Lời xin lỗi của đích thân Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch tới du khách người Úc về hành vi chặt chém kia đương nhiên sẽ được đón nhận, nhưng với họ ắt hẳn đó sẽ là một chuyện khó quên.

Không chỉ thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã và đang cố gắng trở thành một điểm đến hấp dẫn mới ở Châu Á. Du lịch là ngành công nghiệp không khói đầy tiềm năng, hẳn nhiên rồi, nhất là ở những xứ sở còn hoang sơ đang phải tìm kiếm con đường tắt để bắt kịp mặt bằng phát triển của thế giới. Dường như nỗ lực này trong những năm qua đã có những bước tiến nhất định, thể hiện ở con số 6,8 triệu du khách quốc tế trong năm 2012.

Sự cố gắng đó còn thể hiện ở nhiều hoạt động hàm chứa sự sáng tạo, ví dụ như đề cử Đại sứ Du lịch hoặc lựa chọn quốc hoa, một hoạt động tuy không trực tiếp liên quan tới thu hút du lịch, nhưng chắc chắn có tác động không nhỏ tới việc tạo hình ảnh và đặc trưng văn hóa.

Cần bao nhiêu triệu Đại sứ du lịch?

Trong một lần công tác tại Thái Lan, tác giả bài viết ngơ ngác vác bản đồ dò đường trên một con phố sầm uất của Bangkok. Một chiếc taxi trờ tới, tài xế bước ra chào bằng giọng tiếng Anh bồi: Bạn có cần giúp gì không? Sau khi được biết nhu cầu của người du khách muốn đi bộ tới chợ đêm, tài xế vui vẻ chỉ đường rồi lên xe đi tiếp, để lại sự ngạc nhiên to tướng trên vỉa hè. Mất khoảng 5 phút thì anh chàng người Việt mới hiểu ra có thể tay tài xế muốn mời khách đi taxi, nhưng khi phát hiện ra du khách muốn đi bộ và muốn hỏi đường thì automatic chuyển sang chế độ tua-gai (tour guide).

Chế độ đối đãi khá đặc biệt với du khách không chỉ dừng ở đó. Có vị khách đi thăm một dịch vụ đặc trưng bậc nhất của Thái Lan - sex show, còn kể lại rằng khi muốn bỏ dở buổi "trình diễn" vì cảm thấy chán ngán, vị khách đó còn dám cự nự với đám bảo vệ mặt mũi bặm trợn để ...đòi lại tiền. Đáng ngạc nhiên, vị khách "cùn" hết biết này không bị "xin tí tiết" nào, mà được nhận lại một nửa số tiền vào cửa.

Những chuyện như thế không hề hiếm, và đó là một trong những lý do Thái Lan là một trong những lựa chọn hàng đầu của các gia đình Việt khi muốn đi du lịch nước ngoài cự ly gần. Không biết công nghệ tuyên truyền vận động của người Thái tinh vi hay bao phủ rộng khắp tới mức nào, nhưng rõ ràng, những câu chuyện nhỏ nhặt trên đường phố như thế đã giúp cho họ có được danh hiệu "đất nước của những nụ cười". Một danh hiệu không để làm điệu.

Trong khi đó, liên tiếp gần đây là những tin tức đáng ngại về cách đối xử với du khách nước ngoài tại Việt Nam. Hết cướp điện thoại tại Sài Gòn tới liên tục xảy ra các vụ chặt chém, lừa đảo tại Hà Nội.

Vừa hôm trước 3 du khách Pháp đến sân bay Nội Bài bị tài xế taxi và nhân viên khách sạn trên phố cổ cấu kết lừa đảo, đe dọa tính mạng, lại hôm sau mẹ con khách du lịch từ xứ chuột túi đi xích lô từ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về phố Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm) dài chừng 5 km cũng bị yêu cầu trả 1,3 triệu đồng. Lời xin lỗi của đích thân Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch tới du khách người Úc về hành vi chặt chém kia đương nhiên sẽ được đón nhận, nhưng với họ ắt hẳn đó sẽ là một chuyện khó quên đối với họ, và thậm chí cả với bạn bè, người thân của họ.

Dù Việt Nam đã khởi xướng ra một vị trí độc đáo vừa mang tính ngoại giao nhân dân, vừa thuộc phạm trù liên kết công-tư (nếu xét theo góc độ đầu tư), nếu chỉ căn cứ vào một vị trí hay một danh hiệu, rất khó để cải thiện hay quảng bá cho hình ảnh miền đất du lịch hiếu khách, duyên dáng và đầy văn hoá khi thi thoảng lại xuất hiện một vụ việc kiểu như vậy.

Ngay cả sau cuộc bầu chọn rùm beng tốn bao giấy mực để một tổ chức tư nhân đem danh hiệu kỳ quan thiên nhiên thế giới về cho Hạ Long, nhìn chung vẫn chưa có điều gì thực sự khác biệt ở vùng vịnh quyến rũ này, ít nhất ở góc độ dịch vụ. Có chăng, nổi lên là một vài vụ việc về sự thiếu an toàn của khách lưu trú qua đêm, và chi phí tăng khiến chính các công ty lữ hành trong nước ngại ngần dẫn mối khách đến.

