Là huyện thuần nông có hàng chục km tiếp giáp sông Đồng Nai và hồ Trị An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai nằm ở khu vực đầu nguồn của dòng sông, cung cấp nước cho cả tỉnh Đồng Nai và các tỉnh, thành lân cận như TP.HCM, Bình Dương, do đó địa phương xác định thực hiện tốt việc giữ gìn môi trường để không ảnh hưởng đến nguồn nước sông, hồ.

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Để hoàn thành mục tiêu bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, hiện nay các địa phương trên địa bàn huyện còn triển khai nhiều mô hình thu gom, xử lý rác thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại đến từng khu phố, xóm, ấp. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở chăn nuôi, sản xuất trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.

{keywords}
NTM ở Vĩnh Cửu: Đặt tiêu chí môi trường là nhiệm vụ trọng yếu

Theo Phòng Tài nguyên - môi trường huyện, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện trong năm nay là đẩy mạnh công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trong nhân dân nhằm nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường; tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, phù hợp với xu hướng quản lý chất thải rắn trong giai đoạn hiện nay hướng tới giảm tỷ lệ chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng.

Là xã duy trì thực hiện việc thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thí điểm của huyện, đồng thời là xã tiên phong của tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2019, Bình Lợi luôn chú trọng đến vấn đề vệ sinh môi trường, gìn giữ cảnh quan nông thôn và nông dân phải thực hiện nghiêm việc thu gom, phân loại các loại vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Người dân tự phân loại và bỏ rác đúng nơi quy định

Theo ông Lê Hoàng Long, Phó chủ tịch UBND xã Bình Lợi, sau 2 năm tập trung thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn, người dân đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quá trình sản xuất nông nghiệp, xã hiện cũng đã bố trí các thùng chứa chất thải tại các ấp, người dân sau khi sử dụng phân bón cho cây trồng sẽ tự thu gom vỏ, bao bì, sau đó phân loại và mang bỏ đúng nơi quy định.

Ông Long nhấn mạnh, không chỉ đối với thu gom chất thải rắn, ý thức bảo vệ môi trường nơi sinh sống của người dân cũng đã được nâng lên rõ rệt. Trên các tuyến đường nông thôn, ngõ xóm, nhà của người dân luôn được giữ gìn sạch sẽ, người dân có trách nhiệm hơn trong bảo vệ môi trường chung.

Trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu có 23 điểm tập kết rác, trong đó có 6 điểm thuộc các xã Bình Lợi, Tân Bình, Tân An và Trị An được xây dựng kiên cố, có tường bao xung quanh, mái che và nền bê tông.

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên - môi trường huyện, năm ngoái, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng trên 26 ngàn tấn/năm (tương ứng 72,48 tấn/ngày) được thu gom. Tổng khối lượng chất thải công nghiệp không nguy hại phát sinh gần 7 ngàn tấn/năm. Công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt đi vào nề nếp, kết quả thu gom, xử lý được nâng cao qua từng năm, tỷ lệ xử lý chất thải đạt theo Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra (tỷ lệ chôn lấp dưới 30%). Qua đó đã góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp tại địa phương và nâng cao chất lượng sống cũng như ý thức bảo vệ môi trường của người dân trên địa bàn huyện.

Xuân An
Ảnh: Hồng Hạnh