Có thể nói trong 1 thế kỷ qua, Covid-19 là đại dịch lớn nhất với nhân loại. Chỉ trong vòng nửa năm, đại dịch đã lan ra toàn cầu với trên 15 triệu ca mắc, hơn 600.000 người tử vong. 

Sự diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Hàng loạt quốc gia cũng đã phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt để kiểm soát dịch.

Tại Việt Nam, chúng ta ghi nhận những ca Covid-19 đầu tiên vào cuối tháng 1/2020, tính đến nay, ngày 23/7, số ca mắc đã vượt qua 400 ca. Tuy nhiên điểm đáng mừng là gần 100 ngày qua, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi trên thế giới chưa ghi nhận ca mắc trong cộng đồng, chưa ghi nhận ca tử vong.

Tuy nhiên hiện nay dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu ngừng lại, thậm chí, nhiều quốc gia đang phải đối mặt với làn sóng thứ 2 của Covid-19 khá dữ dội.

Vậy với những thành quả đã đạt được, liệu Việt Nam đã thực sự an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn căng thẳng như hiện nay và cuộc chiến thực sự của những bác sĩ tuyến đầu chống dịch ở Việt Nam như thế nào?

Để giải đáp những câu hỏi này, hôm nay chúng ta sẽ cùng gặp gỡ 2 vị khách mời:

- PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng, Bộ Y tế, vị chuyên gia đã cùng đồng hành với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 suốt nhiều tháng qua.

- ThS.BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, người trực tiếp điều trị cho rất nhiều bệnh nhân Covid.

Cuộc chiến còn dài nên không thể lơ là, chủ quan

Nhà báo Thúy Hạnh: Thưa TS Trần Đắc Phu, sau hơn 3 tháng chúng ta chưa ghi nhận các ca nhiễm mới trong cộng đồng, theo ông với tình hình hiện tại liệu chúng ta đã có thể cảm thấy an toàn hay chưa?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Gần 100 ngày Việt Nam không ghi nhận những ca nhiễm trong cộng đồng. Tôi cho rằng đây là số liệu đáng tin cậy. Bởi hiện nay chúng ta đã chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, máy bay đi lại, du lịch trong nước sôi động nhưng không phát hiện ra những bệnh nhân mới ở 2 khối.

Thứ nhất là khối điều trị trong các bệnh viện, nếu có nhiều ca bệnh bên ngoài thì chắc chắn phải có ca vào bệnh viện. Thứ 2 hiện hệ thống phát hiện của chúng ta rất vững vàng và Bộ Y tế cũng đã đưa ra những chiến lược về xét nghiệm nhằm phát hiện những ca trong cộng đồng.

Nhưng nói về yên tâm thì chắc rằng cần phải cân nhắc. Việt Nam đã làm rất tốt việc cách ly các trường hợp nhập cảnh, đặc biệt trong thời gian qua rất nhiều trường hợp nhập cảnh dương tính, có những máy bay có tới một vài chục người.

Tuy nhiên, trong những ngày gần đây như chúng ta đã biết có những trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở. Và họ không chỉ ở các nước gần kề ta, mà còn cả từ các nước khác thông qua nước sát bên cạnh nước ta để nhập cảnh vào Việt Nam. Biết đâu trong số đó có những người dương tính mà lọt ra cộng đồng gây nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Nghĩa là ở Việt Nam vẫn còn tính nguy cơ rất cao.

Việt Nam khác một số nước là có hệ thống cơ sở, lọt qua đường mòn lối mở thì còn hệ thống cơ sở bên trong. Vừa qua hệ thống cơ sở đó phát hiện được nhiều, ví dụ công an, quân đội, y tế cơ sở, chính quyền cơ sở, đặc biệt người dân cũng rất ý thức trong việc phát hiện những trường hợp nhập cảnh trái phép này. Đây cũng là một thế mạnh của Việt Nam nhưng không nên lơ là, bởi rất nhiều nước hiện bị làn sóng thứ 2 mà không tìm được dấu vết F0.

{keywords}
Từ trái qua phải: Nhà báo Thúy Hạnh, PGS.TS Trần Đắc Phu, ThS.BS Trần Thị Hải Ninh

Nhà báo Thúy Hạnh: Thưa ông, khoảng thời gian gần 100 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng nên người dân đang bắt đầu có tâm lý chủ quan, thậm chí nhiều hoạt động quay lại với cuộc sống “bình thường cũ” thì đúng hơn? Bằng chứng là giờ chúng ta ra đường đến nơi công cộng sẽ thấy mọi người lơ là đeo khẩu trang. Theo ông, tình trạng này có nguy hiểm trong tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Đúng như bạn nói, “bình thường mới” phải khác “bình thường cũ”, nhưng người dân thấy không xuất hiện những ca nhiệm mới trong cộng đồng nên chủ quan. Nói “nguy hiểm” cũng đúng, bởi còn nguy cơ thì còn sự nguy hiểm.

Bộ Y tế đã có tất cả hướng dẫn cho cuộc sống “bình thường mới”, như trong du lịch, giao thông, các xí nghiệp, trường học, siêu thị… Nhưng quan sát xe buýt, xe khách chẳng hạn, theo hướng dẫn thì tình hình Covid-19 vẫn phức tạp phải đeo khẩu trang nhưng người đeo người không.

