Với mục tiêu để công tác lập quy hoạch tỉnh Hà Giang đảm bảo chất lượng, tiến độ thời gian theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, sáng 23/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Quy hoạch Đô thị & Nông thôn Quốc gia (VIUP) - Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị trực tuyến tham vấn giữa kỳ về Quy hoạch vùng tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

{keywords}
Đại biểu điểm cầu tỉnh Hà Giang nghe Liên danh tư vấn trình bày dự thảo Quy hoạch vùng tỉnh Hà Giang và Thuyết minh tổng hợp Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Quy hoạch vùng tỉnh được xây dựng trên quan điểm phát triển phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước thời kỳ 2021 - 2030, Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành, các quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, xác định tầm nhìn định hướng Hà Giang trở thành một địa phương của kinh tế sinh thái, bảo tồn nguồn gen rừng núi cho quốc gia và nghiên cứu phát triển nó để đạt được giá trị gia tăng cao nhất, thông qua liên kết chuỗi giá trị cung ứng trên các lĩnh vực: nông, lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể, HTX, giáo dục & đào tạo và phát triển đô thị.

Tầm nhìn đến năm 2050 xác lập trên cơ sở nghiên cứu nhận dạng vị thế phát triển của tỉnh và bối cảnh kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng, tỉnh để đề xuất hình ảnh và vị thế phải hướng tới của tỉnh Hà Giang, đó là Tỉnh Hà Giang xanh, bản sắc, kết nối, no ấm, vững bền.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đánh giá, kết cấu nội dung của các Phương án đã bám vào Nhiệm vụ Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, qua tham vấn kết quả tham vấn giữa kỳ các Phương án phát triển ngành, lĩnh vực thời kỳ 2021-2030, nội dung, chất lượng báo cáo giữa kỳ của hầu hết các phương án chưa đạt mong muốn.

Với mục đích bản quy hoạch xây dựng này phải có tính chất toàn diện, bao trùm trên tất cả các lĩnh vực, ông Sơn đề nghị Liên danh tư vấn, các sở, ngành của tỉnh tập trung nhân lực, dành nhiều thời gian cho công tác lập Quy hoạch tỉnh Hà Giang, nhất là việc xác định các mục tiêu, định hướng, chiến lược phát triển của tỉnh giai đoạn 2021-2030, đảm bảo chất lượng, khả thi và đúng với tỉnh Hà Giang, bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Đối với Giám đốc các sở, ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện/thành phố, cần xác định lập Quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cần tập trung cao độ, quyết tâm, quyết liệt, chủ động triển khai các nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh, không trông chờ ỷ lại vào đơn vị tư vấn; chịu trách nhiệm toàn diện đối với các Phương án được phân công cho ngành mình phụ trách.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang lưu ý các nguyên tắc: Bám sát và thể hiện đầy đủ nội dung theo nhiệm vụ Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng bộ với Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch vùng; cơ sở đề xuất các mục tiêu, định hướng, chiến lược phát triển của Hà Giang trong thời kỳ 2021-2030 phải thuyết phục, được tính toán, đề xuất phù hợp với cơ hội phát triển, khả năng, điều kiện thực tế của tỉnh Hà Giang; đảm bảo sự hài hòa, liên thông, đồng bộ về mục tiêu, định hướng giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương có liên quan với nhau; khắc phục sự rời rạc, xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo của cách làm Quy hoạch trước đây; cách thức, mức độ chi tiết tích hợp các nội dung phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương vào Quy hoạch tỉnh cần đảm bảo theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; giải pháp thực hiện Quy hoạch tỉnh phải rõ ràng, khả thi, xác định cụ thể nguồn lực cần thiết; nội dung Quy hoạch tỉnh phải có sự phối hợp, bàn thảo, trao đổi, thống nhất giữa Liên danh tư vấn và các sở, ngành, giữa các thành viên trong Liên danh; đảm bảo đúng lộ trình, kế hoạch lập Quy hoạch tỉnh đã đặt ra; kịp thời báo cáo, xin chủ trương giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc. ​

Bắc Quang