Tất nhiên, việc giáo dục lòng hiếu khách, tính trung thực cùng thói quen hành xử văn minh với người nước ngoài, hay tâm lý tôn trọng môi trường văn hóa chung của xã hội là một quá trình dài dằng dặc. Quá trình đó vốn dĩ không tạo nên danh hiệu cá nhân nào. Quá trình đó lại đòi hỏi công sức và trí tuệ ắt hẳn là nhiều hơn việc chọn lựa một danh hiệu trong dăm bảy bộ hồ sơ ứng viên - từ hơi đẹp, đẹp nổi bật tới đẹp ngất ngây; từ không giàu, giàu vừa vừa tới giàu đến nỗi những món đồ đắt tiền không chịu nổi cảnh ở trong nhà mà phải nhảy múa hàng tuần lên sạp báo.

Mùi hương của Quốc hoa

Sôi nổi hơn bầu chọn Quả bóng vàng hay nhân vật nổi bật của năm, việc lựa chọn Quốc hoa được tường thuật lại như một sự kiện trăm mối tơ vò! Là biểu tượng vẻ đẹp đất nước, nhiều ý kiến đã đóng góp nhiệt thành để đề cử cho một loài hoa nào xứng đáng. Hoa sen, hoa đào, hoa mai hay hoa cúc, thậm chí cả...hoa hồng (theo đủ mọi nghĩa của từ này), ý kiến nào cũng có lập luận thuyết phục cho đề cử của mình. Làm sao cho vừa cao sang, vừa gần gũi, vừa có văn hóa tinh thần, lại vừa hàm chứa giá trị kinh tế.

Giống như Đại sứ du lịch, quá trình bầu chọn xem chừng khó khăn tới mức sau nhiều tháng, tới nay vẫn chưa có bông hoa nào chiến thắng.

Cũng giống như Đại sứ du lịch, dường như trong cuộc đua chọn lựa bông hoa biểu tượng cho đất nước, người ta vẫn chăm chú dõi theo vẻ bề ngoài của danh hiệu là chính. Chưa thấy có kế hoạch nào tổng thể cho việc, sau khi đã bầu chọn xong rồi, thì biểu tượng quốc hoa nên sử dụng ra sao để mùi thơm của bông hoa ấy được tẩm ướp văn hóa của dân tộc, để du khách tới Việt Nam vướng một lần thì nhớ mãi ngất ngây.

Trong khi đó, những điều giản dị đời thường, dù ai cũng cần tới, thì dường như ít được để ý tới. Một khách nước ngoài từng kể lại, ấn tượng đầu tiên khi tới Việt Nam là khoảng thời gian mênh mông dành cho hành khách lấy hành lý. Dù là khách hạng nhất, nhưng hành lý của ông được đối xử khá bình đẳng với các hành lý khác. Thậm chí đôi khi còn phải chờ lâu hơn. Không nói tới việc phân hạng ở đây, nhưng đòi hỏi logic ở những hành khách thương gia sẽ luôn luôn là ba thứ: thời gian, thời gian, và thời gian. Đối với họ, thời gian là tiền bạc, là tiện nghi, và một nửa tiếng bức bối khó chịu khi đứng chờ bên băng-rôn nườm nượp người trong lúc chờ hành lý cũng đủ để xóa nhòa nụ cười tươi tắn của cô tiếp viên trên khoang hạng nhất.

Song ấn tượng nhất của người khách đó lại là toilet trong Phòng khách hạng Thương gia của tại hai sân bay lớn nhất Việt Nam. Ngay trong khu vực Châu Á thôi, các sân bay quốc tế đã luôn tìm cách cạnh tranh nhau về sự sang trọng và tiện nghi trong khoảng không gian đặc quyền cho các hành khách hạng nhất, từ đồ ăn, thức uống hảo hạng tới phòng tắm riêng, hoặc "độc" hơn nữa là phòng cầu nguyện, thì sân bay tại Việt Nam dường như bỏ quên sự hấp dẫn 5 sao bắt buộc này. Ở đây người ta được gặp những tấm cửa nhôm cọt kẹt, phòng chật chội và tối, chưa kể tới đôi khi chuyện thiếu móc treo lại đủ để khách sáng tạo ra những tư thế khó trong phòng. Điều tưởng chừng là đơn giản - tiện nghi cho nhu cầu sơ đẳng nhất của con người, lại thường bị bỏ quên.

Nói chuyện toilet ở phòng khách hạng thương gia để nói tới một câu chuyện ai cũng biết, nhưng chưa bao giờ trở thành cấp thiết. Đó là tình trạng thiếu nhà vệ sinh ở khắp nơi, và từ đó dẫn tới nguyên nhân thiếu ý thức giữ gìn môi trường ở rất nhiều người. Danh hiệu, vì cần để làm điệu trong khá nhiều trường hợp, vẫn được chú ý nhiều hơn những điều thiết thực nhưng hết mực bình thường. Thậm chí danh hiệu cũng có tính thời vụ. Chẳng phải sau khi vào Guiness, con đường gốm sứ kỷ lục trở thành... WC công cộng đó sao?

Cuộc đua tới chức danh Đại sứ du lịch và biểu tượng quốc hoa hẳn sẽ còn nhiều điều thú vị cho truyền thông, cho ngành du lịch và những người có nhu cầu xả stress. Nhưng nếu mọi thứ không thay đổi, thì những nhu cầu không cần điệu đà sẽ vẫn thiếu, và bên cạnh các bông hoa, không may sẽ có lúc phảng phất vài thứ mùi khó làm cho khách du lịch nhớ theo cách chúng ta mong muốn họ nhớ.

Trừ phi có ai đó mong du khách tới Việt Nam, khi ra về nhỏ to truyền tai nhau một câu ca dao biến thể:

Chẳng thơm như thể hoa nhài

Tìm đâu toilet trong, ngoài Tràng An

Nguyên Anh