Hình như người dân và kể cả chính quyền, một số nhà quản lý đang có tâm lý chủ quan. Bây giờ giả sử nếu phát hiện một trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng thì rất khó để phòng bệnh và có thể sẽ lây ra nhiều, tạo nên một làn sóng thứ 2 thì rất nguy hiểm và việc truy tìm dấu vết cũng sẽ khó hơn. Chúng ta không nên chủ quan, nhìn từ bài học của Hong Kong, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore…

Nhà báo Thúy Hạnh: Thưa bác sĩ Hải Ninh, như PGS Phu nói thì rõ ràng là cuộc chiến Covid-19 chưa kết thúc. Nhìn lại giai đoạn đầu khi có những ca bệnh đầu tiên, lúc đó chúng ta chưa có phương án điều trị, thậm chí chưa biết “mặt mũi” con virus như thế nào thì các bác sĩ khi lên kế hoạch điều trị có hoang mang, lo lắng không ạ?

ThS.BS Trần Thị Hải Ninh: Từ cuối tháng 12/2019 khi bắt đầu có thông tin về các trường hợp dịch bệnh của Trung Quốc thì Bộ Y tế đã chỉ đạo lên các phương án ứng phó với dịch bệnh. Vì chúng ta cũng xác định Trung Quốc rất gần với Việt Nam, đường biên giới chung giữa hai nước rất dài và nguy cơ chắc chắn dịch sẽ xâm nhập vào Việt Nam.

Tại thời điểm đó các thông tin về dịch bệnh rất ít và chủ yếu từ Trung Quốc. Chúng ta gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận, chẳng hạn về mặt ngôn ngữ, rồi họ cũng quá bận rộn chống dịch nên cũng không cung cấp được nhiều thông tin khoa học.

Khi ấy bệnh viện chúng tôi trăn trở rất nhiều nhưng cũng xác định được đây là chủng virus tương đồng với những virus trước đó đã gặp như SARS. Do đó bệnh viện đã chủ động lên các phương án dự phòng và cũng dựa trên nhiều kinh nghiệm trong phòng chống SARS trước đây cũng như thường xuyên cập nhật tin tức để có thể đưa ra phác đồ phù hợp nhất đối với từng giai đoạn của dịch.

{keywords}
 

Nhà báo Thúy Hạnh: Bản thân chị ngày xác định phải ở lại bệnh viện là ngày nào và thời điểm đó chị có hình dung “cuộc chiến” này sẽ kéo dài bao lâu không?

ThS.BS Trần Thị Hải Ninh: Tôi nhớ ngày đầu tiên chúng tôi được huy động đến bệnh viện là vào 29 Tết, chắc lịch dương khoảng ngày 29 – 30/1/2020, nhưng chưa có lệnh phải ở lại bệnh viện. Sau đó chính thức bắt đầu từ mùng 2 Tết chúng tôi bắt đầu ở lại bệnh viện.

Thật ra khi ấy có quá nhiều việc phải làm, quá nhiều thứ phải sắp xếp, lo lắng nên chúng tôi cũng không có thời gian để nghĩ mình sẽ ở đây đến bao lâu hoặc “cuộc chiến” này sẽ kéo dài đến khi nào. Tất cả chỉ tập trung vào việc cần làm gì và chuẩn bị thế nào cho tốt.

Tuy nhiên đến tầm tháng 3/2020, khi đã ở viện khá lâu rồi, bắt đầu dần quen cuộc sống cách ly tại bệnh viện, thì chúng tôi cũng rất trăn trở, suy nghĩ liệu mình sẽ xa gia đình đến bao lâu, ở đây đến bao giờ? Chúng tôi đã xác định cuộc chiến còn kéo dài, ngày về còn rất xa, vì đây là một chủng virus hoàn toàn mới, chúng ta chưa có nhiều hiểu biết, thuốc đặc trị, vaccine đều chưa có, nên khả năng phòng sẽ chủ yếu dựa vào các biện pháp giãn cách xã hội.

Nhà báo Thúy Hạnh: Vâng, vậy là cuộc chiến của chúng ta vẫn sẽ còn kéo dài vì chưa có vắc xin, chưa có thuốc đặc trị. Xin hỏi PGS.TS Trần Đắc Phu, như bác sĩ Ninh vừa đề cập, trong điều trị chúng ta dựa vào kinh nghiệm chống dịch SARS rất nhiều, vậy trong việc đưa ra giải pháp chung cho ngành y tế, bài học từ dịch SARS giúp ích gì cho cho phòng chống Covid-19?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Tôi cho rằng áp dụng được rất nhiều, ví dụ kinh nghiệm mở cửa thông thoáng. Trong dự phòng cũng có những kinh nghiệm rút ra được từ SARS, từ các bệnh mới nổi nguy hiểm cũng bắt nguồn từ Trung Quốc, Hong Kong sang, nhưng chúng tôi cũng có những kinh nghiệm từ nhiều dịch khác, từ các bệnh mới nổi như H7N9, Ebola…

Trong chống dịch, phát hiện các ca bệnh càng sớm càng tốt, sau đó chúng ta cách ly, khoanh vùng và áp dụng các biện pháp dập dịch ở những vùng đó. Có thể nói đó là kinh nghiệm tổng thể của nhiều năm làm công tác y tế dự phòng ở một đất nước luôn luôn có bệnh dịch mới nổi có khả năng xâm nhập.

{keywords}
 

Khoanh vùng triệt để, dập dịch quyết liệt

Nhà báo Thúy Hạnh: Đến thời điểm hiện tại chúng ta đã thành công bước đầu trong khống chế dịch Covid-19. Tuy nhiên có một số ý kiến quốc tế cho rằng sở dĩ Việt Nam thành công là vì luôn làm mạnh hơn so với khuyến cáo của WHO. Là người trực tiếp tham gia các cuộc họp của Ban chỉ đạo, ông bình luận thế nào về ý kiến này?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Theo tôi ý kiến này cũng đúng. Bởi vì tổ chức WHO trong giai đoạn đầu cũng không có nhiều thông tin từ nơi xảy ra dịch bệnh. Còn Việt Nam có dự báo được sớm tình hình nguy hiểm của dịch và áp dụng một chiến lược mà tôi cho rằng từ lúc bắt đầu dịch đến bây giờ và mãi mãi về sau vẫn cứ đúng, đó là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng một cách triệt để và dập dịch một cách quyết liệt. Song song đó là điều trị tích cực và hiệu quả.

