Trong điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, nhu cầu vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm tăng mạnh vào dịp trước và sau Tết Nguyên Đán, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, tái phát trên địa bàn tỉnh rất cao.

Từ cuối năm 2020 đến nay, đã xuất hiện 32 ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N6 và A/H5N1 tại 11 tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nghệ An ráp ranh với tỉnh Thanh Hóa.

{keywords}
Thanh Hóa ra Công điện khẩn số 04 về phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm. Ảnh: Hồng Hạnh

Để kiểm soát tốt, không để dịch bệnh xảy ra, đảm bảo nguồn cung thực phẩm và an toàn thực phẩm, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai ngay các nội dung sau:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

1.1. Khẩn trương phân công lực lượng tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản, khu phố, nhất là tại các chợ có tập trung đông người nhằm phát hiện và xử lý sớm các ổ dịch trên gia cầm; thông báo kịp thời cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm để phối hợp phòng, chống, dập dịch hiệu quả.

1.2. Chỉ đạo các lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ việc tập kết, vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn; tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ, vận chuyển gia cầm; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo dịch để lây lan dịch bệnh, các trường hợp vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm, đặc biệt là các trường hợp nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.

1.3. Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp phòng dịch, tiêm phòng vắc xin cúm cho đàn gia cầm, thường xuyên vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại nhằm hạn chế triệt để nguồn lây bệnh.

{keywords}
 

1.4. Chủ động bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách huyện hỗ trợ công tác phòng dịch, đặc biệt là công tác tiêm phòng; có kế hoạch dự phòng chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, vật tư, hóa chất để ứng phó khi có dịch xảy ra.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2.1. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y nhằm hạn chế thấp nhất việc gia cầm và các sản phẩm gia cầm trái phép, không rõ nguồn gốc, chứa mầm bệnh lưu thông trên thị trường.

2.2. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành vi rút cúm A/H5N1 và các loại cúm gia cầm khác trên gia cầm; phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; thông báo kịp thời cho Sở Y tế để phối hợp triển khai các hoạt động phòng, chống dịch lây lan sang người.

2.3. Khẩn trương xây dựng và trình duyệt kế hoạch, dự toán kinh phí phòng, chống dich Cúm gia cầm A/H5N1 và các loại Cúm gia cầm khác trên địa bàn tỉnh; kinh phí thực hiện Kế hoạch “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh”.

3. Sở Y tế tăng cường chỉ đạo, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm Cúm A/H5N1 và các loại Cúm gia cầm khác trên người để cách ly, chủ động giám sát tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan; sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân, đảm bảo đủ cơ số trang thiết bị y tế, thuốc và hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch ở các tuyến; khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống dịch Cúm gia cầm lây từ gia cầm sang người và các loại dịch bệnh khác, nhất là dịch bệnh Covid-19.

{keywords}
 

4. Các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và các bệnh lây lan từ động vật sang người tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không đảm bảo an toàn làm lây lan dịch bệnh, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới; đảm bảo ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào địa bàn tỉnh.

Yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung tại Công điện này. Người đứng đầu các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan nêu để xảy ra dịch bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn do lơ là, chủ quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh.

Quang Ninh - Ảnh: Hồng Hạnh