Gần 10 năm qua, Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hậu Giang đã có sự chuyển biến rõ nét, tạo dấu ấn mới trong cuộc cách mạng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 26 của Trung ương và góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh.

Tới nay toàn tỉnh có 29/51 xã đạt chuẩn NTM, đạt 56,86%, so với kết thúc giai đoạn 1 (năm 2015) tăng 16 xã. Hiện tỉnh có xã Đại Thành đạt chuẩn NTM nâng cao và thị xã Ngã Bảy là đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Bình quân toàn tỉnh đạt 15,6 tiêu chí/xã, trong đó xã thấp nhất đạt 8/19 tiêu chí.

{keywords}
Hậu Giang: 29/51 xã đạt chuẩn NTM

Dự kiến kết thúc năm 2020, số xã đạt chuẩn NTM được nâng lên 35/51 xã, số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng lên là 3/8 đơn vị, số xã NTM nâng cao là 3 xã, bình quân các xã đạt 17,04 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.

Tỉnh xác định ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất như điện, đường… trước để phát triển nông thôn, nâng cao đời sống người dân. Quá trình này được đẩy tới theo phương châm “Lộ, cầu đi trước, điện, nước sạch theo sau”. Tiếp theo là chuyện làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo… Tất cả, do chính bà con nông dân thực hiện.

Để những hộ dân còn lại ở các vùng lõm, vùng sâu chưa có điện, năm 2019 vừa qua tỉnh này đã thống nhất thông qua Nghị quyết số 06/NQ-HÐND về dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án là 482 tỷ đồng. Dự án này được đầu tư sẽ phục vụ nhu cầu sử dụng điện của các hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng chưa có điện, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống dân trí cho người dân vùng nông thôn. Mục tiêu phấn đấu là đến năm 2020, cơ bản đưa điện lưới quốc gia phủ kín vùng nông thôn còn nhiều khó khăn của Hậu Giang.

Đánh giá về những kết quả đạt được trong xây dựng NTM, ông Nguyễn Văn Thậm - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang - cho biết, tính đến nay tỉnh đã xác nhận cho 51/51 xã đạt Tiêu chí số 4 về điện (100% số xã trên địa bàn tỉnh đạt Tiêu chí số 4).

Riêng về chợ hiện có tổng cộng 43/51 xã đạt Tiêu chí số 7 về cơ sở hạng tầng nông thôn, đạt tỷ lệ 84,31%. Trong đó, Sở Công Thương đã thẩm tra, xác nhận 30/51 xã; 13 xã xóa quy hoạch chợ, hoặc chưa cần thiết để xây dựng chợ. Tới nay, theo đánh giá chung, bộ mặt chợ nông thôn ở Hậu Giang đã cơ bản văn minh, hiện đại và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân trên địa bàn.

Cửu Long