Cũng có những cái nói là sáng tạo thì cũng không phải, nhưng chúng ta áp dụng bằng kinh nghiệm, kỹ thuật, phương pháp cổ điển, ví dụ bệnh hô hấp thì cứ đeo khẩu trang, rồi khử khuẩn, áp dụng biện pháp cách ly, v.v… Tất nhiên còn nhiều giải pháp về xã hội nữa nhưng giải pháp về y tế, kỹ thuật đó Việt Nam đã thực hiện rất sớm và nó ổn định, chứ các nước cũng còn tranh cãi nhau nhiều.

Kể cả khuyến cáo của WHO lúc đầu cũng không giống Việt Nam về vấn đề đeo khẩu trang hay sự lây nhiễm trong cộng đồng. Con virus này thực sự là mới, và thông tin cũng chưa đầy đủ. Cũng phải nói rằng WHO đã phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong việc phòng chống dịch bệnh.

Nhà báo Thúy Hạnh: Đúng như ông nói ngay từ đầu khi WHO chưa khuyến cáo đeo khẩu trang thì chúng ta đã khuyến cáo từ rất sớm. Và sau này các nước phương Tây vốn khá e dè với việc đeo khẩu trang cũng đã phải thừa nhận tác dụng của nó trong phòng chống Covid-19.

Thưa bác sĩ Hải Ninh, tôi được biết mẹ của chị trước đây là Y tá trưởng của Viện Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới nay là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và bà cũng là người từng tham gia chống SARS năm 2003. Vậy khi con gái bước vào một cuộc chiến mới chưa biết “mặt mũi” ra sao, bà có nhắn nhủ, dặn dò gì con gái không ạ?

ThS.BS Trần Thị Hải Ninh: Tôi và mẹ hàng ngày vẫn thường nói chuyện, chia sẻ, do đó không phải đến thời điểm xảy ra dịch Covid-19 thì tôi mới nhận được kinh nghiệm truyền đạt từ thế hệ trước. Nhưng đúng là có những điểm mang tính cốt yếu cho các bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm như chúng tôi, ví dụ những biện pháp phòng ngừa cơ bản như đeo khẩu trang, rửa tay… phải tạo thành thói quen thường xuyên duy trì khi thực hiện tiếp xúc, thủ thuật trên bệnh nhân. Điều đó không phải ngày một ngày hai mà hình thành trong cả quá trình dần dần được tích lũy.

Nhà báo Thúy Hạnh: Nhớ lạ giai đoạn đầu khá nhiều thông tin tiêu cực đổ về, như việc hàng nghìn y bác sĩ đã nhiễm bệnh ở Trung Quốc và sau này tới tháng 4 thì ở ngay bệnh viện chị cũng có 2 đồng nghiệp mắc Covid-19. Trong bối cảnh dịch bệnh hoàn toàn mới, vất vả, nhiều áp lực, nhiều nguy cơ như thế, bản thân chị và các đồng nghiệp có khi nào suy nghĩ lại lựa chọn của mình và những lúc đó đâu là nguồn động lực giúp chị tiếp tục chiến đấu?

ThS.BS Trần Thị Hải Ninh: Nói không sợ thì không phải, vì chúng tôi đã chứng kiến, tiếp nhận thông tin nhiều đồng nghiệp ở các nước đã nhiễm bệnh, tử vong. Nhưng may mắn là tôi cũng chưa thấy một đồng nghiệp nào ở bệnh viện nộp đơn xin nghỉ việc hay điều chuyển đến đơn vị không trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

Chúng tôi vẫn luôn xác định mình là những người được đào tạo đúng về chuyên ngành này và là đơn vị đã có khá nhiều kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh, vì vậy sẽ là những người phù hợp nhất ở vị trí này. Nếu mình dừng lại thì nghĩa là đẩy khó khăn đó cho những người ít kinh nghiệm, kỹ năng hơn mình.

Nhà báo Thúy Hạnh: Thưa PGS.TS Trần Đắc Phu, bây giờ sau quãng thời gian gần 6 tháng, chúng ta tạm thời có thể có những tổng kết ban đầu về những thành quả chống dịch của Việt Nam. Vậy khi nhìn lại, theo ông đâu là nguyên nhân đem lại thành công trong chống dịch của Việt Nam giai đoạn vừa qua?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Tuy chưa có một tổng kết chính thức nào nhưng cá nhân tôi đã suy nghĩ, tổng kết lại những giải pháp nào đưa đến thành công vừa qua. Có khoảng 30 giải pháp nhưng ở đây tôi chỉ đưa ra một số giải pháp chính.

Thứ nhất, chúng ta có dự báo đúng, dự báo tốt về mức độ nguy hiểm. Ngay từ đầu trong lúc thông tin quốc tế còn khó khăn như vậy nhưng chúng ta đã cảnh giác.

Thứ 2, chúng ta đã áp dụng một chiến lược là ngăn chặn, phát hiện và cách ly, khoanh vùng triệt để và dập dịch quyết liệt, điều trị hiệu quả.

