Việt Nam có nguồn sinh khối dồi dào để sản xuất năng lượng

Với vị trí địa lý cũng như hệ thực vật tự nhiên phong phú, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng sinh khối (NLSK). Tuy nhiên có một thực tế, như các dạng năng lượng tái tạo khác, việc phát triển năng lượng tái tạo lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Tiềm năng sinh khối từ hàng trăm mét khối gỗ củi, hàng chục triệu tấn rơm rạ... vẫn chưa được tận dụng để làm năng lượng sinh khối.

{keywords}
Sản xuất than bánh sinh khối

Hôm 30/6, tại Hà Nội, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (EREA), Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế CHLB Đức (GIZ) đã tổ chức Hội thảo trực tuyến tổng kết “Nghiên cứu ngành hẹp để tận dụng năng lượng sinh học cho phát điện và sản xuất nhiệt”.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kết quả nghiên cứu, tổng hợp những ý kiến góp ý từ các chuyên gia và các ban, ngành liên quan, nhằm tìm ra phương án để giảm chi phí năng lượng, cũng như giảm lượng phát thải khí nhà kính cho các ngành tiềm năng.

Tại Hội thảo, Ông Nathan Moore, Giám đốc dự án BEM, nhấn mạnh, Việt Nam có nguồn sinh khối dồi dào để sản xuất năng lượng, đặc biệt là điện. Trong Quy hoạch điện 7 (điều chỉnh), mục tiêu phát triển điện sinh khối trong tổng sản lượng điện là 2,1% vào năm 2030. Đây là một nghiên cứu quan trọng, làm tiền đề cho việc tìm ra những ngành triển vọng, để thúc đẩy phát triển đầu tư vào ngành năng lượng sinh học tại Việt Nam. Những kết quả nghiên cứu sẽ hỗ trợ các hoạt động tiếp theo của dự án, ví dụ như việc nghiên cứu tiền khả thi và hợp tác công nghệ.

Nghiên cứu ngành hẹp để tận dụng năng lượng sinh học cho phát điện và sản xuất nhiệt là nghiên cứu quan trọng, làm tiền đề cho việc tìm ra những ngành triển vọng, thúc đẩy phát triển đầu tư vào ngành năng lượng sinh học tại Việt Nam.

Nghiên cứu ngành hẹp để tận dụng năng lượng sinh học cho phát điện và sản xuất nhiệt được thực hiện trong vòng 6 tháng với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Dựa trên kết quả phân tích sơ bộ, 3 ngành có tiềm năng nhất được lựa chọn là: chăn nuôi và chế biến thịt lợn, giấy và bột giấy, chế biến tinh bột sắn. Trong nghiên cứu này, nhóm chuyên gia đã thực hiện 15 chuyến khảo sát thực tế và 35 cuộc phỏng vấn sâu tại các trang trại và nhà máy của 3 ngành hẹp trên cả nước.

Nhóm nghiên cứu đã đánh giá trên nhiều phương diện: cấu trúc ngành; động lực thúc đẩy để thay đổi thực trạng sử dụng năng lượng sinh học, nhu cầu năng lượng (điện và nhiệt), kế hoạch kinh doanh nhằm nâng cấp và/hoặc đầu tư mới vào công nghệ đồng phát nhiệt và điện (CHP), và các rào cản chính đối với việc sử dụng năng lượng sinh học. Sau khi phân tích tổng thể, một số dự án tiềm năng được lựa chọn và tính toán tính khả thi về kinh tế và kỹ thuật khi sử dụng năng lượng sinh học.

“Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam”

Việc sản xuất điện từ việc xử lý chất thải của ngành chăn nuôi và chế biến thịt lợn tại Việt Nam bước đầu đã có những thành công và đem lại nhiều cơ hội tài chính hấp dẫn khi thực hiện ở quy mô lớn. Tương tự, ngành giấy và bột giấy cũng có những tiềm năng sử dụng năng lượng sinh học đáng kể nếu đảm bảo được nguồn cung cấp sinh khối có giá cả phù hợp.

Trong khi đó, ngành chế biến tinh bột sắn đã thành công khi sử dụng khí sinh học cho quá trình sấy khô sắn và bã sắn, có nhiều cơ hội để phát điện nếu tiếp tục áp dụng các biện pháp cải tiến hiệu quả năng lượng. 

Nghiên cứu nằm trong khuôn khổ của dự án “Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam” (BEM) do GIZ phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo, Bộ Công Thương thực hiện. Dự án do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân CHLB Đức (BMU) tài trợ. Nhằm giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính và hỗ trợ Việt Nam thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), dự án BEM hướng tới cải thiện các điều kiện tiền đề cho việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên sinh khối để sản xuất điện và nhiệt trên cả nước.

Quang Ninh