Nhờ đó, những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang giúp người nông dân Bắc Giang thắng lớn khi năng suất tăng 5-7 lần, thu lợi nhuận cả tỷ đồng. 

Làm nông nghiệp công nghệ cao cho lợi nhuận khủng

Không còn trồng rau theo phương thức truyền thống, sau 4 năm chuyển đổi, HTX Rau sạch Yên Dũng mở rộng quy mô trồng rau an toàn lên 60ha với gần 100 lao động trực tiếp. Trong số này có 10ha được sản xuất theo mô hình nhà màng công nghệ cao.

Đặc biệt, mô hình trồng dưa lưới, dưa lê của HTX rau sạch Yên Dũng sản xuất 3 vụ/năm, năng suất trung bình 23-25 tấn/ha/vụ, doanh thu 920-1.000 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận 400-500 triệu đồng/ha/vụ. Sản phẩm được doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm để bán trong hệ thống siêu thị.

Năm nay, dù nông dân nhiều vùng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nông sản ế ẩm giá giảm mạnh, song sản phẩm của HTX này vẫn tiêu thụ tốt. Theo đó, trung bình mỗi tháng, HTX cung ứng ra thị trường hơn 600 tấn rau, củ, quả các loại, tổng doanh thu đạt 15 tỷ đồng, tăng 2,5 lần với cùng thời điểm này năm 2019. 

Cũng chọn cách làm nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất nông nghiệp nhà màng của HTX Nông nghiệp chất lượng cao Anh Thư phát huy hiệu quả. Theo đó, trung bình mỗi ngày HTX ký với các đối tác cung ứng khoảng 1 tấn rau, củ, quả, thu lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/năm.

{keywords}
Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân thu lợi nhuận vài trăm triệu đồng mỗi ha

Trao đổi với báo chí về hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bắc Giang, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao tái cơ cấu nông nghiệp, đến nay Bắc Giang đã huy động được hơn 593 tỷ đồng cho lĩnh vực này. 

Toàn tỉnh đã triển khai xây dựng 766 mô hình nông nghiệp công nghệ cao (trồng trọt 332 mô hình, chăn nuôi 200 mô hình, thủy sản 210 mô hình, lâm nghiệp 24 mô hình), có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, HTX theo chuỗi giá trị, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo tính toán, giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp năm 2020 của Bắc Giang ước đạt 110 triệu đồng bằng 133,8% so với năm 2016 (năm 2016 đạt 82,2 triệu đồng); giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích ứng dụng công nghệ cao bình quân từ 220-250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn từ 2-2,5 lần so với sản xuất truyền thống. Trong đó, mô hình sản xuất trong nhà lưới, nhà màng đạt từ 0,7-1,2 tỷ  đồng/ha/năm. 

Ông Khổng Minh Tùng - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Dũng (Bắc Giang) thừa nhận, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chất lượng các sản phẩm vượt trội, năng suất ổn định, giá trị tăng so với sản xuất đại trà 5-7 lần.

Trong khi đó, những mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đều cho thu nhập cao hơn sản xuất theo quy trình thông thường từ 20-30%.

Ưu tiên nguồn lực phát triển

Theo ông Lê Bá Thành, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia. Điển hình như chính sách hỗ trợ HTX, chủ trang trại, hộ gia đình đầu tư sản xuất rau và hoa ứng dụng công nghệ cao.

Ông dẫn chứng, các đối tượng khi tham gia nếu đảm bảo các điều kiện theo quy định sẽ hỗ trợ 300 triệu đồng/mô hình có quy mô từ 2.000m2 đến dưới 3.000m2; hỗ trợ 400 triệu đồng/mô hình có quy mô từ 3.000m2 đến dưới 5.000m2; hỗ trợ 500 triệu đồng/mô hình có quy mô từ 5.000m2 trở lên.

{keywords}
Bắc Giang đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo đó tạo nhiều chính sách ưu tiên, đặc biệt là chính sách hút doanh nghiệp vào tham gia liên kết

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, tự động hóa các khâu trong quá trình sản xuất; tập trung ứng dụng các tiến bộ về giống, công nghệ sạch, hữu cơ và các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt ưu tiên, hỗ trợ các loại hình kinh tế tập thể tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là HTX và tổ hợp tác nông nghiệp, ông Thành cho hay.

Ông Dương Thanh Tùng – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh đang có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.

Ví như, đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư trồng hoa, trồng rau tại nông thôn được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư nhưng không quá 02 tỷ đồng/dự án để đầu tư xây dựng giao thông, điện, hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống nhà lưới, nhà màng, nhà kính và các trang thiết bị đi kèm như tưới nước tiết kiệm, điều chỉnh nhiệt độ… trong hàng rào dự án. 

Doanh nghiệp có dự án đầu tư trồng các loại cây dược liệu tại nông thôn được hỗ trợ 50% chi phí cây giống mùa vụ đầu tiên, nhưng tối đa không quá 01 tỷ đồng/dự án…

Theo ông Tùng, doanh nghiệp luôn giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt; hỗ trợ phát triển các HTX áp dụng quy trình sản xuất có chứng nhận, ứng dụng công nghệ cao, liên kết với doanh nghiệp; khuyến khích hỗ trợ, hình thành các tổ hợp tác, trang trại liên kết với doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, coi đây là tiền đề phát triển sản xuất quy mô lớn thay thế sản xuất nhỏ lẻ hiện nay.

Hải Băng