Thứ 3 điều chúng ta làm tốt được quốc tế đánh giá cao là huy động được tổng thể sức mạnh xã hội từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ngành, các cấp cho đến người dân tham gia vào. Như Thủ tướng có nói “chống dịch như chống giặc”, chính câu nói đó khích lệ toàn thể tham gia vào với trách nhiệm, tinh thần cao nhất.

Chúng ta cũng phải kể đến những kinh nghiệm, hướng dẫn, dịch mới xảy ra nhưng sau thời gian rất ngắn ngành Y tế cũng như tất cả các ngành phải có những hướng dẫn để thực hiện, và được ban hành rất đúng lúc. Ví dụ đeo khẩu trang, khử khuẩn đều có hướng dẫn, rồi cách ly cũng có hướng dẫn, vì cách ly đông, nhiều như thế thì phải có hướng dẫn để làm sao đảm bảo kỹ thuật và điều đó trước chưa có.

Rồi chúng ta có nhiều giải pháp về công nghệ như phát hiện, truy tìm dấu vết; sản xuất test kit; phân lập vi khuẩn và các ứng dụng trong điều trị.

Cũng không thể không nói đến công tác truyền thông. Truyền thông của Việt Nam làm rất tốt để người dân tin tưởng, tham gia.

Nhà báo Thúy Hạnh: So sánh với Trung Quốc là nước đã áp dụng và quán triệt khá lâu dài là phương pháp “4 tập trung”, nhưng ta lại áp dụng “4 tại chỗ”, có phải xuất phát từ những kinh nghiệm sâu sắc chúng ta rút ra từ các đợt dịch?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Tôi cho rằng “4 tại chỗ” là một biện pháp rất đúng của Việt Nam. Ta có “4 tại chỗ” không chỉ bên Y tế đâu, các lĩnh vực khác như chống thảm họa cũng áp dụng. Bởi chúng ta có một hệ thống chính trị tất cả các cấp đều có. Và chúng ta có thể áp dụng “4 tại chỗ” cả trong điều trị, dự phòng, rồi lực lượng quân đội, công an cũng áp dụng được.

Tôi có nói vui rằng khi dịch xảy ra chưa có tiền nhưng cứ hô một cái là làm được. Hô một cái là Quân đội tham gia vào tổ chức cách ly ngay, hô một cái là Y tế làm mẫu xét nghiệm để phát hiện, điều tra ca bệnh.

Trong điều trị cũng vậy, chỉ những ca nặng chúng ta mới chuyển lên tuyến trên còn các ca nhẹ chúng ta để ở các tuyến dưới. Điều này giúp tuyến trên không bị quá tải, tiết kiệm được nhân lực, trang thiết bị, tạo ra được sự hợp lý cao nhất trong phòng chống dịch, do đó được quốc tế đánh giá cao là một quốc gia đầu tư hạn hẹp nhưng lại rất thành công.

Có thể nói “4 tại chỗ” cũng là một nét cơ bản, quan trọng trong phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam.

{keywords}
 

Nhà báo Thúy Hạnh: Thưa bác sĩ Hải Ninh, vậy trong điều trị chúng ta có điểm sáng tạo nào so với các nước không?

ThS.BS Trần Thị Hải Ninh: Đây đúng là một quá trình rất mới, vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Ngày nào bệnh viện cũng tổ chức giao ban, báo cáo về bệnh nhân để rút ra những điểm đã làm tốt, điểm gì chưa tốt để khắc phục. Bộ Y tế đã thành lập hội đồng chuyên môn bao gồm các giáo sư đầu ngành đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều, thường xuyên giao ban trực tuyến với bệnh viên.

Có rất nhiều việc tại thời điểm làm chúng tôi nghĩ là tốt, là đúng nhưng sau đó nhìn nhận lại thấy rằng như thế là chưa phù hợp. Ví dụ giai đoạn đầu khi thấy lượng oxy trong máu bệnh nhân giảm xuống chúng tôi cho rằng cần thực hiện ngay các biện pháp can thiệp như đặt ống thở máy cho bệnh nhân để nâng oxy.

Tuy nhiên, sau này chúng tôi thấy rằng có những bệnh nhân việc hỗ trợ oxy như vậy không hiệu quả, thậm chí với nồng độ oxy thấp như thế bệnh nhân vẫn có thể tiếp tục duy trì ý thức tỉnh táo, thực hiện các hoạt động sinh hoạt bình thường. Vì thế chúng tôi quyết định tiếp tục theo dõi sát bệnh nhân, cố gắng không thực hiện các can thiệp chuyên sâu như đặt ống thở máy. Và cũng rất may mắn là những bệnh nhân đó cuối cùng đã vượt qua được giai đoạn tổn thương phổi nặng, không cần đến những can thiệp mà có thể sẽ kéo dài thêm thời gian nằm viện.

Đó thực sự là cuộc chiến căng thẳng khi mình đứng trước sinh mạng của bệnh nhân, quyết định sẽ là như thế nào đây bởi chưa có một hướng dẫn chính thống, nếu mình làm đúng sẽ đem lại sự sống cho bệnh nhân nhưng nếu chẳng may quyết định đó sai thì sẽ làm bệnh nhân tử vong. Do đó thời điểm quyết định đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân thở máy thở oxy hay không rất khó khăn. Chúng tôi chỉ có một cách là theo dõi bệnh nhân rất sát, từng giờ từng phút và nếu bệnh nhân diễn biến xấu hơn thì phải lập tức can thiệp các thủ thuật hoặc.

Hoặc có những sáng tạo như khi tại bệnh viện có bác sĩ bị lây nhiễm bệnh thì chúng tôi xác định nguyên nhân là do quá trình các bạn can thiệp đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân. Do đó chúng tôi tạo ra các hộp để đặt nội khí quản cho bệnh nhân, tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế. Rồi những mũ trùm đầu có dây nối cung cấp thêm oxy để chống mờ mạng che mặt để quá trình làm thủ thuật có thể kéo dài hơn.

