Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bế Xuân Tiến chia sẻ, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai các hoạt động tham gia vào việc xây dựng các chuỗi sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp của tỉnh. Tham mưu, định hướng xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung; xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tham gia các mô hình liên kết sản xuất.

Chủ động phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng các quy hoạch, kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp nhằm tận dụng tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên từng vùng để lựa chọn, phát triển các cây trồng, vật nuôi thích hợp; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa có chất lượng, tăng giá trị sản phẩm. Phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa trên cơ sở kết hợp mô hình trang trại quy mô vừa và nhỏ với kinh tế hộ gia đình; xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến các mặt hàng nông sản chủ lực có sức cạnh tranh trên thị trường.

{keywords}
Cao Bằng đang từng bước phát triển nhưng quy mô nhỏ nên việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi đang là hướng đi mới giúp người nông dân nâng cao giá trị sản phẩm bền vững.

Quá trình triển khai thực hiện, nền nông nghiệp tỉnh đã cơ bản hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa nông nghiệp có sự liên kết “4 nhà” tương đối rõ nét, như cây thuốc lá tại các huyện Hòa An, Hà Quảng, Thông Nông..., các doanh nghiệp hỗ trợ người dân từ giống, cho vay phân bón, hỗ trợ khoa học kỹ thuật và tổ chức thu mua sản phẩm; việc liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trong sản xuất góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng thuốc lá.

Hiện nay, diện tích thuốc lá trên 3.111 ha, sản lượng đạt 7.931,2 tấn, giá trị trung bình đạt trên 77 triệu đồng/ha; chất lượng thuốc lá nguyên liệu ngày càng nâng cao, cung cấp cho các nhà máy sản xuất thuốc lá làm hương liệu chính sản xuất. Cây mía tại các huyện: Phục Hòa, Quảng Uyên, Hạ Lang... được người dân và Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng liên kết trong đầu tư sản xuất đạt 3.321,3 ha, sản lượng đạt 212.926,4 tấn; mía được thu mua để tạo ra các sản phẩm đường kính, còn một phần mía nguyên liệu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Cây trúc sào với diện tích cho khai thác trên 2.900 ha tại các huyện: Nguyên Bình, Bảo Lạc, Thông Nông... cơ bản đáp ứng nguyên liệu cho Công ty TNHH một thành viên 688 và Công ty cổ phần Xây dựng - Chế biến trúc tre xuất khẩu Cao Bằng để sản xuất bàn, ghế, chiếu, đồ gia dụng...

Năm ngoái, Sở tổ chức 35 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 1.058 người, nâng tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo đạt 31,5%. Với vai trò là cơ quan nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, trong năm ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện 5 mô hình, diện tích 33 ha với 160 hộ tham gia.

Đồng thời, hỗ trợ các đơn vị xây dựng thương hiệu sản phẩm, tư vấn hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ công tác xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường cho các sản phẩm có tiềm năng, ưu thế của địa phương. Việc liên kết theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người sản xuất thông qua hợp đồng được bảo đảm. Doanh nghiệp tham gia hỗ trợ đầu tư, đầu vào sản phẩm, thông báo quy định về chất lượng, giá cả thu mua và tiêu thụ sản phẩm; người dân tham gia sản xuất bảo đảm năng suất, chất lượng, bán sản phẩm cho đơn vị đầu tư...

Ngoài các sản phẩm chủ lực như thuốc lá, trúc sào, mía... cơ bản ổn định theo chuỗi sản xuất, tỉnh đang tập trung hỗ trợ xây dựng chuỗi sản xuất từ thị trường tiêu thụ, thương hiệu sản phẩm đối với sản phẩm miến dong (Nguyên Bình); thịt hun khói, lạp sườn (Thành phố); gạo nếp Ong (Trùng Khánh); quýt (Trà Lĩnh), chanh leo (Quảng Uyên, Trà Lĩnh, Phục Hòa); chè dây, chè giảo cổ lam...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tham mưu một số cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Có một số dự án đang được hỗ trợ để thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi, như: Dự án xây dựng trang trại chăn nuôi lợn rừng hương Cao Bằng tại thị trấn Xuân Hòa (Hà Quảng) của Hợp tác xã Thắng Lợi, thực hiện liên kết với người dân tham gia chuỗi sản xuất và tiêu thụ các loại lợn rừng, lợn hương rừng với tổng đàn trên 300 con;

Dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm lúa chất lượng Japonica với quy mô 70 ha, năng suất đạt 60 - 65 tạ/ha, giao cho Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Hòa An phối hợp với 2 huyện Hòa An, Quảng Uyên triển khai thực hiện... Tiếp tục khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư xây dựng và triển khai các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo cơ chế, chính sách của tỉnh.

Thu Hằng
Ảnh: Lan Anh