Bác sĩ chuyên khoa 2 Đoàn Thị Huệ, Phó Trưởng phòng Rối loạn tâm thần người già và Y học giấc ngủ (M8), Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết 50% số bệnh nhân tới khám có vấn đề về giấc ngủ. 

Rối loạn giấc ngủ là tình trạng liên quan đến các vấn đề về chất lượng, thời gian và số lượng giấc ngủ khiến người bệnh mệt mỏi vào ban ngày và suy giảm chức năng học tập, làm việc, hoạt động xã hội. Có nhiều rối loạn giấc ngủ khác nhau, trong đó mất ngủ là phổ biến nhất.

Các nghiên cứu cho thấy những năm gần đây, khoảng 80% bệnh nhân đến khám được phát hiện rối loạn giấc ngủ liên quan tới căng thẳng trong cuộc sống như mất ngủ, rối loạn nhịp thức ngủ, ác mộng… Trong đó, 5- 6,7% số người mất ngủ nặng bị trầm cảm, lo âu. 

Mất ngủ khiến sức khỏe ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Bác sĩ Huệ cho biết, mất ngủ làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm hoặc lo âu và ngược lại. Người mất ngủ có nguy cơ trầm cảm gấp 4 lần so với những người khác. 

Nguyên nhân của mất ngủ có thể liên quan đến bệnh lý mạn tính, như bệnh tim và tiểu đường. Ngoài ra, có một số bệnh nhân mất ngủ do sử dụng thuốc hay các tác nhân khác như rượu, caffeine, theobromine, methyl xanthenes.

Đáng lo ngại là tình trạng rối loạn giấc ngủ đồng bệnh lý với rối loạn tâm thần. 35% bệnh nhân rối loạn mất ngủ có một rối loạn tâm thần và một nửa trong số đó là rối loạn cảm xúc. Theo bác sĩ Huệ, rối loạn giấc ngủ thường xảy ra cùng với các tình trạng bệnh thể chất và sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm, lo lắng hoặc rối loạn nhận thức. Rối loạn giấc ngủ thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, đặc biệt tỉ lệ mất ngủ ở phụ nữ mãn kinh cao so với những người ở thời kỳ tiền mãn kinh. 

Bệnh không được điều trị sẽ gây nhiều hệ lụy với sức khỏe thể chất và tâm thần như mệt mỏi, căng thẳng, kém tập trung, suy giảm hiệu quả làm việc, học tập... 

Bác sĩ Huệ khuyến cáo nếu có biểu hiện này, người dân nên đi kiểm tra sức khỏe tâm thần ngay như: khó vào giấc, ngủ không sâu, hay tỉnh giấc, thức dậy sớm và không ngủ lại được…

Để phòng mất ngủ, mọi người cần lưu ý chăm lo cho không gian phòng ngủ, giường chiếu, chăn gối luôn đảm bảo sạch sẽ, chú ý giảm các tiếng ồn trong thời gian ngủ. Bạn luôn giữ tinh thần thư thái để dễ đi vào giấc ngủ hơn, tạo thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ…

Một biện pháp điều trị chứng mất ngủ là liệu pháp thư giãn. Theo đó, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ hướng dẫn thở bằng cơ hoành, phản hồi sinh học, hình ảnh và thiền định. Bệnh nhân thực hiện bài tập hít thở sâu, sau đó là căng và thư giãn xen kẽ các nhóm cơ (ví dụ: cánh tay, cổ, lưng, chân) trên toàn cơ thể, chú ý đến cảm giác thư giãn sau quá trình tập so với cảm giác căng thẳng trước đó và thực hành kỹ thuật này một lần trong ngày, trước khi đi ngủ.

Biện pháp trị liệu giúp cải thiện sức khỏe tâm thầnHậu Covid-19, tâm lý xã hội có nhiều biến đổi, con người ngày càng quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe và đời sống tinh thần hơn. Do đó, những biện pháp trị liệu tự nhiên, không dùng thuốc được nhiều người tìm tới.