Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRCS) đã nhận được một công văn chính thức từ phía Campuchia ngày 8/8/2023 về Dự án đường thủy nội địa "Kênh đào Funan Techo" để thông báo theo thủ tục tham vấn trước (PNPCA). 

Thông báo chỉ ra rằng mục đích của dự án là kết nối giao thông đường thủy nội địa và kết nối hàng hải bằng cách xây dựng một tuyến đường thủy dài 180 km, mở rộng và đào sâu các kênh hiện có và đào một số đoạn mới nối biển (bề rộng khoảng 100m, chiều sâu nước 4,7m) với sức tải tàu 1.000 DWT và ba âu thuyền đường thủy để duy trì mực nước cho giao thông thủy, dự án được kỳ vọng ​​bắt đầu hoạt động vào năm 2028. 

Ban Thư ký MRC đang liên lạc với Campuchia để đẩy nhanh việc chia sẻ dữ liệu và thông tin được yêu cầu. Trong khi đó, với tư cách là bộ phận kỹ thuật của Ủy ban, Ban Thư ký MRC đang tiến hành nghiên cứu nội bộ các dự án được đề xuất để sẵn sàng cung cấp thông tin kỹ thuật phù hợp với các thủ tục và hướng dẫn liên quan của MRC nhằm hỗ trợ sự đồng thuận và hợp tác hơn nữa giữa các nước thành viên MRC. 

Ban Thư ký MRC đã thành lập nhóm nghiên cứu và tiến hành nghiên cứu nội bộ và tiếp tục nghiên cứu theo Hiệp định Mekong năm 1995 và thủ tục duy trì dòng chảy trên dòng chính. 

anh 1.png
Sơ họa tuyến kênh đào Funal (theo MRC)

Dự kiến những tác động

Việt Nam đã củng cố vị thế là đối tác thương mại lớn thứ hai của Campuchia sau Trung Quốc với kim ngạch thương mại giữa hai bên tăng 24,5% đạt 2,32 tỷ USD trong ba tháng đầu năm nay (Q1/2024), so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Campuchia sau Mỹ với 1,39 tỷ USD trong quý 1, tăng trưởng ấn tượng 53% so với cùng kỳ. Campuchia chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp như hạt điều, sắn, dừa và cao su sang Việt Nam. 

Theo báo cáo của Hiệp hội Hạt điều Campuchia, năm 2023, Campuchia đã xuất khẩu hạt điều thô trị giá 837 triệu USD. Báo cáo chỉ ra rằng nước này đã xuất khẩu 656.000 tấn hàng hóa và trong số này, khoảng 618.000 tấn, tương đương 94,2%, đã được chuyển sang Việt Nam; tại cảng Phnom Penh, bến container LM17 có công suất 300.000 Teus/năm. Nhưng thực tế, năm 2021 có hơn 321.000 Teus hàng hóa trung chuyển đến các cảng biển TP.HCM và Cái Mép – Thị Vải. 

Một khi dự án đưa vào khai thác, phần lớn hàng xuất khẩu ngoài Việt Nam của Campuchia có thể sẽ được vận chuyển theo tuyến kênh đào Funan Techo. Lợi ích về mặt kinh tế còn chưa thể biết được vào thời điểm này vì nó còn phụ thuộc các hình thức đầu tư dự án (ngân sách chính phủ, vay thương mại các tổ chức quốc tế hay BOT) sẽ quyết định tổng chi phí logistic cho hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, tổng chi phí cho hàng hóa xuất khẩu qua tuyến Funan hay Cái Mép, Cát lái cũng sẽ là yếu tố kinh tế mà các nhà xuất khẩu Campuchia quan tâm. 

Bên cạnh đó, tuyến đường thủy nội địa có quy mô lớn này có thể sẽ là động lực phát triển một hành lang kinh tế quan trọng của đất nước này trên chiều dài gần 200km bao gồm phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Lợi ích liên quan đến nông sản xuất khẩu của Campuchia đối với Việt Nam có thể sẽ bị giảm trong tương lai nhưng Việt Nam cũng sẽ chúc mừng cho hiệu quả của dự án có thể đem lại cho đất nước láng giềng trong khi tăng cường các giao thương truyền thống có lợi cho cả hai bên. 

Một khi tuyến kênh đào Funan Techo thực sự trở thành một hành lang kinh tế quan trọng của nước bạn, nó cũng có thể là tiềm năng động lực cho phát triển kinh tế nông nghiệp vùng biên giới An Giang và Đồng Tháp. Hai nước nên tận dụng cơ hội như vậy để cùng nhau phát triển một cách lành mạnh.

anh 2.png
Tỷ trọng xuất/ nhập khẩu của Campuchia

Theo thông tin ban đầu, dự án có mục tiêu chính của dự án là vận tải thủy trong đó vận hành các âu tàu để duy trì mực nước ổn định cho giao thông. Theo kịch bản này báo cáo phía Campuchia cho biết lưu lượng nước chuyển từ hệ thống sông Mekong chỉ khoảng 3,6 m3/s là không đáng kể so với lưu lượng dòng chảy mùa khô về sông Hậu qua vị trí Châu Đốc. 

