Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) lần thứ 42 vừa diễn ra mới đây đã nhấn mạnh sự gắn kết, hợp tác các nghị viện ASEAN nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, gỡ bỏ rào cản, tạo điều kiện cho Chính phủ các nước cải thiện kết nối số, xây dựng một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn diện, bình đẳng và an toàn.

Tham gia đóng góp tại Đại hội đồng về các nội dung liên quan đến chuyển đổi số, trong mọi ý kiến tham luận của mình, Đoàn Việt Nam luôn thể hiện nhất quán quan điểm cần đề cao, củng cố vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số, gỡ bỏ các rào cản thông qua khuôn khổ pháp lý phù hợp, thúc đẩy việc xây dựng nền kinh tế số và xã hội số.

Chủ đề AIPA lần này xoay quanh vấn đề công nghệ số, do đó trong số các Nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng có nhiều nghị quyết về chuyển đổi số. Có thể kể đến các nghị quyết: Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm; Tăng cường an ninh con người trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm vì ASEAN; Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN; Tăng cường hợp tác và đẩy mạnh kỹ thuật số bao trùm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; Vai trò của công nghệ tạo thuận lợi cho người tham gia bầu cử nhiều hơn; Thúc đẩy ASEAN số có tính bao trùm nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN...

{keywords}
Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam chủ trì Phiên họp trực tuyến

Trong đó, Nghị quyết về thúc đẩy an ninh con người trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm cho ASEAN truyền đi thông điệp xã hội bao trùm về số phải giải quyết được khoảng cách về số, kỹ năng giữa những người được sử dụng Intenet, công nghệ và những người chưa có điều kiện tiếp cận. Do đó, nghị viện có thể đóng vai trò trong vấn đề này thông qua xem xét các chính sách để điều chỉnh, có khuôn khổ để cộng đồng sẵn sàng truy cập và hưởng lợi từ kỷ nguyên số.

Với những nỗ lực, quyết tâm cao từ cơ quan lập pháp và hành pháp, việc đảm bảo chuyển đổi kỹ thuật số bao trùm sẽ được các nước thành viên AIPA/ASEAN ưu tiên trong thời gian tới để nâng cao sự tự cường và chuẩn bị tốt hơn cho thế hệ hiện tại cũng như kế tiếp trong một thời đại hậu đại dịch COVID-19.

Trao đổi với báo chí về kết quả Đại hội đồng AIPA-42, thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức cho rằng, Nghị quyết Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN được Đại hội đồng AIPA-42 thông qua là cơ sở quan trọng để các nước nỗ lực, cố gắng hoàn thành hành lang pháp lý của chính quốc gia mình, đồng thời có sự tương thích, thống nhất với luật pháp chung của AIPA về vấn đề an ninh mạng.

Theo ông Đức, các nước trong AIPA đều ban hành các văn bản luật về vấn đề an ninh mạng trên cơ sở các quy định của pháp luật quốc tế và vấn đề tôn trọng quyền con người cũng như là quyền riêng tư của mỗi quốc gia, xuất phát từ nhu cầu khi không gian mạng hiện nay đã trở thành một trong những vấn đề vô cùng quan trọng đối với an ninh toàn cầu, cũng như là an ninh của mỗi quốc gia. Do đó, nếu không có sự hợp tác ở lĩnh vực này, AIPA sẽ bị tụt hậu, thậm chí tạo thành lỗ hổng để các đối tượng có thể tấn công vào các vấn đề như chính trị, kinh tế và dân sự trong cộng đồng AIPA.

Ông Nguyễn Minh Đức cho rằng, việc Nghị quyết được thông qua với sự nhất trí cao sẽ giúp cho việc kết nối nhanh, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong vấn đề phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh quốc gia của mỗi quốc gia, cũng như bảo vệ an ninh của cả khu vực.

Bên cạnh đó, Nghị quyết này sẽ góp phần bảo vệ quyền của con người trên không gian mạng, chia sẻ để tương tác và hướng dẫn, giúp đỡ tất cả công dân các nước thành viên AIPA, giúp mọi người nhận thức và sử dụng đúng pháp luật của quốc gia mình, cũng như của các nước thành viên AIPA đối với vấn đề công nghệ số, an ninh mạng. 

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp và ảnh hưởng lớn đối với các quốc gia, Nghị quyết này còn mở ra cơ hội giúp các quốc gia chia sẻ nhanh chóng kinh nghiệm chống đại dịch, cập nhật các thông tin mới nhất khi các biến chủng mới, vấn đề mới phát sinh trong phòng, chống dịch, đồng thời giúp kết nối, thúc đẩy hỗ trợ lẫn nhau trong công tác ngoại giao vaccine. Thậm chí, những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 có thể nhận được những hướng dẫn, chia sẻ hữu ích để dập dịch nhanh nhất.

Với chủ đề chuyển đổi số bao trùm, Đại hội đồng AIPA-42 là sự kế thừa và nâng cao chủ đề của AIPA-41: “Ngoại giao Nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” cũng như hưởng ứng dòng chảy nghị sự chính của ASEAN thời gian qua, đó là đẩy mạnh chuyển đổi số để phục hồi trong ASEAN, với vị trí là 1 trong 5 chiến lược phục hồi chính của Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai sau dịch COVID-19.

Kiều Nga