Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên thế giới. Năm 2021, báo cáo của Hiệp hội đái tháo đường thế giới (IDF Diabetes Atlas) cho thấy tỷ lệ bệnh này ở người lớn đã tăng gấp 3 lần so với năm 2000, từ 151 triệu người lên 537 triệu người (chiếm 10,5% dân số thế giới).

Tại Việt Nam, bệnh đái tháo đường gia tăng nhanh trong những năm qua với khoảng 4,5-5 triệu người mắc bệnh. Trong đó, có khoảng 20-35% người bệnh bị biến chứng võng mạc đái tháo đường. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực và mù lòa. 

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM từng tiếp nhận điều trị cho ông một người đàn ông 56 tuổi, nhập viện trong tình trạng mắt nhìn mờ, thỉnh thoảng không phân biệt được màu sắc. Người bệnh có tiền sử mắc đái tháo đường type 2 hơn 7 năm.

Sau khi thăm khám, bác sĩ nhận định người đàn ông bị bệnh võng mạc đái tháo đường tiền tăng sinh, phải điều trị bằng laser quang đông toàn võng mạc. Sau thời gian điều trị, thị lực của người bệnh đạt 9/10 ở mắt phải, 8/10 mắt trái, bệnh không tiến triển nặng thêm.

Mặc dù không xuất hiện tân mạch võng mạc hoặc xuất huyết võng mạc tái phát, bệnh nhân này vẫn phải tiếp tục tuân thủ điều trị đái tháo đường và tái khám chuyên khoa đúng hẹn.

Biến chứng võng mạc đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực và mù loà. 

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Luân, Khoa Mắt, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, các thống kê cho thấy người bệnh mắc đái tháo đường từ sau 10-15 năm có tỷ lệ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường lên đến 90%.

Biến chứng của bệnh đái tháo đường thường diễn tiến âm thầm, xảy ra trên nhiều bộ phận cơ thể như não, tim mạch, thận, mắt, hệ mạch máu và thần kinh ngoại vi… Trong đó, biến chứng ở mắt giai đoạn đầu không ảnh hưởng tới thị lực nên người bệnh chủ quan, không hay biết cho đến khi tiến triển nặng.

Bác sĩ Luân cho hay việc thăm khám lâm sàng ở giai đoạn đầu có thể giúp phát hiện các tổn thương đặc hiệu trên võng mạc, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.

Ở giai đoạn võng mạc đái tháo đường không tăng sinh, chưa bị phù hoàng điểm, người bệnh chỉ cần tái khám định kỳ và kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp và mỡ máu. Ở giai đoạn võng mạc đái tháo đường tăng sinh, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng laser quang đông, tiêm thuốc vào nhãn cầu hoặc phẫu thuật.

Theo các bác sĩ, bệnh võng mạc đái tháo đường có xu hướng ảnh hưởng đến cả hai mắt. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm: Mờ mắt; suy giảm thị lực đối với màu sắc; mắt nổi hoặc các đốm trong suốt và các vật có hình dạng dây đen trôi trong tầm nhìn và di chuyển theo hướng nhìn; các mảng hoặc vệt che khuất tầm nhìn; tầm nhìn hạn chế vào ban đêm; xuất hiện một điểm tối trong tầm nhìn; mất thị lực đột ngột và hoàn toàn.

Theo Bộ Y tế, những tổn thương do bệnh võng mạc đái tháo đường sẽ gây suy giảm thị lực hoặc mù lòa không hồi phục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống, tăng gánh nặng cho người bệnh, gia đình và xã hội. Hậu quả là gần 2 triệu bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam đang có nguy cơ mất thị lực.

Trước thực tế trên, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ để ban hành quyết định số 2560/QĐ-TTg ngày 31/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống mù lòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Phòng chống bệnh về mắt liên quan đến đái tháo đường là một trong những nội dung quan trọng trong đó.

Hiện có gần 5 triệu người Việt bị bệnh đái tháo đường.

Bên cạnh nguy cơ mù lòa, bệnh đái tháo đường còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch từ 2-4 lần và tăng 2-4 lần nguy cơ bị đột quỵ so với người không bị đái tháo đường. Mỗi 24 giờ trôi qua, ở Mỹ lại có hơn 17.000 bệnh nhân đái tháo đường mới và khoảng 5% bệnh nhân chưa phát hiện được.

Các bác sĩ khuyến cáo người mắc bệnh đái tháo đường cần tuân thủ chế độ ăn phù hợp, luyện tập thể dục, duy trì cân nặng hợp lý, bỏ thuốc lá, tái khám định kỳ, khám tầm soát bệnh lý võng mạc đái tháo đường, theo dõi đường huyết và huyết áp đúng cách, kiểm tra chăm sóc bàn chân hằng ngày.

Giao Linh - Phương Thúy - Lan Anh