Đó là những sáng tạo rất nhỏ nhưng là những người làm trực tiếp chúng tôi thấy rất hiệu quả, tốt cho cả nhân viên y tế cũng như bệnh nhân.

Nhà báo Thúy Hạnh: Quả là trong điều trị chúng ta đã có rất nhiều sáng tạo, giúp ích rất nhiều trong việc giảm nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên y tế.

Thưa PGS.TS Trần Đắc Phu, nãy ông có đề cập đến hiệu quả của ứng dựng công nghệ, vậy ông có thể nói rõ hơn trong cuộc chiến chống Covid-19 vừa qua, những giải pháp công nghệ nào đã giúp ích rất nhiều cho Việt Nam?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Nói về công nghệ có lẽ chúng ta phải nói đẩy đủ các lĩnh vực, chẳng hạn những sáng kiến trong điều trị như bác sĩ Ninh vừa đề cập.

Thứ nhất là công nghệ trong truy huyết dựa vào hệ thống thông tin. Chính phủ đã huy động tất cả các nhà mạng tham gia. Như trường hợp bệnh viện Bạch Mai, mấy nghìn người liên quan nhờ truy huyết mà chúng ta tìm được những người tiếp xúc. Chúng ta có cả một đội chuyên gọi điện cho các đối tượng tiếp xúc để tìm hiểu nguyên nhân, phòng tránh.

Công nghệ trong phân lập virus, trong sản xuất máy thở, các test kit, Việt Nam cũng đi sớm. Chúng ta cũng có những cách tổ chức, điều hành cũng bằng hình thức công nghệ làm sao để nhanh, hợp lý nhất.

{keywords}
 

Nhà báo Thúy Hạnh: Có thể nói trong giai đoạn vừa qua công nghệ đã giúp ích rất nhiều. Có lẽ đây là lần đầu tiên người dân nhận được nhiều tin nhắn “quan tâm”, hướng dẫn của Chính phủ, ngành Y tế đến vậy.

Ban nãy ông có nói đến vấn đề sản xuất test kit, vậy hiện tại khả năng sản xuất của chúng ta đáp ứng đến mức độ nào trong trường hợp dịch quay trở lại thành “làn sóng thứ 2”?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Đến thời điểm này chúng ta có không chỉ một mà nhiều đơn vị có khả năng sản xuất test kit. Tôi cho rằng chúng ta đủ khả năng sản xuất test kit nếu dịch diễn biến phức tạp.

Nhà báo Thúy Hạnh: Vậy trong điều trị, các ứng dụng KHCN giúp ích gì thưa bác sĩ Hải Ninh?

ThS.BS Trần Thị Hải Ninh: Đúng là nếu không có vai trò của KHCN sẽ rất là khó, ví dụ những kỹ thuật đòi hỏi công nghệ cao như PGS.TS Trần Đắc Phu có nói về thở máy, hệ thống ECMO cho bệnh nhân. Chúng tôi có hệ thống theo dõi cho tất cả các giường bệnh kết nối về hệ thống trung tâm, nghĩa là nhân viên y tế ngồi trong phòng cũng có thể quan sát được tình trạng của bệnh nhân, quan sát được diễn biến bất thường để kịp thời xử lý.

Chúng tôi cũng có rất nhiều sáng tạo trong quá trình điều trị như máy rửa tay tự động, chỉ cần đưa tay ra chứ không cần chạm vào là máy sẽ phun ra các chất sát khuẩn.

Chúng tôi cũng được hỗ trợ của trường Bách Khoa các rô-bốt vận chuyển đồ để có thể hạn chế tiếp xúc của người ngoài với người bệnh. Gần đây nhất chúng tôi được hỗ trợ rô-bốt có vai trò gần giống như nhân viên y tế, có thể vào phòng nói chuyện, trao đổi các thông tin với bệnh nhân, giúp ích nhiều trong việc điều trị các bệnh nhân không phải nặng hoặc các trường hợp cách ly và giúp cán bộ y tế không bị quá tải.

Nhà báo Thúy Hạnh: Trong giai đoạn đầu chống Covid-19, Việt Nam có phải đối mặt với tình trạng thiếu máy thở như các nước châu Âu, châu Mỹ không, thưa bác sĩ Ninh?

ThS.BS Trần Thị Hải Ninh: Rất may mắn là ngay từ giai đoạn đầu chúng ta đã khởi động rất tốt toàn bộ hệ thống y tế, rồi Bộ Công an, lực lượng quân đội do đó đã hạn chế được tối đa đối tượng mắc bệnh. Các tuyến cơ sở cũng làm rất tốt việc theo dõi đánh giá bệnh nhân để hạn chế những tiến triển nặng.

Tại các cơ sở y tế như bệnh viện chúng tôi khi bệnh nhân có những tiến triển nặng thì cũng rất cố gắng để bệnh nhân không đến mức nguy kịch phải đặt ống, thở máy. Vì vậy cho đến thời điểm đỉnh cao của đợt dịch vừa qua khi có rất nhiều bệnh nhân nặng thì bệnh viện vẫn đáp ứng đủ máy thở.

Việt Nam đã xây dựng kịch bản cho hàng nghìn ca mắc

Nhà báo Thúy Hạnh: Cũng xin hỏi thêm bác sĩ là bản thân chị trong quá trình điều trị cho bệnh nhân nhận thấy còn bất cập hay hạn chế gì hay không? Giả sử tình huống tới đây chúng ta phải đối mặt với làn sóng thứ 2 có thể lên tới hàng trăm bệnh nhân một ngày thì khả năng đáp ứng của hệ thống y tế, cụ thể như bệnh viện chị công tác là bệnh viện truyền nhiễm tuyến đầu đến mức nào?

