Thực trạng truyền thông chính sách kinh tế

Truyền thông chính sách trong lĩnh vực kinh tế là một phần nội dung truyền thông chính sách nói chung, đề cập tới việc truyền thông về cơ chế, chính sách kinh tế của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương.

Công tác truyền thông chính sách kinh tế đã có tiến bộ rất lớn trong thời gian gần đây, song vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Liên quan tới câu chuyện này, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư dẫn kết quả khảo sát báo chí, truyền thông về truyền thông chính sách kinh tế tại Việt Nam năm 2023 của Thạc sĩ Đinh Quỳnh Anh (Báo Nhân dân) đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị (khảo sát 4 tờ báo gồm: Báo Nhân Dân điện tử - https://nhandan.vn/, Báo Chính phủ điện tử - https://baochinhphu.vn/, Báo điện tử VnExpress - https://vnexpress.net/ và Báo Tuổi trẻ điện tử - https://tuoitre.vn).

Theo khảo sát, nội dung thông tin về chính sách kinh tế chưa thật sự thu hút sự quan tâm của độc giả. Nhiều thông tin chính sách trên báo đưa nguyên văn nội dung văn bản, quyết định, nghị định. Có một số phóng viên chưa chọn được vấn đề, nội dung cốt lõi của chính sách để tuyên truyền đến công chúng. Nhiều bài viết còn quá dài, không hấp dẫn, thu hút người đọc.

Với góc nhìn của “người trong cuộc”, ông Minh chia sẻ thêm thông tin thực tiễn tại Báo Đầu tư: Việc tuyên truyền chính sách kinh tế là nội dung khó bởi sử dụng nhiều ngôn ngữ chuyên ngành, đòi hỏi người viết phải am hiểu kiến thức kinh tế, có nghiệp vụ báo chí tốt để chuyển tải các nội dung phức tạp thành ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu với quảng đại bạn đọc. Việc đặt bài viết theo chủ đề từ các chuyên gia độc lập phụ thuộc rất nhiều vào mức độ chi trả, uy tín thương hiệu của tờ báo.

Chất lượng thực hiện tuyên truyền chính sách kinh tế còn hạn chế. Để phân tích sâu một vấn đề kinh tế trong bất kỳ lĩnh vực nào, người viết cần có đầy đủ tư liệu gồm số liệu, nội dung văn bản, phỏng vấn các chuyên gia am hiểu pháp luật về kinh tế chuyên ngành. 

anh 9.jpg
Phóng viên rất khó tiếp cận các lãnh đạo hoặc chuyên viên hành chính của cơ quan ban hành chính sách. Ảnh: B.M

Phóng viên rất khó tiếp cận các lãnh đạo hoặc chuyên viên hành chính của cơ quan ban hành liên quan, thường phải gửi văn bản đề nghị trả lời, thời gian trả lời nhiều khi quá dài không đáp ứng được tính cấp thiết của thông tin. Điều này khiến cơ quan soạn thảo chính sách “mất đi” một cơ hội định hướng truyền thông đi trước. Nhiều nội dung trả lời báo chí lại chỉ chung chung, viện dẫn các văn bản pháp luật hoặc nội dung chỉ đạo khác của lãnh đạo cao hơn, không đạt yêu cầu trở thành chất liệu báo chí để phóng viên khai thác trong bài viết.

Nội dung truyền thông chính sách kinh tế có độ lệch lớn theo ngành. Các chính sách liên quan tới bất động sản, hạ tầng giao thông, chứng khoán, thị trường hàng hóa tiêu dùng, tiền tệ - lãi suất… có đông bạn đọc quan tâm sẽ là các chủ đề được ưu tiên thực hiện. Còn các vấn đề kinh tế khác như nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế vùng khó khăn, đầu tư cho văn hóa, nghiên cứu khoa học…, nhất là các chính sách kinh tế mới và có độ phức tạp như mua bán – sáp nhập, logistic, thương mại đa biên… thì có mật độ thông tin ít hơn nhiều (các báo chính trị - xã hội ít khi có tin bài trừ khi có các vấn đề nổi lên thu hút sự quan tâm của dư luận như vụ án, tình hình buôn lâu, biến động mạnh về giá cả thị trường...).

Một số đề xuất từ “người trong cuộc”

Để nâng cao chất lượng truyền thông chính sách kinh tế, Tổng Biên tập Báo Đầu tư đề xuất một số giải pháp.

Cụ thể, các cơ quan ban hành chính sách cần mở rộng phạm vi đặt hàng tuyên truyền hơn so với hiện nay, ưu tiên các báo chuyên ngành kinh tế là những cơ quan báo chí có đúng đối tượng bạn đọc quan tâm.

Đơn giá và thủ tục đặt hàng cần nghiên cứu theo hướng đơn giản, dễ nghiệm thu quyết toán, và đủ chi phí để các cơ quan báo chí tổ chức các nội dung tuyên truyền chất lượng, thay vì đủ số lượng tin/bài. Đơn giá phải có sự khác biệt giữa các tuyến bài về nội dung khó thực hiện như tác nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, các vấn đề mới, phức tạp cần có thời gian tìm tư liệu, nghiên cứu, phỏng vấn nhiều chiều.

Mặt khác, cơ quan ban hành chính sách cần đa dạng hơn hình thức tổ chức truyền thông, ngoài các hình thức truyền thống như họp báo, hội thảo, tọa đàm, cần tổ chức nhiều hơn các chiến dịch truyền thông trọng điểm hàng năm như tổ chức các cuộc thi viết với giải thưởng và sự tôn vinh phù hợp, tổ chức các chương trình thực tế cho các phóng viên,… để có chất liệu và động lực cho các cơ quan báo chí cử nhân sự tham gia.

Đồng thời, cơ quan soạn thảo và ban hành chính sách kinh tế cần có cơ chế phản hồi thông tin báo chí nhanh hơn quy định và chất lượng giải trình phải đảm bảo có thể là tư liệu chất lượng cho báo chí khai thác; có cơ chế hợp tác, giao các cơ quan trực thuộc, cử lãnh đạo và chuyên viên phụ trách tham dự thường xuyên các hội thảo, tọa đàm, đối thoại… do cơ quan báo chí tổ chức.