Hôm 10/3, tờ La Stampa đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crosetto nhấn mạnh Pháp và Ba Lan không có quyền lên tiếng thay cho tất cả các thành viên NATO khi nói đến việc triển khai quân tới Ukraine. Theo ông, việc điều binh sĩ NATO tới Ukraine sẽ chỉ làm leo thang căng thẳng, và gây hại cho mọi nỗ lực ngoại giao tiềm năng nhằm chấm dứt xung đột giữa Moscow và Kiev.

Bình luận của Bộ trưởng Crosetto được đưa ra sau những tuyên bố gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski về khả năng điều động binh sĩ NATO tới hỗ trợ Ukraine.

nato ukraine 1.jpg
Ảnh minh họa

Sau tuyên bố của Tổng thống Macron, nhiều nước thành viên NATO gồm Anh, Cộng hòa Séc, Phần Lan và Thụy Điển khẳng định không có kế hoạch điều quân hỗ trợ Kiev. 

Ba Lan ban đầu cũng tuyên bố không điều binh sĩ tới Ukraine. Tuy nhiên, hôm 8/3, Ngoại trưởng Ba Lan Sikorski cho biết sự xuất hiện của các lực lượng NATO ở Ukraine "không phải là không thể tưởng tượng được". 

Bản thân Tổng thống Macron nhiều lần khẳng định giữ vững quan điểm, và cho hay “không có giới hạn” nào đối với các lựa chọn của phương Tây trong việc hỗ trợ Kiev.

“Pháp và Ba Lan có thể tự lên tiếng, nhưng không phải thay mặt NATO”, Bộ trưởng Quốc phòng Italia Crosetto nói.

Ông nói thêm, việc đưa ra những lập luận như trên trong thời điểm hiện tại là “vô nghĩa”. Bộ trưởng Crosetto cảnh báo mọi khả năng triển khai quân đội NATO tới Ukraine “đồng nghĩa với việc có bước leo thang một chiều, và sẽ cản trở con đường ngoại giao”. 

Cũng theo ông Crosetto, Nga đang "được trang bị tốt hơn và nhanh hơn so với NATO" khi nói đến năng lực sản xuất quân sự. Ông cho biết thêm, "phương Tây từ lâu đã nhận ra họ có năng lực sản xuất thấp hơn nhiều so với Nga".

Bộ trưởng Quốc phòng Italia cho hay NATO đã cố gắng tăng cường năng lực sản xuất đạn dược trong một năm kể từ khi hứa cung cấp 1 triệu viên đạn pháo cho Kiev, nhưng con số này “vẫn thấp hơn so với Nga”.

Theo ông Crosetto, trong hoàn cảnh hiện nay, phương Tây “phải cung cấp mọi sự hỗ trợ có thể cho Kiev”, nhưng nên “nghĩ đến việc giúp đỡ Ukraine theo cách khác”. Theo ông, các quốc gia phương Tây nên “kích hoạt các kênh ngoại giao”.

Trước đó, Giáo hoàng Francis đã kêu gọi Kiev “cần có can đảm” tham gia đàm phán với Moscow để cứu mạng sống, thay vì tiếp tục đổ máu. Ông cho biết, không thiếu các quốc gia và chủ thể trên thế giới bao gồm ông sẵn sàng đứng ra làm trung gian trong vấn đề này.

Nga nhiều lần khẳng định sẵn sàng đàm phán với Ukraine bất cứ lúc nào. Trước đó, Kiev đã rút khỏi các cuộc đàm phán với Nga ở Istanbul vào mùa xuân năm 2022, và đưa ra một “kế hoạch hòa bình” trong đó yêu cầu Nga rút quân khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền trước khi ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ, và nhấn mạnh đây là những yêu cầu “vô lý”.