ThS.BS Trần Thị Hải Ninh: Đến thời điểm hiện tại có thể nói chúng ta đã thành công trong chống Covid-19 ở giai đoạn đầu. Đối với giai đoạn tiếp theo nếu làn sóng thứ 2 bùng phát thì vai trò của hệ thống y tế cơ sở là rất quan trọng, vì đó là những người đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân, hỗ trợ điều trị trong giai đoạn đầu để bệnh nhân không tiến triển nặng. Do đó việc tăng cường năng lực cho các tuyến y tế cơ sở rất quan trọng và cần đặc biệt chú trọng dù hiện tại các anh chị đã làm rất tốt.

Đối với câu hỏi của nhà báo về khả năng đáp ứng, theo đánh giá hiện tại trong các kế hoạch phòng chống thì bệnh viện chúng tôi có thể tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhân trong đó khoảng 100 bệnh nhân nặng và nguy kịch. Tuy nhiên rất khó khẳng định được con số chính xác, vì có thể đến giai đoạn dịch bệnh đã bùng phát như vậy chúng ta phải chấp nhận sử dụng thêm các cách phòng bệnh mà trước đây không coi là phòng bệnh chẳng hạn thì năng lực có thể cao hơn.

Hoặc trong trường hợp có quá nhiều bệnh nhân nặng thì có những phòng trước đây điều trị bệnh nhân thường thì phải chuyển sang điều trị bệnh nhân nặng. Đó là những điều có thể hoàn toàn phải thay đổi.

Có một cái tôi thấy rất tốt của hệ thống y tế Việt Nam đó là tính biến đổi và thích ứng với từng tình huống để điều chỉnh dù bản thân Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng đều đã có những kịch bản chi tiết cho các trường hợp, ví dụ 100 bệnh nhân chúng ta sẽ làm thế nào, 1.000 hoặc 10.000 bệnh thì phương án ra sao…

{keywords}

 

Nhà báo Thúy Hạnh: Hiện tại dịch Covid-19 vẫn đang rất căng thẳng trên thế giới đặc biệt tại các nước châu Âu, châu Mỹ… Khi dịch chưa chấm dứt thì tất cả đều trông chờ vào vaccine. Thưa PGS.TS Trần Đắc Phu, ông đánh giá thế nào về khả năng ra đời một loại vaccine chống Covid-19 khi mà đơn cử như với dịch Ebola, 5 năm qua thế giới cũng tập trung nghiên cứu nhưng vẫn chưa tìm ra?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Thế giới đang mong mỏi vaccine vì Covid-19 chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và các biện pháp phòng bệnh rất phức tạp, khó khăn, phải phong tỏa, giãn cách xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, đến xã hội, thậm chí các nước không qua lại được với nhau. Một số nước chờ cho miễn dịch cộng đồng nhưng lại gây thiệt hại rất lớn vì số mắc và số tử vong cao và đã phải quay lại giải pháp phong tỏa.

Với một bệnh truyền nhiễm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và phương pháp phòng bệnh tối ưu thì không gì bằng vaccine. Và thực tế trong lịch sử vaccine đã cứu sống rất nhiều người vượt qua các bệnh truyền nhiễm như đậu mùa, bại liệt, v.v…

Hiện nay rất nhiều nước tham gia sản xuất vaccine đặc biệt những nước tiên tiến như Anh, Mỹ, Nga… Việt Nam cũng tham gia. Nhưng có lẽ chúng ta vẫn nên chờ đợi và trong lúc đó phải áp dụng những biện pháp đang tiến hành.

Khi nào có vaccine thì sự may mắn đã đến với nhân loại, còn đến hiện tại chưa có một kết quả nào có thể coi là đáng tin cậy bởi con virus này quá mới để mà hiểu được đặc tính virus, đặc tính miễn dịch, tính sinh miễn dịch của con người.

Nhà báo Thúy Hạnh: Như ông nói thì chưa biết được chắc chắn giai đoạn, thời điểm nào có được vaccine. Mặt khác chúng ta cũng xác định duy trì mục tiêu kép. Vậy trong giai đoạn tới chúng ta có tính đến phương án tiếp tục đóng cửa biên giới, hạn chế các chuyến bay? Nếu duy trì các chuyến bay đón công dân, chuyến bay thương mại thì bắt buộc cách ly toàn bộ hay không, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh chúng ta phải đạt mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch bệnh và việc chăm sóc sức khỏe của người dân phải đặt lên hàng đầu. Còn trong từng thời điểm chúng ta phải chọn ra những giải pháp phù hợp, tùy tình hình dịch bệnh mà có sự đáp ứng khôn ngoan nhất, không gây ra hệ lụy cho nền kinh tế, cho an sinh xã hội của người dân và vừa qua chúng ta làm rất tốt điều này.

Còn về các chuyến bay thương mại, tôi cho rằng lúc này cũng nên mở các chuyến bay thương mại, bây giờ cũng nhiều người Việt ở nước ngoài muốn về, rồi những người làm xúc tiến thương mại, lao động, công nhân lành nghề…

Nhưng vấn đề ở đây là phải quản con người, phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, các biện pháp cách ly phù hợp. Tất nhiên trong quá trình làm sẽ lại xuất hiện những sáng tạo mới. Tình huống đến đâu chúng ta sẽ giải quyết đến đó để làm sao đạt được mục tiêu kép như Thủ tướng đã nói.

