuất và thu hoạch theo đúng quy trình.

Ngay cả việc quản lý vật tư đầu vào giống, phân bón cũng được giám sát theo đúng quy trình. Không chỉ tự động hóa trong quy trình sản xuất, khâu marketing, tiêu thụ sản phẩm cũng đã được các HTX số hóa để theo dõi và giao dịch.

Khi đến kỳ thu hoạch, thiết bị sẽ thông báo, hình ảnh sản phẩm được chuyển về đầu mối ký kết thu mua. Doanh nghiệp thu mua chỉ cần đánh mã số trên tem truy xuất, mọi thông tin về sản phẩm từ giống, quy trình chăm sóc, chất lượng sản phẩm sẽ hiển thị đầy đủ. Nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất, sản lượng rau, củ hay chất lượng các con vật nuôi đã được nâng lên, từ đó giá thành cũng được đẩy lên cao.

Kết quả đạt được là minh chứng cho thấy việc chuyển đổi số chính là một trong những việc làm cần thiết để giúp nông dân sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất.

Phương thức này có thể kết nối trực tiếp người sản xuất với người tiêu dùng, loại bỏ khâu trung gian giúp giá bán nông sản ổn định, ít bị thao túng. Thay vì trông thời tiết, nông dân thời công nghệ số sẽ trông dữ liệu, mua dữ liệu để lên kế hoạch gieo trồng cho phù hợp với mùa vụ.

Người dân vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là chủ thể thực hiện chuyển đổi số

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn mới mẻ. Thực tế cho thấy, ở lĩnh vực trồng trọt, phương thức sản xuất truyền thống vẫn rất phổ biến, chủ yếu dựa vào sức lao động của con người.

Các mô hình nhà màng, nhà lưới, ứng dụng công nghệ chăm sóc, tưới tự động vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, đa số mới chỉ ứng dụng ở một số khâu nhất định. Việc sử dụng mạng xã hội để kết nối thị trường, tiêu thụ nông sản thời gian gần đây đang được nhiều tổ chức, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh cá thể khai thác nhưng tất cả cũng chỉ dừng ở khâu chào hàng, giới thiệu sản phẩm. Khi người tiêu dùng muốn truy xuất nguồn gốc thì rất ít sản phẩm đáp ứng được yêu cầu này.

Một thách thức lớn nữa mà ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc đang đối mặt trong tiến trình ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đó là diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ, tập quán. Bên cạnh đó, ý thức sản xuất tự do thiếu liên kết, trong khi trình độ ứng dụng công nghệ của đa phần nông dân hiện nay thấp, chưa kể đến yếu tố về nguồn lực đầu tư hạn chế.

Theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc, đích hướng đến của chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn chính là người dân. Người dân vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là chủ thể thực hiện chuyển đổi số.

Vì vậy, dựa trên cơ sở Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025 với những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp hiện đại, thông minh.

Theo đó, Vĩnh Phúc sẽ từng bước ứng dụng công nghệ số nhằm tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm đảm bảo nhanh chóng, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Hà Lan