Sáng 18/6, ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chủ trì Phiên họp lần thứ 27 thông qua các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 để trình HĐND tỉnh tại kỳ họp giữa năm 2021. ​​​

Phiên họp được trực tuyến đến 09 điểm cầu huyện, thị, thành phố và thực hiện đúng theo quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

{keywords}
Ảnh minh họa

Tại phiên họp, UBND Bình Dương đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025 gắn với mục tiêu vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội. Phấn đấu ổn định và tăng trưởng kinh tế cao hơn giai đoạn 2016 - 2020; đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Xây dựng tỉnh Bình Dương ổn định và phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, tạo nền tảng hướng đến mục tiêu năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.

Các chỉ tiêu kinh tế cụ thể: Tổng sản phẩm của tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,5 - 8,7%/năm. Cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2025: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tương ứng đạt 62,3% - 28% - 2,5% - 7,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân trên 8,7%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 210 - 215 triệu đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt từ 14 - 15%/năm. Kim ngạch xuất khẩu ước tăng 9 - 10%/năm. Kim ngạch nhập khẩu ước tăng 9 - 10%/năm. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 9 tỷ đô la Mỹ. Hàng năm giải quyết việc làm cho 35.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đến cuối năm 2025 dưới 2,5%; 85% lao động qua đào tạo…

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, ông Nguyễn Hoàng Thao nhấn mạnh, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đề ra trong thời gian tới, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố tập trung nâng cao năng lực điều hành, thay đổi lề lối làm việc, nêu cao vai trò đầu tàu của người lãnh đạo, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức năng động; lựa chọn những vấn đề cấp bách, thiết thực có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để ưu tiên chỉ đạo thực hiện. Các cấp, các ngành phải bám sát quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển để xây dựng cụ thể hóa thành các chương trình, dự án để triển khai thực hiện; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tập trung giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên…​

Cửu Long