Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để triển khai hiệu quả công tác truyền thông chính sách BHXH, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28 ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH, Quyết định số 1676 ngày 21/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới toàn diện, nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền BHXH…

Nhiều hoạt động truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội đã được mạng lưới Bưu điện Việt Nam phối hợp triển khai cùng cơ quan bảo hiểm xã hội. Ảnh: Quốc Bảo

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, đã có khoảng 47.200 tin, bài, phóng sự (trung bình có hơn 86 tin, bài/ngày) tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cùng với đó, các cơ quan liên quan đã phối hợp tổ chức trên 57.000 hội nghị truyền thông, tư vấn, đối thoại, tập huấn..., với 2,22 triệu lượt người tham dự (trong đó, có gần 44.000 hội nghị truyền thông phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình); Khoảng 197.400 cuộc truyền thông nhóm nhỏ với khoảng 1,4 triệu lượt người được truyền thông.

Ngoài ra còn có trên 1,6 triệu lượt phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở; khoảng 1.700 cuộc ra quân quy mô cấp tỉnh, huyện. 

Nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông chính sách BHXH tiếp tục được đổi mới theo hướng đảm bảo thiết thực, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tâm lý từng nhóm dân cư, người lao động; kết hợp giữa hình thức truyền thông trực tiếp và trực tuyến; chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên môi trường Internet…

Toàn ngành BHXH đã và đang tiếp tục tăng cường thông tin về chính sách BHXH trên Cổng thông tin điện tử, các kênh truyền thông mạng xã hội (Fanpage Facebook, Zalo OA) của BHXH Việt Nam, Tạp chí BHXH…

Công tác truyền thông đã góp phần tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện chính sách BHXH; giúp các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân hiểu đúng, đầy đủ hơn về chính sách BHXH, để các chính sách thực sự đi vào cuộc sống.

Năm 2022, dù tình hình kinh tế - xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn, ngành BHXH Việt Nam vẫn hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao: Số người tham gia BHXH là 17,5 triệu người, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt chỉ tiêu được Chính phủ giao; số người tham gia BHYT là 91,074 triệu người, đạt 94,04% dân số, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Để có được kết quả đáng khích lệ nêu trên, có một phần đóng góp không nhỏ của công tác truyền thông chính sách.

Nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả công tác truyền thông chính sách trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu BHXH và BHYT toàn dân, BHXH Việt Nam cho biết, toàn ngành sẽ tiếp tục chủ động, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai hiệu quả các hoạt truyền thông chính sách BHXH gắn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đặc thù văn hóa, con người của từng địa phương; Đa dạng hóa các hình thức truyền thông chính sách BHXH, trên môi trường Internet, mạng xã hội; Tiếp tục thực hiện sản xuất các sản phẩm truyền thông chính sách BHXH bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với nhận thức của người dân...