Giảm thiểu chất thải nhựa là vấn đề được Bộ y tế rất quan tâm. Trong lĩnh vực y tế, chất thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau. Đó là chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh như: Bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; nguyên liệu làm thuốc, hóa chất…

Đến thời điểm hiện nay, các sở y tế, các cơ quan, tổ chức, công chức, viên chức, người lao động trong ngành đã cơ bản nghiêm túc thực hiện việc: hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy. Thay thế vào đó là các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.

{keywords}
Người bệnh nhận thuốc bằng túi giấy

Tại Trung tâm y tế TP Vị Thanh (Hậu Giang) trong các cuộc họp, hội ở các cơ sở y tế thời gian qua đã không còn xuất hiện các chai nước nhựa mà đã được thay thế bằng ly thủy tinh. Trung tâm này cũng đã đưa ra giải pháp sử dụng túi giấy thay túi ni-lông để đựng thuốc cho bệnh nhân. Việc áp dụng giải pháp này đã giúp giảm thiểu ít nhất 75kg bọc ni-lông/quý sẽ thải ra môi trường trong quá trình phát thuốc cho bệnh nhân.

Trên những túi giấy này còn in khẩu hiệu tuyên truyền kêu gọi mọi người cùng chung tay chống rác thải nhựa. Trung tâm đã thay thế các thùng nước dành cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh bằng hệ thống lọc nước RO, đảm bảo không sử dụng bình nhựa và ly nhựa trong phục vụ người bệnh.

Tại Trung tâm y tế huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã triển khai nhiều giải pháp hay nhằm giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động. Tất cả các khoa, phòng của trung tâm đã ký cam kết thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa. Các cuộc họp trước đây sử dụng nước suối bằng chai nhựa nay cũng được thay thế bằng ly thủy tinh.

Trung tâm đã phát cho mỗi nhân viên y tế một chai thủy tinh để mang nước uống hàng ngày và nhân viên y tế đã tái sử dụng bọc đựng nước biển để phát thuốc cho bệnh nhân, thay vì trước đây bỏ đi. Trung tâm đang triển khai trang bị hộp đựng thuốc bằng inox để phát thuốc cho người bệnh nằm điều trị nội trú uống sáng, chiều, không sử dụng bọc ni-lông như hiện nay nữa.

Tương tự ngành y tế Yên Bái cũng có những nỗ lực trong việc giảm thiểu rác thải nhựa. Toàn ngành đã phát động công chức, viên chức, người lao động hạn chế sử dụng đồ nhựa; tuân thủ việc thực hiện thu gom, phân loại và xử lý chất thải, tăng cường phân loại để thu gom tái chế, chất thải y tế là nhựa đảm bảo theo quy định...

Đồng thời, ngành y tế Yên Bái chú trọng tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt phong trào "Chống rác thải nhựa” và có hình thức xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong cơ quan, đơn vị. Mặt khác, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các cơ quan báo chí trong tỉnh tăng cường công tác truyền thông về giảm thiểu chất thải nhựa.

Các trạm y tế xã cũng nghiêm túc chấp hành, nâng cao ý thức cho y, bác sỹ và người bệnh qua việc treo khẩu hiệu tuyên truyền về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế tại trạm…

{keywords}
Bộ Y tế sử dụng chai thủy tinh đựng nước thay chai nhựa dùng một lần tại các cuộc họp. Ảnh: Nhân dân

Thông điệp “Nói không với túi nilon và rác thải nhựa” luôn được Bệnh viện Nhi Thanh Hóa chú trọng, quan tâm. Bệnh viện đã thực hiện nhiều biện pháp cụ thể như ngừng cấp phát thuốc cho bệnh nhân bằng túi nilon, không sử dụng chai nhựa, phân nguồn rác thải tại chỗ...

Tại các hành lang, bệnh viện đã lắp đặt máy lọc nước miễn phí, an toàn và hợp vệ sinh. Điều này không những giúp bệnh nhân và người nhà tiết kiệm được chi phí, thời gian đi lại, mà còn giảm đáng kể lượng chai nước bằng nhựa thải ra.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi, hiện nay tại các cuộc họp hay hội nghị của bệnh viện, nước đóng chai đã được thay thế bằng cốc chén thủy tinh. Bệnh viện cũng yêu cầu các phòng, khoa không sử dụng các đồ dùng nhựa một lần, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức của cán bộ công nhân viên trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, chống rác thải nhựa.

Những năm qua, ngành Y tế Ninh Bình cũng đã tập trung các nguồn lực thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, nhất là việc thu gom, xử lý nước thải, chất thải y tế.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, Ban giám đốc bệnh viện đã tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, về quản lý tổng hợp chất rắn, về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong sinh hoạt... đến tất cả các cán bộ, nhân viên y tế trong các khoa, phòng bệnh viện.

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc sử dụng và thu gom, phân loại chất thải trong toàn bệnh viện; giám sát tại các đơn vị kinh doanh trong bệnh viện, người bệnh và người nhà người bệnh nhằm nâng cao ý thức thực hiện quy định về phân loại, xử lý rác thải, chất thải y tế.

Theo các chuyên gia y tế, rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng đều có những mối nguy hại nhất định, nếu không xử lý triệt để, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống trước mắt và lâu dài của cộng đồng.

Ngành Y tế TP.Hồ Chí Minh không ngừng nâng cao chất lượng

Ngành Y tế TP.Hồ Chí Minh không ngừng nâng cao chất lượng

Ngành Y tế TP.Hồ Chí Minh đã không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, phát triển kỹ thuật cao, thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo, đổi mới.  

Lê Hà