Còn trong lúc này về vấn đề mở du lịch quốc tế thì tôi cho rằng chưa nên và chúng ta phải hết sức cẩn thận vì tình hình quốc tế còn rất phức tạp.

Chúng ta vẫn luôn sẵn sàng

Nhà báo Thúy Hạnh: Nhiều nước phương Tây áp dụng biện pháp cách ly tại nhà, vậy vì sao Việt Nam áp dụng cách ly tập trung, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Việt Nam có kinh nghiệm trong cách ly và từ đầu chúng ta làm thành công là do vấn đề cách ly tập trung. Việt Nam thực hiện cách ly tập trung hoàn toàn miễn phí. Đó là sự ưu ái của Chính phủ Việt Nam.

Còn nói về cách ly tại nhà thì Việt Nam cũng có những khó khăn nhất định, đó là sự tin tưởng, chấp hành… Chúng ta hiện không có ca lây nhiễm cộng đồng hay chúng tôi dùng từ “sạch” ở cộng đồng thì phải bảo vệ thành quả đó, những gì đã làm tốt thì ta phải duy trì. Chỉ có điều là áp dụng hình thức thế nào cho phù hợp, ví dụ những người đi học, đi lao động về thì cách ly tập trung, còn với các chuyên gia, công nhân lành nghề có thể giao cho các UBND tỉnh cách ly tại khách sạn, các cơ sở… vẫn có thể làm việc được.

{keywords}
Chống Covid-19: Thành quả và thách thức trước ‘làn sóng thứ 2’

Nhà báo Thúy Hạnh: Tới đây chúng ta vẫn có các chuyến bay đón công dân từ nước ngoài. Theo ông đánh giá đến thời điểm hiện tại, khả năng đáp ứng cách ly của chúng ta được khoảng bao nhiêu người?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Thực tế con số này có những biến động. Vì các điểm cách ly của Việt Nam lúc cần thì thành điểm cách ly, lúc không cần đến thì ta lại phục vụ vào các nhiệm vụ khác, như doanh trại quân đội, trường học… Nhưng theo số liệu tôi nắm được thì đến bây giờ thì các cơ sở cách ly cũng đủ.

Nhà báo Thúy Hạnh: Quay trở lại câu chuyện cách ly, tại bệnh viện bệnh nhân bị cách ly là một lẽ, bản thân các bác sĩ cũng bị cách ly. Do đó độc giả cũng rất quan tâm cuộc sống của các bác sĩ thế nào khi lúc nào cũng kín mít đồ bảo hộ như vậy?

ThS.BS Trần Thị Hải Ninh: Chúng tôi có những y bác sĩ tham gia từ giai đoạn đầu tiên của dịch tức là từ khoảng 30/1 cho đến thời điểm được về là khoảng đầu tháng 5, như vậy là ở viện khoảng 4 tháng.

Thực ra những ngày tháng đầu khá thoải mái, như chúng tôi có trêu nhau là tự dưng không phải về nấu cơm, chăm con, làm việc thì vẫn là môi trường làm việc hàng ngày của mình. Tuy nhiên sau đó khoảng thời gian kéo dài thì cũng ảnh hưởng, xáo trộn nhiều đến cuộc sống.

Rất may cơ sở mới của bệnh viện rất rộng, chúng tôi cũng quy hoạch thành các khu vực như khu vực điều trị bệnh nhân, khu vực đệm là các phòng để nhân viên y tế làm việc, theo dõi, quan sát tình trạng của bệnh nhân, và một khu vực hoàn toàn cách biệt là khu nghỉ ngơi của nhân viên y tế. Thông thường sau khi ra khỏi khu vực bệnh nhân chúng tôi sẽ qua khu vực đệm để đảm bảo thay trang phục phòng hộ và hết ca làm việc có thể ra khu nghỉ ngơi. Vừa qua số lượng bệnh nhân chưa nhiều và cơ sở đủ rộng để phân bổ như thế.

Giai đoạn đầu thời tiết không quá nóng nên việc mặc trang phục phòng hộ liên tục trong ca làm việc tất nhiên vẫn rất khó chịu, nhiều bức bách, toát mồ hôi nhưng cũng không quá vất vả như trong thời tiết nóng bây giờ. Vì theo phương án phòng chống dịch nếu sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm của bệnh viện thì sẽ lan tràn virus rất khủng khiếp nên chúng tôi phải tắt hệ thống điều hòa.

Tưởng tượng trong nhiệt độ 38 – 40 độ, trang phục phòng hộ thì kín từ đầu đến chân và thời gian rất dài cho một ca làm việc, toát rất nhiều mồ hôi, mất nhiều nước, rất mệt, không muốn ăn. Nhưng thường sau ca làm việc đó chúng tôi bố trí cho nhân viên được nghỉ một khoảng thời gian dài của ngày hôm sau để tái tạo sức lao động. Do đó đến thời điểm hiện tại vẫn có thể thích nghi và đáp ứng được.

Nhà báo Thúy Hạnh: Tới đây Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến bay nhân đạo đón hơn một trăm công nhân từ Guinea Xích Đạo về nước. Trong chuyến bay này tôi được biết có sự tham gia của nhân viên y tế, đặc biệt là cán bộ viện chị. Vậy thông tin chuyển đến nhân viên và sự chuẩn bị đến lúc này thế nào rồi, thưa chị?

ThS.BS Trần Thị Hải Ninh: Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi cử cán bộ đi đón công dân Việt Nam. Trước đây đối với đoàn công dân Việt Nam từ Vũ Hán chúng tôi cũng đã cử một kíp bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện đi đón. Tuy nhiên, mỗi thời điểm sẽ có những khó khăn khác nhau.

