Đình làng không chỉ đơn thuần là nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng, là không gian sinh hoạt văn hóa, tâm linh, là sợi dây gắn bó cộng đồng, là thiết chế văn hóa tín ngưỡng trong dân gian. Đình là ngôi nhà công cộng của cộng đồng làng xã người Việt đã xuất hiện từ rất lâu đời. Giáo sư Hà Văn Tấn. Viện trưởng Viện Khảo cổ học, cho biết rằng nếu không phải là thời tiền sử thì là thời sơ sử của dân tộc Việt Nam đình làng đã có mặt rồi. 

Những ngôi đình làng thường được xây dựng ở trung tâm của làng, trên một thế đất cao đẹp, xung quanh cây cối xanh tươi, vút lên là cây đa nghiêng ngả cùng đất trời. Các cây cổ thụ thường được trồng phía sau và hai bên đình, bao bọc lấy cả kiến trúc ngôi đình tạo nên nền cảnh của cảnh quan đình làng, đồng thời cây cối tạo bóng mát cho sân đình và điều hòa khí hậu.

Ở các đình làng, cảm hứng sáng tạo chủ yếu là các linh vật, nổi bật là tứ linh và một số con vật gần gũi với đời sống của con người được linh thiêng hóa. Một đặc điểm rõ nét trong kết cấu kiến trúc và nghệ thuật trang trí ở các đình làng có một mối quan hệ hữu cơ thống nhất.

Các nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Khoan, Nguyễn Văn Huyên sau khi khảo sát một cách công phu về lễ hội ở đình làng Bắc bộ đã rút ra một kết luận về nguồn gốc xa xưa của tín ngưỡng làng xã người Việt. Các ông nhận xét rằng có thể giả thiết những miếu thờ các vị thần Thành hoàng ấy đều là những vùng đất người Việt chiếm ở đầu tiên từ rất lâu đời. Cái giả thiết ấy được chứng minh bằng những di tích lịch sử cổ xưa đã được khám phá tại Phú Thọ, Vĩnh Yên, Ninh Bình, Bắc Ninh mà về sau này với đền thờ các vua Hùng, nhà mồ Nghi Vệ, chùa Ngọc Khám, chùa Bút Tháp, Thành Cổ Loa, Động Hoa Lư… 

Một nhà nghiên cứu nổi tiếng khác, ông Nguyễn Đăng Thục viết một tiểu luận “Văn hóa đình làng” cũng cho rằng, cái tục sùng bái Thành hoàng hay Thần đạo là một tín ngưỡng cố hữu của dân tộc ta vậy.

Với các ý kiến và cứ liệu như trên cho ta biết đình làng và tục thờ Thành hoàng làng vốn là một tín ngưỡng lâu đời, riêng có và mang đặc trưng văn hóa của dân tộc Việt.

Nhà nghiên cứu nổi tiếng người Pháp ông P.Giran nghiên cứu về đình làng Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, thời kỳ mà bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc ta còn đậm nét tại xã thôn nước ta, đã cho rằng đình là nơi cư ngụ của vị thần bảo hộ làng và là trung tâm của đời sống cộng đồng làng. Đó là nơi cúng tế theo lễ nghi của một tôn giáo còn là nơi hội họp của hương chức để bàn bạc các vấn đề cai quản làng xã và giải quyết các vấn đề tranh chấp nội bộ.

Còn hơn thế nữa, ngôi đình làng Việt không chỉ là cơ sở tín ngưỡng và nhà hành chánh xã thôn thông thường mà chính là linh hồn của làng. Tất cả các sự kiện xảy ra ảnh hưởng đến dân làng đều có liên quan đến ngôi đình làng. Từ tình hình đời sống hưng thịnh hay suy bại, được mùa hay thất mùa, hanh thông hay khó khăn, được tiếng tốt hay tiếng xấu… cho đến những việc sinh nhai, ăn ở, thi cử, sức khỏe, giao tiếp… của toàn thể dân làng tất thảy đều được cho là có nguyên do từ ngôi đình làng.

