Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định “Chương trình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch” là một trong 4 chương trình trọng điểm trong nhiệm kỳ.

Để thực hiện công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc trong trường học đạt hiệu quả, tỉnh Lai Châu đã chú trọng xây dựng và thành lập các CLB Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong các trường học. 

Để duy trì hiệu quả việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc, nhiều trường đã có những cách làm hay, sáng tạo như hoạt động giữa giờ chung với các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian các dân tộc cho các em học sinh... (Ảnh: Nguyễn Ngọc).

Theo báo cáo của tỉnh Lai Châu, sau gần 2 năm triển khai, đến nay, việc xây dựng và thành lập CLB Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong trường học bước đầu đã hoạt động hiệu quả, đảm bảo tính giáo dục cao phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi tại các trường phổ thông.

Nhiều đơn vị đã có những cách làm hay, sáng tạo. Tiêu biểu như huyện Than Uyên đã chỉ đạo 100% trường học tổ chức 1 buổi hoạt động giữa giờ chung với các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian các dân tộc cho các em học sinh, tạo mã quét QR để giới thiệu các thông tin về các sản phẩm trưng bày trong không gian văn hóa của nhà trường....

Hay tại Trường Phổ thông dân tộc Nội trú tỉnh Lai Châu cũng đã phục dựng lễ hội truyền thống của một số dân tộc, tổ chức các hội thi ẩm thực giới thiệu về các món ăn truyền thống của các dân tộc, thi vẽ tranh, thêu các họa tiết đặc trưng các dân tộc trên các sản phẩm khăn, túi...

Năm học 2022-2023, Trường THCS San Thàng (TP Lai Châu) cũng đã tổ chức CLB giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Giáy với 56 thành viên là cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Từ đó hình thành và phát triển ở học sinh các kỹ năng tiếp cận, khai thác tri thức và vốn văn hoá truyền thống của địa phương để tiếp thu, học hỏi, vận dụng trong thực tiễn.

Qua các hoạt động của CLB đã bồi dưỡng ý thức dân tộc, nâng cao thái độ trân trọng di sản văn hoá và trách nhiệm với sự phát triển của cộng đồng tại địa phương; hình thành ở học sinh những tình cảm trong sáng, cao đẹp. 

Còn tại huyện Mường Tè đã thực hiện hiệu quả hoạt động biên dịch từ tiếng phổ thông sang tiếng DTTS và từ tiếng DTTS sang tiếng phổ thông với một số loại hình văn hóa dân gian và sáng tạo trong hoạt động của câu lạc bộ...

Nhằm góp công trong việc bảo tồn và phát triển tốt văn hóa các dân tộc trong huyện, nâng cao chất lượng giáo dục gắn nội dung kiến thức với thực tiễn địa phương; đảm bảo thực hiện hiệu quả việc đổi mới chương trình giáo dục hiện nay, ngay từ đầu năm học 2022 - 2023, Trường Mầm non xã Tà Hừa (huyện Than Uyên) đã xây dựng không gian bảo tồn văn hoá và trưng bày các hiện vật của 3 dân tộc sống trên địa bàn xã đó là dân tộc Mông, Thái và Khơ Mú. Với 52 hiện vật được sưu tầm và trưng bày là những đồ vật nguyên gốc, có ý nghĩa thiết thực.

Ngoài ra, để người quan sát có thể tìm hiểu sâu hơn về nội dung, nhà trường đã tạo 52 mã QR trên 52 hiện vật nhằm giúp người xem nắm bắt các thông tin và truy xét nguồn gốc như: Tên sản phẩm, dân tộc, nguyên liệu, cách làm, cách sử dụng, thời điểm sử dụng, lưu ý khi sử dụng... 

Tất cả nội dung từng sản phẩm đều được nhà trường thực hiện trên trang website của đơn vị trường có bản quyền riêng biệt trên trang không trùng thông tin sản phẩm có trước.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Thanh Hải, sau gần 2 năm triển khai, có thể khẳng định việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp các dân tộc trong trường học là một chủ trương đúng đắn và phát huy hiệu quả. 

Thời gian tới, để tiếp tục triển khai hiệu quả các CLB Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong trường học, ông Tống Thanh Hải, cho rằng, ngoài việc nhận thức thì phải tạo được môi trường để bảo tồn và phát huy hiệu quả chính là môi trường từ các CLB, từ các cuộc thi, các lễ hội, có sự khen thưởng, vinh danh. 

Nhất là phát huy vai trò của các nghệ nhân, những người nắm giữ những di sản văn hoá, truyền thống tốt đẹp, là bảo tàng sống để khai thác, gìn giữ, trao truyền cho thế hệ sau; đồng thời rà soát, công nhận và động viên các nghệ nhân.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 20 dân tộc cùng chung sống, trong đó có Thái, Giáy, Lào, Lự, Mảng, Kháng, Khơ mú, Mông, Dao, Hà Nhì, La Hủ, Cống, Si La. Mỗi dân tộc đều có truyền thống, bản sắc văn hóa riêng và cùng góp phần làm phong phú cho văn hóa các dân tộc của tỉnh Lai Châu.

Hải Yến