Thời điểm đi đón đoàn công dân Vũ Hán về chúng ta chưa biết rõ họ có nhiễm bệnh hay không cũng như chưa hiểu rõ cơ chế điều trị dự phòng đối với bệnh… Nhưng chúng ta cũng có những thuận lợi, như thời gian bay ngắn, tôi nhớ là khoảng hơn 2 tiếng.

Còn đối với chuyến bay từ Guinea Xích Đạo thì chuyến bay rất dài, đến 12 tiếng, sẽ có những khó khăn, chẳng hạn trong thời gian dài như thế thì không thể không uống nước, không ngồi xuống nghỉ, không vận động đi lại.

Một điểm nữa là trong đoàn đón công dân, theo thông tin bệnh viện nhận được thì có nhiều trường hợp dương tính thậm chí có những ca bệnh nặng đã phải can thiệp thở oxy từ nước bạn. Do đó phương án đón chúng tôi đã phải xây dựng rất kỹ lưỡng, như vấn đề khoang máy bay thì có hạn vậy mang máy thở lên thế nào, rồi tạo các buồng để thay đổi trang phục phòng hộ trên đó ra sao.

Rồi phương án an toàn cho bệnh nhân trở về đặc biệt là các bệnh nhân nặng. Một trách nhiệm nữa của bệnh viện là đảm bảo an toàn cho các nhân viên y tế đi đón. Rất nhiều thứ phải lên kế hoạch chi tiết, lên kế hoạch chặt chẽ với hãng hàng không như có thể bay liên tục 12 tiếng không hay phải dừng ở đâu để tiếp nhiên liệu rồi sẽ bay trực tiếp về hay phải quá cảnh qua các đơn vị nào…

Một điểm khó khăn là công tác tư tưởng cho nhân viên y tế cũng rất quan trọng. Cũng xin chia sẻ là đã có những bác sĩ trực tiếp xung phong, đặc biệt là trong đợt vừa rồi có trường hợp bác sĩ đã nhiễm Covid-19 thì các bạn cũng lên đề đạt ý kiến là chúng em đã bị nhiễm bệnh, đã có miễn dịch nên xung phong được đi.

Thế nhưng bác sĩ đó cũng là bác sĩ còn rất trẻ, bệnh viện cũng trăn trở đối với những trường hợp nặng như thế, một bác sĩ trẻ liệu có thể xử lý hết tình huống bất thường xảy ra trên máy bay hay không? Do đó chúng tôi phải lên các phương án như phải có lãnh đạo của các đơn vị chuyên điều trị các ca nặng như khoa cấp cứu hay khoa hồi sức phải đi cùng.

Trong một chuyến bay dài như thế nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế là cực kỳ cao. Vậy phải làm thế nào động viên tinh thần không chỉ với nhân viên y tế mà còn đối với gia đình của các bạn nữa, vì có thể các bạn xung phong nhưng chắc gì bố mẹ, vợ con các bạn đã đồng ý.

{keywords}

 

Nhà báo Thúy Hạnh: Vâng, có lẽ đây sẽ là chuyến bay có đông bệnh nhân Covid-19 nhất từ trước đến nay nên mọi sự chuẩn bị cần lên hết sức chỉn chu, cẩn trọng.

Thưa PGS.TS Trần Đắc Phu, nhiều nước đang phải đối phó với làn sóng thứ 2 khá dữ dội, đặc biệt với những thông tin WHO rồi quốc tế công bố như virus có thể phát tán trong không khí, khả năng lây lan nhanh hơn… Vậy những thách thức sắp tới chúng ta phải đối mặt là gì và Việt Nam đã có những giải pháp nào?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Không phải thời điểm hiện nay chúng ta mới sẵn sàng, ngay từ đầu khi dịch xảy ra chúng ta đã có những kịch bản. Tất nhiên những kịch bản luôn luôn có cập nhật để làm sao cho phù hợp hơn với tình hình dịch, với khả năng đáp ứng của ta. Do đó tôi muốn nói chúng ta luôn sẵn sàng và phải nghĩ rằng tốt nhất là không có làn sóng thứ 2 nhưng nếu có thì phải có phản ứng để làm sao hạn chế sớm nhất.

Một điều chắc chắn là hiện chúng ta đã có kinh nghiệm, năng lực trong điều tra dịch, trong xét nghiệm, đủ phương tiện xét nghiệm, trong điều trị, khoanh vùng cách ly, dập dịch. Chúng ta ở một mức năng lực cao hơn, như vậy thì khả năng đáp ứng sẵn sàng tốt hơn. Tôi cho rằng giải pháp càng phát hiện được những ca đầu tiên thì càng tốt, cách ly ngay và khoanh vùng, dập dịch ngay.

Đó là những cái chúng ta phải làm và làm sao nó chỉ như đốm lửa, không để đốm lửa bùng phát thành đám cháy thì đó là thành công. Như chúng ta đã biết tại Trung Quốc vừa qua khi dịch tái phát tại Bắc Kinh, họ cũng không phải phong tỏa hết Bắc Kinh như Vũ Hán. Người ta tìm kiếm được những ca sớm để khoanh vùng ở những diện nhỏ hơn.

Nhà báo Thúy Hạnh: Vậy rõ ràng như ông nói chúng ta còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong giai đoạn sắp tới và người dân cũng không thể lơ là chủ quan. Và các lực lượng y bác sĩ, cán bộ y tế dự phòng, quân đội, công an vẫn chưa thể nghỉ ngơi chừng nào dịch chưa chấm dứt.

Thưa quý vị và các bạn, buổi giao lưu hôm nay xin dừng tại đây. Xin cảm ơn 2 vị khách mời đã tham gia chương trình.

VietNamNet thực hiện