Xin chào bác sĩ, ung thư phổi di căn não có tiên lượng như thế nào? Vì sao người thân của tôi không hút thuốc nhưng vẫn bị bệnh này? (Lê Hữu Hải - Hải Phòng)

Bác sĩ Nguyễn Minh Đức - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM trả lời:

Di căn trong ung thư đã là tiên lượng xấu, đặc biệt di căn não lại càng nguy hiểm hơn. Não bộ có một hàng rào máu não rất chặt chẽ ngăn cản các tế bào lạ xâm nhập. Nếu tế bào ung thư vượt được hàng rào này, việc điều trị rất khó khăn và phức tạp.

Thông thường, các tế bào ung thư có hai cách vượt hàng rào máu não: cắt ngang tế bào hoặc cắt ngang cầu gian bào vào não. Ung thư phổi là nguyên nhân gây ra di căn não đứng đầu trong các loại ung thư. 

Khi ung thư di căn lên não, người bệnh có các biểu hiện như giảm sự chú ý, suy luận kém, giảm trí nhớ, thay đổi tâm trạng, rối loạn hành vi, ngôn ngữ, thăng bằng, cơ thể đột nhiên yếu liệt bất thường, nôn ói, co giật, động kinh, đau đầu kéo dài và tăng dần. 
 

ung thu phoi.png
Ung thư phổi di căn não là nguy hiểm nhất. Ảnh: Freepik

Các biện pháp điều trị hiệu quả bao gồm xạ trị hoặc phẫu thuật. Miễn dịch trị liệu và thuốc đích cần cân nhắc tùy trường hợp cụ thể.

Ung thư phổi có liên quan mật thiết với hút thuốc lá chủ động và thụ động. Người nhà bạn không hút thuốc vẫn có thể mắc loại ung thư này do nhiều tác nhân khác. Trong đó, bụi mịn PM 2.5 là tác nhân liên quan 4% số ca ung thư phổi. Việt Nam có mức độ không khí bị ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 rất nghiêm trọng. Bụi mịn có thể xâm nhập sâu vào phế nang gây ra các bệnh lý về phổi nếu tích tụ nhiều và kéo dài.

Để phòng bệnh, bạn cần đeo khẩu trang khi quét nhà hoặc dùng máy hút bụi. Ở nông thôn, không quét lá và gom lá lại một chỗ để đốt. Bỏ thêm đồ nhựa, rác vào đốt cũng rất nguy hiểm cho sức khỏe. Nếu dùng bếp than, bếp củi, không dùng quạt thổi làm tro bụi bay, bạn sẽ hít phải nhiều bụi mịn. 

Công nhân làm trong ngành giao thông vận tải, xây dựng đường, sản xuất xi măng, gạch, thiết bị xây dựng, đồ nội thất, luyện kim, dệt may, thủy tinh cần sử dụng khẩu trang chuyên dụng. 

Theo số liệu thống kê, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, năm 2020, tỷ lệ mắc ung thư phổi xếp thứ 2 với 26.262 ca mắc mới chiếm 14,4%, và 23.797 ca tử vong vì căn bệnh này. Trong khi đó, bệnh nhân ung thư phát hiện và đến điều trị sớm chiếm khoảng 30%, còn lại đều ở giai đoạn muộn, di căn não, di căn xương.