Chia sẻ với báo chí, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) Hoàng Trung cho biết, dự kiến ngày 8/12, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam Nguyễn Xuân Cường và Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Nghê Nhạc Phong sẽ ký Nghị định thư về xuất khẩu cây thạch đen của Việt Nam sang Trung Quốc.

Đây được coi là "giấy thông hành" chính thức để loại cây đặc sản này của Việt Nam có thể xuất khẩu chính ngạch sau 2 năm cơ quan chức năng của nước ta nỗ lực đàm phán.

Theo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực, các chuyên gia kiểm dịch thực vật thuộc Tổng cục Hải Quan Trung Quốc đã sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá vùng trồng và cơ sở đóng gói chế biến thạch đen để chuẩn bị cho việc ký nghị định thưnày.

Thực tế, thời gian qua Trung Quốc siết nhập khẩu tiểu ngạch, cộng với việc ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc giảm tới 26%. Thế nên, cây thạch đen được xuất khẩu chính ngạch được coi là bước tiến mới nhằm cải thiện tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc trong năm nay. 

{keywords}
Sau 2 năm nỗ lực đàm phán, cây thạch đen sẽ được xuất chính ngạch sang Trung Quốc

Bộ NN-PTNT cũng đang tiếp tục thúc đẩy theo thứ tự ưu tiên đối với một số loại trái cây vào thị trường 1,4 tỷ dân như: Bưởi, chanh leo, và một số loại quả khác…

Bộ NN-PTNT cũng cho biết, thạch đen là cây trồng mang đặc thù của các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta như Cao Bằng, Lạng Sơn... Đây là loại cây thân thảo thấp, chiều cao trung bình từ 40-60cm, có thể dùng thân và lá để nấu ra thạch để ăn, giải khát.

Theo các kết quả nghiên cứu, thân và lá cây thạch đen không chỉ dùng nấu thạch làm thứ giải khát thông thường mà còn là một cây dược liệu quý, có vị ngọt, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, giúp hạ huyết áp, trị cảm nắng, đau khớp.

Ở nước ta, thạch đen rất được ưa chuộng, song phần lớn sản lượng đều được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Theo tính toán, năng suất thạch đen khô bình quân đạt 5,5 tấn/ha, giá sản phẩm 15.000 đồng/kg, tổng thu nhập đạt 80 triệu đồng/ha/1 lần thu hoạch (thạch đen có thể thu hoạch 2-3 lần/năm), lợi nhuận cho người sản xuất đạt trên 120 triệu đồng/ha/năm.

Đặc biệt, tại Lạng Sơn - tỉnh trồng nhiều cây thạch đen nhất với khoảng 2.000ha/năm, sản lượng 10.000 tấn với giá trị khoảng 250 tỷ đồng.

Theo đó, tại Lạng Sơn, cây thạch đen được trồng chủ yếu trên 2 loại đất là đất canh tác nông nghiệp (đất ruộng) và đất lâm nghiệp (đất nương rẫy có độ dốc <200). 

Xác định thạch đen là một trong những cây trồng chủ lực, đem lại giá trị kinh tế cao cần được đầu tư và phát triển, năm 2017, tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng Nhãn hiệu tập thể Thạch đen Tràng Định. Ngày 3/8/2018, sản phẩm thạch đen được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể Thạch đen Tràng Định.

Tỉnh này đã quy hoạch vùng trồng thạch đen tập trung tại 2 huyện Tràng Định, Bình Gia với diện tích 3.000-4.000ha. Đáng chú ý, tất cả 23 xã, thị trấn của huyện Tràng Định đều trồng thạch đen với tổng diện tích 1.283ha/năm.

Song, khi thị trường Trung Quốc áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc mới, xuất khẩu thạch đen bị giảm mạnh. Với mặt hàng thạch đen khô, từ 1/9/2018, Trung Quốc ngừng nhập cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch, ảnh hưởng lớn đến nông dân trồng cây này ở Lạng Sơn. Đặc biệt, đầu năm nay thạch đen Lạng Sơn không xuất khẩu được Trung Quốc dẫn tới ùn tứ, giá giảm mạnh.

Nguyên nhân là do từ trước, thị trường Trung Quốc không có yêu cầu nào với sản phẩm này nên việc sản xuất, truy xuất nguồn gốc, đóng gói đúng quy trình không được thực hiện. 

Tỉnh Lạng Sơn xác định, những thay đổi trong chính sách biên mậu của Trung Quốc là tất yếu và đến lúc phải thay đổi, xem đây là thị trường khó tính, tập trung sản xuất quy củ, vừa giảm rủi ro vừa tăng được giá trị.

Địa phương đã có văn bản gửi Bộ NN-PTNT đề nghị giúp đỡ, hướng dẫn tỉnh thực hiện các yêu cầu của Trung Quốc. Ngoài ra, Lạng Sơn cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền cho nông dân, thực hiện các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm của bạn hàng.

Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã rốt ráo cùng các cơ quan chức năng hoàn thiện việc xuất khẩu thạch đen chính ngạch sang Trung Quốc và hướng dẫn triển khai đăng ký truy xuất nguồn gốc, chứng nhận kiểm nghiệm, kiểm dịch theo yêu cầu của bạn hàng.

Việc thạch đen được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp nông dân các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng..., đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm sản xuất, tăng thu nhập hàng năm.

Hải Băng