Năm 2020, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên gặp nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 khiến cho nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng chậm, thậm chí giảm sâu so với cùng kỳ (đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2020). Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai hiệu quả các giải pháp vừa phòng chống dịch, vừa phòng chống suy giảm kinh tế và giữ vững ổn định xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2020 ước tính tăng 4,24% so với năm 2019, cao hơn mức tăng trưởng 2,91% của cả nước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 4,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,85%; khu vực dịch vụ tăng 3,26%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,09%. Kết quả này đã đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2016-2020 đạt 10,48%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực công nghiệp xây dựng chiếm 58,03%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,43%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 30,54%.

{keywords}
Cục Thống kê Thái Nguyên công bố số liệu thống kế kinh tế - xã hội tỉnh năm 2020.

Ông La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên đánh giá: “So với các tỉnh lân cận xung quanh và có điều kiện công nghiệp phát triển như chúng ta thì chúng ta cũng đang ở mức độ tăng trưởng cao hơn so với vùng thủ đô Hà Nội, chúng ta đứng thứ 4 của các vùng ngoại ô thủ đô. Sở dĩ có được kết quả như vậy là do sự chỉ đạo điều hành của chúng ta rất quyết liệt, tháo gỡ khó khăn cho từng đơn vị, từng doanh nghiệp. Thứ 2 là bản thân các đơn vị, doanh nghiệp đã rất nỗ lực, phấn đấu ở vươn lên”.

Trong tổng cơ cấu kinh tế của tỉnh, lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng khá trong những tháng cuối năm và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2020 tăng 4,45% so với cùng kỳ. Trong đó, tăng cao nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 7,3%; ngành khai khoáng giảm 9,6%.

Ông La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên phân tích về tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp như sau: “Hiện nay, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn rất lớn, quy mô 2020 đã đạt 783 nghìn tỷ; nhưng về giá tuyệt đối, số tuyệt đối thì tăng 40 nghìn tỷ so với năm 2019. Tất nhiên để đóng góp vào kết quả này, quy mô của cơ cấu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn nên mặc dù tốc độ tăng của khu vực này thấp hơn so với bình quân chung, vì quy mô lớn nên đóng góp lớn hơn”.

Theo công bố của Cục Thống kê vừa mới đây, năm 2020, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 1.044 doanh nghiệp, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2019. Số doanh nghiệp đóng mã số thuế và ngừng hoạt động là 1.179 doanh nghiệp, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, tính từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2020 trên địa bàn tỉnh có 18 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 352 triệu đô la Mỹ. Lũy kế đến ngày 15/12/2020 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 163 dự án FDI được cấp phép đăng ký và còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt trên 8.5 tỷ đô la Mỹ.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, theo công bố tính từ ngày 28/3 đến nay, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới tại cộng đồng; toàn tỉnh Thái Nguyên cũng đã tiếp nhận và thực hiện cách ly cho gần 10.200 trường hợp người đi/đến/ở từ vùng dịch; nhiều chỉ tiêu về giáo dục - đào tạo đạt tỷ lệ cao; Tình hình tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí.

Kiều Oanh