Theo tính toán sơ bộ của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, giả thiết bao gồm khoảng 50 ngàn hecta sản xuất nông nghiệp dọc theo tuyến kênh đào sử dụng nước tưới với lưu lượng bình quân 50m3/s thì tổng lượng nước chuyển vào tuyến kênh này trpng 6 tháng mùa khô khoảng 1,12 tỷ mét khối chỉ khoảng 2% so với tổng lượng nước 6 tháng mùa khô năm 2020 (năm hạn nghiêm trọng) về Đông bằng sông Cửu long (ĐBSCL) khoảng 55 tỷ mét khối; lượng nước chuyển từ sông Mekong sang nhánh Bassac trong thời gian này ước tính khoảng 0,75 tỷ mét khối và vì thể lượng nước chảy về ĐBSCL qua Châu Đốc giảm 0,37 tỷ mét khối so với mùa khô năm 2020, chiếm khoảng 5%. 

Về mùa lũ, vì lý do vận hành tuyến vận tải nên chủ đầu tư dự án sẽ hạn chế chuyển lũ ra vịnh Thái Lan theo tuyến kênh đào. Tuy nhiên, do thủy thế nhỏ nếu tuyến kênh đào mở tự do thì lượng lũ kèm theo phù sa chuyển qua hướng này cũng không đáng kể. Như vậy, có thể thấy về mặt tổng lượng nước sử dụng cho tuyến kênh Funan Techo không đáng kể so với tổng lượng nước của dòng chính sông Mekong về Việt Nam. 

Tuy nhiên, vấn đề có thể là ở chỗ lưu lượng lấy nước trong thời đoạn ngắn, đặc biệt trong các tuần triều cường, khi nông dân ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười cùng lấy nước vào thời điểm nông dân Campuchia cũng đang lấy nước tưới thì rủi ro về cấp nước có thể xảy ra với ĐBSCL; mức độ rủi ro còn tùy thuộc tính sẵn sàng ứng phó của người nông dân phía hạ nguồn.

Cách ứng xử phù hợp

Xây dựng dự án kênh vận tải Funan Techo là hoạt động đầu tư chính đáng nhằm phát triển kinh tế - xã hội của nước bạn Campuchia. Vận hành hệ thống này sao cho không tác động đáng kể lên dòng chính sông Mekong là nghĩa vụ của Campuchia, một nước thành viên Uỷ hội Mekong quốc tế. 

Vì vậy, Việt Nam và Campuchia cần hợp tác chân thành nhằm tăng cường phát triển kinh tế - xã hội cả hai nước đồng thời đảm bảo các nguyên tắc hợp tác giữa các nước thành viên trong Uỷ hội. Các tổ chuyên gia kỹ thuật hai bên cùng phối hợp với Ban thư ký MRC làm rõ những tác động không mong muốn có thể xảy ra trong tương lai và cùng nhau “ràng buộc” các giải pháp giảm thiểu rủi ro.

ĐBSCL cần đẩy mạnh các hoạt động phát triển theo hướng bền vững như đã được xác định bởi nghị nguyết 120/NQ-CP cũng như định hướng chiến lược trong Quy hoạch vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được công bố trong đó các hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp xanh, thích nghi, giảm mức sử dụng nước tưới, giảm phát thải khí nhà kính; tăng cường hiệu quả sản xuất nông nghiệp thay vì gia tăng sản lượng thuần. 

Hệ thống kênh rạch chằng chịt ở ĐBSCL cần được nhà nước đầu tư nạo vét tăng cường năng lực cấp nước, thoát nước và trữ nước. Các hệ thống công trình thủy lợi hiện có cần được củng cố, hoàn thiện và xây dựng các hệ thống thủy lợi quy mới nhằm kiểm soát ước ở quy mô tiểu vùng linh hoạt, chi phí hợp lý. 

Việt Nam và Campuchia có thể trao đổi, hợp tác để thỏa thuận lịch sử dụng nước thời đoạn cho nông nghiệp (liên quan đến lịch canh tác) không trùng nhau để giảm thiểu rủi ro vế mặt cấp nước, đặc biệt trong các tuần triều cường. Dịch vụ logistic cho hàng hóa xuất/ nhập khẩu qua cửa ngõ Cái Mép hoặc Cát Lái cần được cải thiện cả về chất lượng phục vụ cũng như chi phí hợp lý cũng sẽ là lý do giữ chân các nhà xuất nhập khẩu Campuchia truyền thống.

TS. Trịnh Công Vấn - Viện Đổi mới công nghệ Thủy lợi Mekong

Kênh đào Funan Techo - Cùng hợp tác để phát triểnNhững ngày qua, vấn đề dự án kênh đào Funan Techo (Campuchia) thu hút sự quan tâm rất lớn không chỉ của các nhà khoa học mà cả dư luận trong nước và quốc tế với nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.