Tất cả là từ cây quế

Anh Ma A Quả ở xã Bản Cái, huyện Bắc Hà, Lào Cai  tâm sự, “ có nằm mơ tôi cũng không nghĩ có đủ điều kiện để xây căn nhà khang trang, tất cả là nhờ cây quế đấy!”.

Trước đây, cuộc sống của gia đình anh Quả chủ yếu phụ thuộc vào trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ khiến đời sống bấp bênh, nhiều người phải đi làm thuê khắp nơi để có tiền trang trải cuộc sống. Trong khi ấy, anh nhận thấy người Dao ở các huyện: Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng có nguồn thu ổn định từ cây quế. Từ đó, anh đã học tập kinh nghiệm trồng, mua cây giống, học cách ươm giống.

Từ năm 2004  - 2006 anh trồng  hàng vạn cây giống. Lúc cao điểm anh có gần 15 ha quế. Đến nay, gia đình anh Quả đã thu hoạch và bán nhiều đồi quế, thu về hàng tỷ đồng.

“Hiện, đồi nhà tôi còn trên 8 vạn cây quế tương ứng khoảng trên 10 ha quế từ 8- 10 năm tuổi đã và đang cho thu hoạch. Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm tôi bóc vỏ bán được trên 150 triệu đồng. Riêng năm 2018, tôi bán được trên 500 triệu đồng”, anh nói.

{keywords}
Nhờ chăm trông quế, nhiều người Dao ở Bắc Hà, Lào Cai có cuộc sống ổn định.

Thấy được hiệu quả kinh tế từ cây quế, gia đình anh mạnh dạn ươm thêm cây giống, đầu tư mở rộng diện tích trồng quế của gia đình, nâng tổng diện tích quế lên hơn hàng chục ha; trong đó, hơn 10ha đang cho thu hoạch.

"Với giá quế hiện tại, trên địa bàn xã không có cây trồng nào hiệu quả bằng cây quế bởi không như cây trồng khác, người nông dân có thể tận dụng được thân, lá, vỏ... từ quế để làm ra nhiều sản phẩm khác nhau", anh Quả khẳng định.

Anh Bàn Phúc  Nguyên  - Một hộ dân ở xã Bản Cái từng thuộc diện hộ nghèo của xã, cũng nhờ cây quế mà cuộc sống đổi thay.

Anh cho biết, mấy năm nay, năm nào cũng trồng thêm nên bây giờ không biết tổng diện tích quế của gia đình là bao nhiêu, chỉ biết tính bằng mấy quả đồi.

“Tiền quế bán được dùng  làm nhà, tiền cho con học hành, tiền phòng lúc đau ốm… tất cả từ cây quế mà ra. Lúc chưa có việc, tôi cũng để đấy không khai thác vì càng để càng có giá trị, coi như tiền tiết kiệm”, anh nói.

Đưa quế thành cây xóa đói giảm nghèo

Trò chuyện với nhiều hộ trồng quế ở Bản Cái, chúng tôi nhận thấy đang có sự thay đổi lớn không chỉ ở cách làm mà ngay cả trong tư duy của người dân.

Trước đây phải mướt mồ hôi vận động người dân nơi đây trồng rừng, ngay cả khi được Nhà nước hỗ trợ, người dân cũng không mặn mà, nhưng bây giờ bà con tự tìm nơi cung cấp giống có chất lượng, tự tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc và đặc biệt còn tự liên kết thành tổ hợp tác để làm ăn.

Phó Chủ tịch UBND xã Bản Cái - Sầm Phượng Long cho hay, Đảng ủy, UBND xã đã tổ chức nhiều cuộc họp vận động người dân trồng rừng và tập trung phát triển cây quế. Cuộc họp nào ở thôn, kể cả ngày hội đại đoàn kết, cán bộ xã cũng tranh thủ nói về hiệu quả kinh tế của cây quế, nhưng diện tích quế hằng năm không tăng thêm là bao.

“Chẳng có biện pháp tuyên truyền nào tốt hơn là để bà con nhìn thấy thực tế” - Phó Chủ tịch Sầm Phượng Long nghĩ thế và bắt tay vào làm.

Ngày ấy đường sá không thuận lợi như bây giờ, ông cùng một số cán bộ xã đã đi bộ gánh từng gánh cây quế giống từ vườn ươm ở xã Điện Quan (Bảo Yên) về phát cho các hộ có đồi rừng gần trung tâm xã trồng trước để người dân trong xã được tận mắt chứng kiến, tin rằng cây quế hoàn toàn phù hợp với đồi đất Bản Cái.

Bây giờ thì chẳng cần vận động, phong trào trồng quế đã lan rộng ra các thôn, những khoảnh đất trống dần thay thế bằng những mảng xanh.

Được biết hiện tại, toàn huyện Bắc Hà có 8.200ha quế, trồng mới năm 2019 được 400ha; trong đó, diện tích đến thời kỳ thu hoạch hơn 3.850ha. Giá trị thu được từ quế gồm vỏ, lá, hạt, gỗ quế….ước đạt 294 tỷ đồng.

Nguồn thu trên 200 tỷ đồng từ sản phẩm quế góp phần giúp Bắc Hà có 1.335 hộ thoát nghèo.

Năm nay, nguồn thu các sản phẩm từ quế tăng cao, Bắc Hà sẽ có thêm nhiều hộ nông dân thoát nghèo từ cây quế.

Nguyễn Liên
Ảnh: Anh Phương