TS. Hoàng Thị Mỹ Nhị, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong một nghiên cứu có tựa đề "Bàn về Quan hệ ASEAN - Nga: Kết quả và những vấn đề đặt ra hiện nay" đã nhìn lại những thành quả đã đạt được trong 30 năm quan hệ và 25 năm quan hệ đối thoại giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nga. Theo đó:

Về chính trị - an ninh - quốc phòng

Trong những năm qua, ASEAN và Nga đã duy trì mối quan hệ hợp tác chính trị và an ninh ổn định thông qua đối thoại chiến lược về một cấu trúc an ninh toàn diện, cởi mở, bình đẳng và bao trùm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó lấy ASEAN làm trung tâm. Hai bên tăng cường tham vấn và hợp tác thông qua các Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nga và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (PMC) + 1, thông qua đối thoại giữa Ủy ban các đại diện thường trực ASEAN (CPR) và Đại sứ Nga tại ASEAN nhằm đưa ra các biện pháp nâng cao vai trò của ASEAN và Nga trong cấu trúc khu vực.

Tại các diễn đàn đa phương, Nga chú trọng nhấn mạnh về hợp tác an ninh - quốc phòng cùng có lợi trong khuôn khổ ADMM+, Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM), Hội nghị Bộ trưởng Đối thoại Hợp tác châu Á (ACD) và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF). Ngoài ra, về hợp tác song phương, Nga nhấn mạnh mong muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của Nga đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á nhằm đa dạng quan hệ đối ngoại.

{keywords}
Hội nghị tham vấn trực tuyến các bộ trưởng kinh tế ASEAN - Liên bang Nga lần thứ 9 bằng hình thức trực tuyến

 

Năm 2017, Nga ký kết thỏa thuận quốc phòng và thỏa thuận hợp tác kỹ thuật - quân sự với Philippines. Năm 2018, lực lượng đặc nhiệm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã tiến hành tập trận chung với Hải quân Brunei. Tháng 12/2019, cuộc tập trận chung đầu tiên về các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn giữa Nga với Việt Nam đã diễn ra. Cùng năm 2019, cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Nga và Lào cũng đã diễn ra. Đối với các vấn đề tranh chấp quốc tế của ASEAN, Nga khẳng định cần giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua những nguyên tắc được xác định bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Về thương mại và đầu tư

Trong giai đoạn gần đây, hợp tác của Nga mang xu hướng thực chất và hiệu quả hơn. Tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại vẫn là ưu tiên hàng đầu của quan hệ đối tác ASEAN - Nga và mối ưu tiên này đã được đẩy mạnh hơn sau các cam kết của CPA năm 2016, thông qua nhiều kênh khác nhau, như Diễn đàn Doanh nghiệp ASEAN - Nga, Hội nghị các quan chức kinh tế cao cấp (SEOM) và Hội nghị Tham vấn các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Nga (AEM).

Dựa trên Lộ trình hợp tác thương mại và đầu tư ASEAN - Nga sửa đổi, cùng với Chương trình hợp tác đầu tư và thương mại ASEAN - Nga, sau năm 2017, các dự án liên quan đến lĩnh vực công nghệ, thực phẩm, nông nghiệp, giao thông, năng lượng, du lịch và những dự án của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) được xúc tiến mạnh mẽ hơn.

Qua đó, kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Nga gia tăng nhanh; năm 2018, kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt 19,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2017. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nga vào ASEAN gia tăng nhanh chóng: 63,4 triệu USD (năm 2016); 47,8 triệu USD (năm 2017); 56,1 triệu USD (năm 2018) và 83,3 triệu USD (năm 2019).

Trong đó, FDI của Nga dành cho lĩnh vực năng lượng tái tạo tập trung vào dầu khí, lĩnh vực điện, năng lượng hạt nhân. Nguồn nhập khẩu dầu mỏ của Nga ở khu vực này chủ yếu là từ Singapore, Thái Lan và Philippines. Riêng trong lĩnh vực thăm dò dầu khí ở Đông Nam Á, Nga chủ yếu phát triển hợp tác với Việt Nam. Đối với đầu tư cho giao thông vận tải, Nga thúc đẩy phát triển hệ thống giao thông thông minh và hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu cho ASEAN thông qua việc chia sẻ thông tin, đào tạo và thực hành ứng dụng.

