Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã xuất hiện các ổ dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi.

Báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, các bệnh dịch nguy hiểm trên đàn vật nuôi được ghi nhận hiện nay đều phát sinh từ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại tạm bợ, thiếu đầu tư; ý thức phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi rất hạn chế là nguyên nhân khiến cho dịch bệnh phát sinh lan rộng, gây khó khăn cho công tác khoanh vùng dập dịch.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Ngành chăn nuôi tỉnh quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất dịch lan rộng. Đồng thời yêu cầu các địa phương triển khai ngay các biện pháp phòng chống, cách ly khu vực có mầm bệnh, vật nuôi nhiễm bệnh; vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng...

Thực hiện nghiêm chỉ đạo “5 không” trong phòng chống dịch bệnh: Không giấu dịch; không vứt xác gia súc bừa bãi; không thả rông gia súc; không ăn thịt gia súc bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; không mua, bán gia súc bị bệnh. Chi cục cũng đã cử cán bộ xuống tận nơi xuất hiện ổ dịch giám sát, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống.

Từ đầu năm đến nay, cán bộ phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tăng cường về các địa phương xuất hiện ổ dịch hỗ trợ cán bộ thú y huyện, xã lấy mẫu bệnh phẩm, hướng dẫn và giám sát công tác khoanh vùng dập dịch.

Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất, người dân cần thực hiện đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Yêu cầu đầu tiên để thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học là nguồn giống sạch bệnh; quy trình chăn nuôi an toàn với chế độ dinh dưỡng phù hợp và thực hiện tiêm phòng đầy đủ; thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, diệt các loại côn trùng, vật chủ trung gian gây bệnh truyền nhiễm... Như vậy, mới có thể đẩy lùi được các dịch bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số: 11/KH-UBND về việc thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu kiểm soát hiệu quả bệnh lở mồm long móng và ngăn chặn sự xâm nhập của các chủng virus lở mồm long móng mới từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh; xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh lở mồm long móng cấp xã hoặc vùng liên xã của một hoặc nhiều huyện, thành phố; tiến tới xây dựng vùng ATDB cấp huyện, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.

Minh Phúc