Chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học là giải pháp đang được các hộ nông dân ở Thanh Hóa áp dụng, bởi tính khả thi và hiệu quả kinh tế. Mục đích để bảo đảm cho đàn gia cầm được hoàn toàn khỏe mạnh và không bị dịch bệnh.

Mô hình chăn nuôi này giúp ngăn cản sự xâm nhập của mầm bệnh, không để lây lan giữa các khu vực trong trại, không để gia cầm trong trại phát bệnh. Từ đó ngăn cản sự lây lan mầm bệnh từ trong trại (nếu có) ra ngoài trại.

Đồng thời, chăn nuôi sinh học giúp hội viên, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Việc xây dựng các mô hình điểm về chăn nuôi an toàn sinh học còn giúp bảo vệ môi trường.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Những năm qua, Thanh Hóa đã xây dựng mô hình trọng điểm chăn nuôi an toàn sinh học và dần xóa bỏ tập quán chăn nuôi cũ. Các địa phương đã có những thay đổi nào trong quá trình phòng, tránh dịch bệnh. 

Điển hình là mô hình “Sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi vịt thịt an toàn và xử lý môi trường chăn nuôi”. Địa điểm thực hiện là xã Hà Tiến (Hà Trung) với quy mô 1.500 con vịt Super M cho 15 hộ nông dân.

Hộ chăn nuôi của chị Mai Thị Hiện – hội viện Hội nông dân xã Hà Tiến chia sẻ, chị có nhiều năm chăn nuôi vịt nhưng chủ yếu nuôi bằng cám công nghiệp, kết hợp thả đồng ở 3 tuần cuối trước khi xuất bán.

Vấn đề chuồng trại, ô nhiễm môi trường ít được quan tâm. Vịt cũng hay mắc bệnh, tỷ lệ hao hụt lớn, phần lớn không tiêm phòng.

Từ ngày tham gia mô hình nuôi vịt sinh học, chị được học hỏi nhiều kinh nghiệm hay. Hội nông dân hướng dẫn chị sử dụng chế phẩm EM – loại chế phẩm sinh học, trộn với cám cho vịt ăn.

Chế phẩm này được trộn như sau: Trộn ngô, cám gạo với chế phẩm EM theo tỷ lệ 10kg cám. Sau đó cho 0,5 lít EM +0,5 lít rỉ đường + 1-2 lít nước sạch. Hỗn hợp được ủ kín từ 1-2 ngày, có mùi thơm nhẹ thì lấy ra trộn với cám hỗn hợp.

Ngoài ra, chị Hiện cho đàn gia cầm tiêm vaccine đầy đủ. Sau thời gian ngắn, đàn phát triển đồng đều, tỷ lệ sống cao, tỷ lệ hao hụt giảm.

Chuồng trại và ao nuôi giảm hẳn mùi hôi và tăng hiệu quả kinh tế. “Nếu gia đình tôi nuôi 100% bằng cám công nghiệp, mỗi kg vịt tiêu hao 2,8kg thức ăn, hết 67.200 đồng. Còn nếu sử dụng chế phẩm sinh học chỉ cần 24.000 – 26.000 đồng thức ăn cho 1kg vịt thịt”. Chị Hiện tính.

Cũng như gia đình chị Hiện, được tham gia mô hình của Hội còn có ông Nguyễn Ngọc Nghiệm. Ông đã hiểu và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, sử dụng chế phẩm EM. Kết hợp với nguồn thức ăn sẵn có như cám ngô, cám gạo hay tôm tép ngoài đồng. Vì thế đàn vịt khoẻ mạnh và đảm bảo vệ sinh môi trường. Sản phẩm vịt thịt an toàn, săn chắc, tỷ lệ nạc cao và thơm ngon.

“Không những sử dụng chế phẩm EM trong nuôi vịt, tôi đã sử dụng EM để rải xuống ao nuôi cá. Chỉ sau 3 ngày, màu nước trong ao sáng hơn, giảm hẳn mùi hôi. Quan trọng là cá ít bị nổi đầu, hoặc chết mỗi khi thời tiết thay đổi”. Ông Nghiêm nói.

Theo ông Nghiêm, từ khi nuôi vịt an toàn sinh học, thức ăn chăn nuôi giảm. Ônh chủ yếu sử dụng thức ăn là cám hỗn hợp, chế phẩm sinh học EM. Sau đó bổ sung một số thức ăn tự nhiên khác như cá tạp, tép, cua, ốc bươu vàng… Bên cạnh đó, ông  còn tận dụng các nguyên liệu sẵn có ở địa phương như cám ngô, gạo, khoai, thóc…

Mô hình đã chứng minh, sử dụng chế phẩm sinh học EM tạo môi trường chăn nuôi an toàn, kiểm soát được dịch bệnh. Tận dụng lợi thế về nhân công lao động nhàn rỗi, đất đai, vật liệu làm chuồng trại; nguồn phụ phẩm nông nghiệp… Ước tính, mỗi hộ nuôi 100 con vịt thịt trong 2 tháng, tổng chi phí hết hơn 8,3 triệu đồng; trừ tỷ lệ hao hụt, dao động của giá bán, tổng thu đạt hơn 13 triệu đồng, thực lãi hơn 4,7 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Mai – Chủ tịch Hội ND huyện Hà Trung khẳng định, hiệu quả của mô hình đã thuyết phục được nông dân trong huyện. Thông qua mô hình góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi, gắn chăn nuôi với bảo vệ môi trường.

“Đặc biệt, mô hình này đã giúp bà con tiếp cận với phương thức chăn nuôi vịt bán chăn thả an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế, mở ra hướng phát triển bền vững cho lĩnh vực nuôi gia cầm trên địa bàn huyện”- bà Mai bày tỏ.

Quang Sơn