Từ khi là học sinh tiểu học, N.T.H (14 tuổi) đã gặp khó khăn trong môn tiếng Việt. Cậu bé không hiểu nội dung của câu chữ, chép sai từ trong sách in ra vở, khó có thể nói một câu rành mạch.

Tình trạng học kém môn Văn kéo dài đến khi H. học cấp 2. Nam sinh này có thể đọc hiểu, tuy nhiên vốn từ rất ít, khó viết được một đoạn văn liền mạch. H. cũng được đánh giá là kém với những môn học yêu cầu sự khéo léo như thủ công, cắt tỉa giấy, lắp ráp mô hình. Trong cuộc sống, H. cũng ít nói, nói chuyện chậm, thường xuyên phải dừng lại để suy nghĩ từ.

Đặc biệt, 6 tháng gần đây, sau khi chuyển đến học ở trường mới, H. thường xuyên bị các bạn cùng lớp trêu chọc vì cách nói chuyện. Điều này khiến cậu bé ngày càng ít giao tiếp, lại thêm biểu hiện buồn chán, mệt mỏi, kém tập trung. Cậu bé cũng dễ nổi nóng, cáu gắt, cãi lại lời bố mẹ, giật tóc bạn học. Học lực của H cũng giảm sút nhiều và thường xuyên có cảm giác căng thẳng.

H. được gia đình đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, thăm khám, chẩn đoán rối loạn cảm xúc và hành vi khởi phát tuổi thanh thiếu niên - rối loạn học tập.

W-hocsinhvnn35tamthan-1.png
Nam sinh phải đi khám ở Viện Sức khỏe tâm thần vì những biểu hiện lạ trong cảm xúc và học tập. Ảnh minh họa: Minh An

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần nhi - thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần, cho biết rối loạn học tập là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thành tích học tập bị giảm sút. Các rối loạn học tập ở trẻ được mô tả là không đạt được kết quả tốt trong các lĩnh vực học tập như đọc, diễn đạt bằng ngôn ngữ viết hoặc Toán học khi so sánh với khả năng trí tuệ tổng thể của trẻ đó.  

Dấu hiệu nhận biết

Theo bác sĩ Yến, rối loạn học tập được xếp vào các rối loạn phát triển bao gồm ba nhóm chính:

- Rối loạn đọc: Đặc trưng là khó khăn khi đọc, nhận diện, đánh vần, hiểu được đoạn văn. Tỷ lệ này chiếm 80% các trường hợp rối loạn học tập.

- Rối loạn viết: Biểu hiện là khó khăn khi viết chính tả.

- Rối loạn tính toán: Khó khăn trong nhận biết con số, tính toán. Biểu hiện khác nhau ở các lứa tuổi, hay đi kèm rối loạn đọc, tăng động giảm chú ý. 

Các rối loạn này có thể do yếu tố di truyền, yếu tố môi trường, các vấn đề liên quan tới gene. Bệnh nhân có thể gặp 1 trong 3 rối loạn trên. 

Ở rối loạn học tập, trẻ thường chỉ khó khăn một kỹ năng như đọc, viết, tính toán còn trí thông minh vẫn bình thường. Nhiều đứa trẻ học rất giỏi toán nhưng việc đọc lại rất kém. Bác sĩ Yến nhấn mạnh đây không phải khuyết tật về trí tuệ hay tự kỷ.

6 dấu hiệu rối loạn học tập như: 

- Đọc từ không chính xác hoặc chậm và tốn nhiều công sức, đọc to từng từ đơn. 

- Khó hiểu ý nghĩa của những gì đã đọc. Trẻ có thể đọc chính xác văn bản nhưng không hiểu trình tự. 

- Kém chính tả, có thể thêm, bớt các nguyên âm hoặc phụ âm. 

- Khó khăn khi diễn đạt như mắc nhiều lỗi ngữ pháp. 

- Khó khăn trong việc nắm vững ý nghĩa các dữ kiện về số hoặc phép tính.

- Khó khăn với các lập luận toán học.

Khi những biểu hiện trên kéo dài 6 tháng, cha mẹ nên cho trẻ đi kiểm tra để đánh giá sớm các rối loạn học tập. Việc can thiệp cho trẻ rối loạn học tập cần thời gian dài với nhóm hỗ trợ từ bác sĩ tâm thần, chuyên khoa tâm lý, ngôn ngữ, giáo dục.

Quan tâm đến sức khỏe tâm thần cho học sinh là một trong các nội dung được đề cập trong Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025.

Chương trình đặt mục tiêu 50% trường học thực hiện việc đánh giá phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần cho học sinh; 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; 50% học sinh phổ thông được phổ biến, tư vấn về sức khỏe tâm thần, tâm sinh lý lứa tuổi.

Minh An