Ngày nay, vẫn còn những ngôi đình mang đậm nét cổ kính rêu phong của một ngôi đình làng cổ xứ Bắc như Đình Chèm - đình của làng Chèm tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội có niên đại cách đây hơn 2000 năm với nghệ thuật chạm khắc độc đáo và công trình kiến trúc tam quan ngoài bố trí đầy đủ tứ linh long, ly, quy, phượng quay ra bốn hướng, tam quan trong xây ba gian, bốn mái và năm cửa ra vào; Đình Tiền Lệ (Hoài Đức) với lối kiến trúc, sắc thái nghệ thuật thời Lê, mang đậm sắc thái xưa cũ bởi hơn 70 năm chưa trùng tu, những sứt sẹo của thời gian vẫn còn nguyên vẹn; Đình Tây Đằng (Ba Vì) - một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, độc đáo vào loại bậc nhất ở xứ Đoài, có niên đại khởi dựng vào thời Mạc, thế kỷ XVI. Đến nay, đình đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, và lần gần đây nhất là vào năm 2002 - 2004.

Là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia được Nhà nước xếp hạng vào năm 1992, Đình làng Minh Lệ, Huyện Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình là nơi thờ tự Thành hoàng làng Trương Hy Trọng và 4 vị đức thần tổ: Trương, Nguyễn, Hoàng, Trần.

{keywords}
Đình làng Tượng Sơn (phường Quảng Long - TX Ba Đồn)

 

Đình được xây dựng theo kiểu đình trung bốn mái, hai mái trước và hai mái hồi. Trên đình, giữa mái có lưỡng long chầu nguyệt, hai góc mái là hình hai con rồng lượn đã được cách điệu thành hoa lá, đầu rồng ẩn trong lá. Bốn góc mái là hình rồng lượn, vuốt cong nâng mái đình uyển chuyển, giữa hai đường mái trước là hình khối của hai con lân. Gian giữa thông với hai gian hai bên bằng 3 cửa vòm và thông với đình hậu cũng bằng ba cửa vòm nhưng cửa lại cấu trúc rất thấp, thể hiện một sức mạnh thần bí của tâm linh. Đình Minh Lệ được xây dựng rất công phu, từ các hình khối rồng, phượng, đến các bức vẽ, chạm khắc, thể hiện màu sắc nhất là sự bố trí, cấu trúc các cửa, các cửa vòm liên tiếp nhau, từng mảng, cửa chìm vào tường, cửa thông các gian… tường dày, hơi thấp về độ cao, bố cục trong phép đối xứng, đình hậu lại làm theo kiểu mái cuốn vòm kế tiếp nhau thành hai vòm, càng vào trong càng thấp xuống. Mặt rồng hung dữ, thân rồng thô, chân rồng chắc khoẻ thể hiện thế lực đầy quyền uy của chế độ phong kiến nhà Nguyễn.

Tại Nam bộ, làng xã hình thành có nơi từ những nhóm lưu dân có một nguồn gốc và ngôi đình được dựng lên bằng tất cả nỗi nhớ quê hương bất tuyệt. Ngôi đình làng trở thành nơi lưu trữ truyền thống của quê cha đất tổ, là hình ảnh của nước nhà mà qua lễ hội hàng năm lặp đi lặp lại những nghi tiết cổ truyền không bao giờ nhàm chán vì nó gợi đến tình quê hương và nghĩa cử của người công dân đối với quốc gia dân tộc.

Tại mỗi làng Việt thờ một hay nhiều vị thần được dân làng chọn làm thần bảo hộ làng gọi là thần Thành hoàng làng. Tôn giáo ấy quá quen thuộc với ta đến nỗi ta không hề nghĩ rằng, đó là một tôn giáo có nội dung tư tưởng triết lý sâu sắc. P. Giran có nhận xét thú vị như sau:

“Vị thần bảo hộ làng thể hiện cái cảm nghiệm chung của ký ức và nguyện vọng cộng đồng. Ký ức và nguyện vọng ấy hóa thân vào các nguyên tắc, phong tục, luân lý của làng và cả việc thưởng phạt. Chung quy, lấy việc nhân cách hóa cái quyền lực tối thượng ấy để làm động lực tỏa ra sức mạnh tổng lực của cả cộng đồng và làm sợi dây thiêng liêng nối kết các thành viên của làng thành một khối”.

Nguyễn Liên

Ảnh: Bạt Tuấn