Trên tinh thần đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã thống nhất đề ra 3 khâu đột phá, gồm: đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn.

Và 16 chỉ tiêu, gồm: phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt từ 6,5-7%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 70,4-72,2 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư xã hội đạt từ 164.600-176.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 5.285 triệu USD; thu ngân sách từ kinh tế địa bàn đạt 41.303 tỷ đồng. Đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt 43%; 55% trường học đạt chuẩn quốc gia; 73% lao động qua đào tạo; hộ nghèo đa chiều giảm bình quân từ 1-1,2%/năm; 95% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 75-80% xã đạt chuẩn nông thôn mới, từ 30-35 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, phấn đấu có thêm 2 huyện đạt huyện nông thôn mới và 1 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao...

Khai thác lợi thế, tiềm năng, tạo động lực mới phát triển kinh tế

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, một trong việc An Giang xác định cần làm ngay là đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó tập trung chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

{keywords}
Một góc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Ảnh Mạnh Hưng

Quan điểm phát triển của tỉnh khẳng định nông nghiệp tiếp tục là nền tảng của nền kinh tế, lĩnh vực dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực cho phát triển; đồng thời, thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển dịch hợp lý từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ; tăng chất lượng, giá trị lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và du lịch; nâng cao trình độ sản xuất - kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các chủ thể kinh tế; chú trọng phát triển các ngành nghề vừa tăng thu nhập của người dân, vừa tạo nguồn thu ngân sách.

Tăng cường tuyền truyền, nâng cao nhận thức nông dân chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp, gắn sản xuất với thị trường, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh cao hơn.

Đồng thời, chú trọng phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, nòng cốt là hợp tác xã, hình thành các vùng chuyên canh, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh; nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù tạo đột phá thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, du lịch và đô thị. Theo đó, xây dựng các chính sách đòn bẩy để thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực cho phát triển, tập trung vào các ngành kinh tế mũi nhọn. Huy động nguồn lực đầu tư những công trình giao thông trọng điểm phục vụ phát triển KTXH, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Tập trung phát triển đồng bộ, liên hoàn hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy kết nối các điểm dân cư tập trung, các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, các khu công nghiệp, khu du lịch… Đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa thành thị và nông thôn; xây dựng kế hoạch, lộ trình nâng cấp, phát triển các đô thị trung tâm, khu đô thị mới theo đúng quy hoạch; phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 43%.

Để có hướng đi vững chắc, bài bản, tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh một cách thực chất, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện hiệu quả giải pháp đã đề ra. Khuyến khích đổi mới, sáng tạo, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ đẩy mạnh khởi nghiệp doanh nghiệp. Phát huy tiềm lực khoa học - công nghệ, tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tập trung phát triển một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế.

An Giang phấn đấu đến năm 2025 kinh tế thuộc nhóm đầu khu vực ĐBSCL, tăng trưởng kinh tế của bằng mức trung bình cả nước.

Phát triển hài hòa văn hóa - xã hội

An Giang là tỉnh có dân số đông nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long và là tỉnh đông dân thứ 8 trong cả nước, do đó, cùng với tập trung phát triển kinh tế, An Giang cũng quan tâm phát triển hài hòa về văn hóa - xã hội, xây dựng văn hóa, hệ giá trị và chuẩn mực con người An Giang trong thời kỳ mới, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

Phát huy ý chí, khát vọng vươn lên, An Giang cũng dành ưu tiên, ập trung đầu tư mạng lưới trường lớp theo quy hoạch được duyệt, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học, nâng tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025 đạt 55%; hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. 

{keywords}
Tịnh Biên có hệ thống hạ tầng giao thông rất khang trang

Với lĩnh vực y tế, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 11 bác sĩ/1 vạn dân, 28 giường bệnh/1 vạn dân, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%. An Giang tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư cho y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở. Bên cạnh đó, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển y tế ngoài công lập, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập tại các cơ sở y tế công lập, thu hút hiệu quả nguồn nhân lực y tế…

Cùng với tiếp tục triển khai, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, An Giang sẽ ban hành các cơ chế, chính sách, đề án, dự án tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển lĩnh vực văn hóa, thông tin, tuyên truyền và thể dục - thể thao.

Chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện

Song song với các chương trình hành động phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, An Giang xác định tầm quan trọng của việc tiếp tục duy trì xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Trong đó, tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các loại hình tổ chức cơ sở Đảng. Xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, gần dân, có trách nhiệm với dân, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, có ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ, có khát vọng vươn lên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần vào sự phát triển của ngành, địa phương. Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng. Tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị…

Kế thừa và phát huy những thành quả tốt đẹp của nhiệm kỳ qua, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cùng sự phấn đấu nỗ lực không ngừng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, tôi tin rằng, nhiệm kỳ 2020-2025, An Giang sẽ nắm bắt, vận dụng tốt những thời cơ, vận hội, vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra, đưa An Giang phát triển nhanh và bền vững.

Thúy Nga