Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua đã phát triển mạnh mẽ, tăng nhanh về số lượng, có mặt ở trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tiếng Việt không chỉ đơn thuần là ngôn ngữ mà còn là văn hóa, bản sắc, là công cụ để truyền tải văn hóa, tri thức, truyền thống trong cộng đồng. Vì vậy, nhu cầu kết nối, duy trì tiếng mẹ đẻ là vô cùng cấp thiết, là ưu tiên trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài. 

Ngày 26/3/2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ-TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó chỉ rõ, một trong những nhiệm vụ cơ bản là: “Tích cực đầu tư cho chương trình dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là cho thế hệ trẻ. Xây dựng và hoàn chỉnh sách giáo khoa tiếng Việt cho kiều bào, cải tiến các chương trình dạy tiếng Việt trên vô tuyến truyền hình, đài phát thanh và qua mạng Internet. Cử giáo viên dạy tiếng Việt tới những nơi có thể để giúp bà con học tiếng Việt. Tổ chức trại hè nói tiếng Việt cho thanh, thiếu niên người Việt Nam ở nước ngoài”.

Ngày 06/01/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” (Đề án 14), trong đó giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện Quyết định 14; phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan liên quan đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kịp thời đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cần thiết để triển khai thực hiện Đề án đạt hiệu quả.

z4927484844003676cc9215c24f87db1c04374690fe7b7-1.jpg
Tích cực đầu tư chương trình dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là cho thế hệ trẻ. 

Thực hiện chỉ đạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ban ngành và các cơ quan liên quan đã ban hành kế hoạch về việc thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” hoặc lồng ghép gắn liền với việc thực hiện các nghị quyết, quyết định quan trọng. Riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 9 văn bản quy phạm pháp luật và kế hoạch phối hợp liên quan đến việc thực hiện Đề án 14.

Ngày 29/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án “Nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Dự Hội nghị có Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài; Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Hoàng Đức Minh; đại diện các Bộ: Giáo dục và Đào tạo; Ngoại giao; Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Cùng dự còn có các chuyên gia trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ hoặc là ngôn ngữ thứ 2 và kiều bào tham dự hội thảo trực tuyến tại các điểm cầu châu Á, châu Úc và châu Âu.

Thời gian qua, các hoạt động tuyên truyền về việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài bước đầu đã thực hiện tích cực thông qua các hoạt động, bài viết, sản phẩm thông tin đối ngoại của các cơ quan báo chí và truyền thông.

Kết quả Cuộc thi “Biên soạn sách dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” đã lựa chọn được những cuốn sách học tiếng Việt căn bản, hiện đại, dễ hiểu, phù hợp nhất với người học góp phần vào việc bảo tồn, lan tỏa tiếng Việt, văn hóa Việt thông qua giáo dục ngôn ngữ, các kênh đào tạo tiếng Việt mà nguồn học liệu bước đầu này đã đáp ứng được.

Năm 2016 và năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo tổ chức biên soạn, biên tập, thiết kế chế bản, in và phát hành hai bộ sách “Tiếng Việt vui” và “Quê Việt”. Hiện nay, hai bộ sách đã được số hóa, đưa lên mạng để khai thác sử dụng miễn phí.

Năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn bộ sách học song ngữ Việt - Anh bậc 1, 2 cho trẻ em người Việt Nam ở nước ngoài.

20230817-090605-1.jpg
Các đại biểu tham dự Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023.

Trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ đều nhấn mạnh công tác bảo tồn tiếng Việt, coi trọng việc hỗ trợ công tác giảng dạy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. 

Việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên tình nguyện dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài được duy trì và bước đầu tạo chuyển biến trong việc nâng cao hiệu quả phong trào dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. Từ năm 2015 đến năm 2023 là 622 người. Riêng Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài năm 20230 có hơn 60 đại biểu trở về từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức bồi dưỡng giáo viên tình nguyện; cử giảng viên, chuyên gia dạy tiếng Việt trong nước sang giảng dạy và bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên ở nước sở tại. Phối hợp với các đài phát thanh, truyền hình tăng cường các khóa học tiếng Việt, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Việt từ xa, trực tuyến. Thiết kế tài liệu hướng dẫn cho giáo viên và phụ huynh nhằm hỗ trợ khả năng dẫn dắt người dạy.

Hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế quy định cụ thể hướng dẫn thực hiện đảm bảo chất lượng trong đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ năng lực giảng dạy cho giáo viên dạy tiếng Việt. Đảm bảo tính chuẩn mực và linh hoạt của hệ thống học liệu, tài liệu giảng dạy (theo chương trình tiếng Việt 6 bậc, sách biên soạn cần được chú thích cách dùng từ của hai miền và có sách dành riêng cho giáo viên...). Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp xúc tiến mạng lưới cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập, trong và ngoài nước tham gia hoạt động này đảm bảo chất lượng chuyên môn và phong phú về hình thức tổ chức hoạt động.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai các nội dung liên quan đến dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thông qua triển khai Kế hoạch thực hiện Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan khác.

Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục thúc đẩy các hoạt động thông tin đối ngoại cho người Việt Nam ở nước ngoài bao gồm tuyên truyền quảng bá hoạt động dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài trên các kênh truyền thông đối ngoại.

Quỳnh Nga