Tỷ giá là một trong những yếu tố liên quan và đóng vai trò rất quan trọng đến điều hành kinh tế vĩ mô. Tỷ giá không chỉ ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền và sức mua của người dân, mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến các chính sách, đặc biệt là sự ổn định vĩ mô cũng như là vấn đề kiểm soát lạm phát, vấn đề về tâm lý đến thị trường, niềm tin của nhà đầu tư.

Đầu tháng 2 vừa qua, việc Cục Dữ trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) và ngân hàng trung ương các nước tiếp tục tăng lãi suất có ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam cố gắng duy trì ổn định tỷ giá, giảm các tác động đáng kể đến toàn bộ nền kinh tế. Với tinh thần, mọi chính sách tiền tệ phải đảm bảo song song hai mục đích: Hỗ trợ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước luôn coi điều hành tỷ giá là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng và tập trung. Chủ động thích ứng với với thực tế thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Fed và các ngân hàng trung ương châu Âu để kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã có những điều hành linh hoạt để kiểm soát được tình hình lạm phát tăng cao hiện nay. Hiện tại Ngân hàng Nhà nước đang điều hành tỷ giá bằng cơ chế thả nổi có điều tiết thông qua tỷ giá trung tâm và biên độ tỷ giá.

Việc chủ động và can thiệp kịp thời để duy trì hoạt động ổn định và giải tỏa các điểm nghẽn cho thị trường tiền tệ và ngoại hối để ổn định kinh tế vĩ mô cũng là một hành động giúp hỗ trợ đạt được các mục tiêu đề ra tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội ban hành.

W-nganhang-1.png

Hôm nay (23/4), Ngân hàng Nhà nước vừa công bố tỷ giá trung tâm giữa Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ là 24.275 VND, tăng 3 đồng so với hôm qua. Giá USD tại BIDV được niêm yết ở mức 25.185 - 25.485 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 12 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với hôm qua. Tại Vietcombank giá đồng bạc xanh được niêm yết ở mức 25.148 - 25.488 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 15 đồng ở cả chiều mua vào và tăng 33 đồng ở chiều bán ra so với hôm qua.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành theo cơ chế hết sức linh hoạt, đảm bảo làm sao cho điều hành của mình để tỷ giá có thể lên xuống phù hợp với xu thế chung và cũng đảm bảo được mục tiêu đặt ra đó là sự ổn định, đảm bảo hài hòa giữa trạng ngoại tệ luôn luôn duy trì được trạng thái dương cũng như đảm bảo cân đối ngoại tệ cho các nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế.

Cũng trong ngày hôm nay (23/4), Ngân hàng Nhà nước còn cho 9 thành viên vay gần 36.000 tỷ đồng thông qua kênh OMO với kỳ hạn 14 ngày với mức lãi suất trúng thầu tăng lên 4,25%/năm thay vì 4%/năm trong thời gian qua.

Ngoài ra, khoản vay qua kênh OMO hôm 16/4 (kỳ hạn 7 ngày) cũng đáo hạn với tổng giá trị gần 12.000 tỷ đồng, từ đó hút về số tiền tương ứng. 

Không dừng lại ở đó, Ngân hàng Nhà nước còn tiếp tục phát hành 2.150 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 3,73%/năm. Có 3 thành viên tham gia và 2 thành viên trúng thầu. Đồng thời lô tín phiếu phát hành ngày 26/3 đáo hạn, theo đó Ngân hàng Nhà nước bơm trở lại thị trường 3.700 tỷ đồng.

Để ổn định tỷ giá, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), cho biết Ngân hàng Nhà nước đã theo dõi rất sát tỷ giá và đã có biện pháp giải tỏa áp lực thị trường ngay từ tháng 3, thông qua việc phát hành tín phiếu nhằm trung hòa lượng tiền dư thừa trên thị trường, giảm bớt áp lực lên tỷ giá, làm cho tỷ giá biến động trong ngưỡng cho phép, trong khả năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện biện pháp mạnh mẽ hơn là bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm với giá bán can thiệp là 25.450 đồng/USD.

PV