Về văn hóa - xã hội và du lịch

Năm 2016, tại Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa ASEAN - Nga, hai bên nhất trí thúc đẩy hơn nữa giao lưu văn hóa, như âm nhạc, sân khấu, văn thư lưu trữ, thư viện, bảo tàng, di sản văn hóa, khiêu vũ, nghệ thuật thị giác, phim ảnh, bản quyền, thủ công dân gian, nghệ thuật trang trí và ứng dụng, xiếc và các loại hình nghệ thuật khác. Lễ hội Văn hóa ASEAN - Nga lần thứ nhất (năm 2016) được tổ chức tại Hà Nội và lần lượt được tổ chức tại Viêng Chăn (Lào) năm 2017 và tại Singapore năm 2019. Nhờ vậy, sự hợp tác trong lĩnh vực văn hóa - xã hội đã có những bước tiến đáng kể.

Về y tế, giáo dục và giao lưu nhân dân

Trong lĩnh vực y tế, Nga đã khởi xướng hàng loạt khóa học ngắn hạn cho 100 chuyên gia đến từ các quốc gia thành viên ASEAN với các chủ đề về các phương pháp di truyền phân tử trong việc bảo đảm an toàn sinh học, cũng như bảo vệ sức khỏe và vệ sinh dịch tễ của người dân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ASEAN và Nga cam kết cùng nỗ lực nâng cao năng lực y tế công cộng trong khu vực, trao đổi thông tin và hợp tác giữa các chuyên gia, đóng góp vào Quỹ ứng phó COVID-19 của ASEAN.

Đối với giáo dục, Diễn đàn Đại học ASEAN - Nga được tổ chức thường niên từ năm 2016 đến năm 2020 đã góp phần tăng cường và đa dạng hóa hợp tác ASEAN - Nga trong lĩnh vực khoa học và giáo dục. Diễn đàn Đại học ASEAN - Nga thường có các quan chức cấp cao và đại diện của các quan chức cấp cao ASEAN về giáo dục (SOM-ED) và các tổ chức liên kết với ASEAN tham dự. Nội dung chính của các diễn đàn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong giáo dục, đặc biệt là trong các lĩnh vực như sự di chuyển của học sinh và giáo dục trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và xây dựng Kế hoạch Hành động ASEAN - Nga về giáo dục.

Để thúc đẩy hơn nữa giao lưu nhân dân giữa ASEAN và Nga, Trung tâm ASEAN tại Trường Đại học Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO) thường tổ chức, thực hiện các hoạt động quảng bá, giao lưu học thuật về văn hóa góp phần nâng cao sự hiểu biết của sinh viên Nga đối với ASEAN. Hội nghị thượng đỉnh Thanh niên ASEAN - Nga lần thứ 5 đã diễn ra tại Manila, Philippines (năm 2019).

Hội nghị này như một diễn đàn thường xuyên về giáo dục, văn hóa và thể thao giữa thanh niên ASEAN và Nga do Ủy ban Thanh niên quốc gia (NYC) của Philippines phối hợp với Nga và Ban Thư ký ASEAN đồng tổ chức. Các chương trình trao đổi học giả, các hội thảo và hoạt động tham vấn ở Hội nghị này đã góp phần thúc đẩy giao lưu, tăng cường hợp tác khoa học giữa các trường đại học và trung tâm nghiên cứu của Nga với các nước ASEAN trong những năm qua.

Về các lĩnh vực khác

Trong lĩnh vực du lịch, Nga tăng cường kết nối và xúc tiến các dự án với ASEAN bằng các khóa đào tạo tiếng Nga, phát triển nền tảng công nghệ thông tin cho công ty du lịch. Ngoài ra, Nga tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm thông qua 5 dự án chung với ASEAN, góp phần nâng cao tính bền vững và hiệu quả hơn trong hoạt động nông nghiệp từ năm 2017. Bên cạnh đó, ASEAN và Nga thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ nhằm tăng cường liên kết khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực. Hai bên đã tiến hành hợp tác chung về xử lý nước thải công nghiệp, tiến hành các hội thảo nâng cao năng lực cho các chuyên gia nhằm thực thi các cam kết liên quan đến giao thông vận tải, du lịch, thăm dò dầu khí, năng lượng…

Tính đến nay, Nga và ASEAN đã có 99/139 cam kết được thực hiện trên các lĩnh vực thuộc CPA, bao gồm các kế hoạch hợp tác về năng lượng, nông nghiệp, an ninh lương thực, khoa học - công nghệ sáng tạo trong giai đoạn 2016 - 2020, góp phần hỗ trợ ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng cường kết nối trong ASEAN. Hai bên có những trao đổi khoa học và kỹ thuật trong các lĩnh vực sáng tạo như năng lượng, công nghệ thông tin, truyền thông và không gian. Hỗ trợ hệ thống giao thông khu vực với trọng tâm là thiết lập các chuỗi hậu cần đáng tin cậy, góp phần thúc đẩy việc thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN.

Diệu Bình (lược trích)