Thái Lan là quốc gia có cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập đông đảo. Song song với phát triển kinh tế, kiều bào không ngừng nỗ lực gắn kết cộng đồng và đóng góp cho Tổ quốc bằng nhiều hình thức. 

Đến nay, cộng đồng người Việt tại Thái Lan đã có thế hệ thứ 4, thứ 5. Việc giữ gìn, tôn vinh và phát triển ngôn ngữ, bản sắc văn hóa dân tộc luôn được bà con kiều bào chú trọng, coi đó là sợi dây kết nối với Tổ quốc.

Cùng với sự giúp đỡ của Đại sứ quán, các tổ chức, hội đoàn Việt kiều có nhiều cố gắng trong công tác lưu truyền tiếng Việt như: tổ chức các lớp học tiếng Việt miễn phí tại các địa phương hay tổ chức các cuộc thi văn nghệ, giao lưu trong cộng đồng người Việt…

Thế hệ trẻ sinh ra, lớn lên tại đây dù nói tiếng Thái, học tập ở trường Thái nhưng luôn tự hào về dòng máu Việt Nam, quan tâm và thích học tiếng Việt. 

thai-lan.webp
Một lớp dạy tiếng Việt cho kiều bào ở Thái Lan. 

Nhờ đó, tiếng Việt ngày càng trở nên phổ biến tại đất nước này. Nhiều trường đại học và trung học của Thái Lan đã trao đổi học thuật với Việt Nam, riêng khu vực Đông Bắc Thái Lan hiện có hơn 30 trường dạy tiếng Việt. Trong đó, Trung tâm Việt Nam học tại Đại học Udon Thani Rajabhat là nơi cung cấp thông tin về ngôn ngữ, xã hội và con người Việt Nam đến với công chúng Thái Lan.

Trong bối cảnh kết nối kinh tế giữa Thái Lan và Việt Nam phát triển ở mọi cấp độ, các hoạt động dạy và học tiếng Việt tại Thái Lan ngày càng quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển hợp tác giữa hai quốc gia trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả kinh tế, xã hội và văn hóa.

Đầu tháng 11 năm ngoái, Đại học Hoàng gia Udon Thani tại tỉnh Udon Thani ở Đông Bắc Thái Lan đã chính thức ra mắt Trung tâm Việt Nam học. Đây là cơ sở phối hợp nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu về Việt Nam, cung cấp dữ liệu, kiến thức đa chiều về Việt Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy sự hiểu biết và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước Thái Lan và Việt Nam.

Sự kiện này đánh dấu thành quả hợp tác giáo dục mà hai bên đã xây dựng suốt mấy thập kỷ qua. Có thể nói, Đại học Hoàng gia Udon Thani là cánh chim đầu đàn trong hợp tác giáo dục hai bên, là tấm gương cho các trường đại học tại Thái Lan trong việc đào tạo ngành Việt Nam học.

Đây sẽ là nguồn tri thức hàn lâm, là cơ sở sáng tạo và phát triển tri thức về Việt Nam trên các lĩnh vực, như: kinh tế, xã hội, chính trị, lịch sử và văn hóa. Bên cạnh đó, bồi đắp dữ liệu, kiến thức về Việt Nam có chất lượng, phục vụ các cơ quan Chính phủ và tư nhân của Thái Lan, nhằm thúc đẩy quan hệ Thái Lan - Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã gửi tặng nhà trường hàng chục đầu sách báo, ấn phẩm tiếng Việt để phục vụ hoạt động của Trung tâm Việt Nam học. Các tài liệu được lựa chọn phong phú về chủng loại và nội dung, từ giáo trình dạy tiếng Việt, sách nghiên cứu, cho đến tạp chí, báo ảnh...

Điều này thể hiện sự quan tâm và đồng hành của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đối với Trung tâm Việt Nam học, cũng như các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy về Việt Nam tại trường. Hy vọng, Trung tâm sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các cơ sở giáo dục của Việt Nam, đáp ứng các nhu cầu dạy và học các môn thuộc ngành Việt Nam học.

Một địa điểm khác đã và đang gìn giữ, phát huy và lan tỏa những nét đẹp văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế tại Thái Lan, thu hút đông bà con kiều bào tham gia là Trung tâm Ngôn ngữ và Kiến thức Việt do chị Đỗ Thúy Hà, giảng viên tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, Bộ môn Ngôn ngữ Phương Đông, Khoa Ngữ văn của trường Đại học Chulalongkorn sáng lập.

Bên cạnh các lớp học do Đại sứ quán Việt Nam, trường đại học ở Thái Lan tổ chức, nhiều cơ sở, hội đoàn, các ngôi chùa Việt Nam trên đất Thái cũng là nơi truyền tải giá trị văn hóa, tiếng mẹ đẻ đến các em nhỏ người Việt Nam. 

Hàng năm, cộng đồng kiều bào Thái Lan cử đại diện về Việt Nam tham dự khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho các giáo viên không chuyên dạy tiếng Việt tại các cơ sở trên toàn Thái Lan. Lớp tập huấn không chỉ giúp các giáo viên nâng cao kỹ năng giảng dạy còn giúp họ có cơ hội giao lưu, chia sẻ phương pháp dạy tiếng Việt một cách tốt hơn. 

Theo ông Lương Xuân Hòa, Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Udon Thani và là Phó chủ tịch Hội người Việt Nam toàn Thái Lan, hiện có 25 chùa và 6 nhà thờ Việt Nam trên lãnh thổ Thái Lan. Các chùa này có nguồn gốc từ Việt Nam, tên chùa đọc theo tiếng Việt, tụng kinh theo Phật giáo Việt Nam. Trong đó, chùa Khánh An ở tỉnh Udon Thani là địa điểm sinh hoạt văn hóa thường xuyên của cộng đồng người Việt Nam tại địa phương.

Năm 2017, ông Hòa cùng bà còn kiều bào xin phép trụ trì chùa Khánh An xây dựng dãy nhà bên trong chùa làm nơi sinh hoạt, đồng thời mở lớp dạy tiếng Việt cho bà con kiều bào. "Tôi với bà con kiều bào luôn trăn trở việc phải mở lớp học để con cháu mình biết tiếng Việt. Nếu không giữ tiếng Việt, lớn lên các con sẽ bị mất gốc, quên mất nguồn cội", ông Hòa chia sẻ.

Hiện chùa Khánh An có 8 lớp học với khoảng 100 học viên, độ tuổi từ 6 - 60 tuổi, bao gồm cả nhà sư. Việc dạy tiếng Việt hoàn toàn miễn phí, giáo viên cũng không nhận lương. 

Sau hơn 7 năm phát triển, lớp dạy tiếng Việt ở chùa An Khánh đã và đang đóng góp vào sự phát triển, lán tỏa tiếng Việt của cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan, nhân lên tình yêu Tổ quốc trong lòng thế hệ kiều bào trẻ, từ đó có thêm nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước trong tương lai. 

Quỳnh Nga