Đó là khẳng định được ông Trương Thanh Hoài đưa ra tại buổi toạ đàm mới đây về xây dựng dự án Luật Công nghiệp trọng điểm.

Theo Bộ Công Thương, ý tưởng và kế hoạch xây dựng một Luật mới về lĩnh vực công nghiệp đã được Bộ khởi động từ cách đây 3 năm. Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến và xin chủ trương xây dựng Luật gặp nhiều khó khăn và vấp phải không ít ý kiến trái chiều. Đặc biệt là việc lo ngại sự trùng chéo, trùng lặp. 

Tại toạ đàm, ông Trương Thanh Hoài cũng thừa nhận, có những ý kiến cho rằng phạm vi, đối tượng phát triển công nghiệp rất rộng; trong đó, nhiều lĩnh vực công nghiệp cụ thể đã có luật điều chỉnh, như Luật Hóa chất, Luật Dầu khí, Luật Điện lực, Luật Khoáng sản, Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin, Luật Công nghệ cao... cũng như nhiều chính sách phát triển công nghiệp đã được quy định trong các luật về thuế, Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà Đảng, Nhà nước đã đề ra thì việc xây dựng một luật mới về công nghiệp là giải pháp cấp bách, cần thiết. Mục tiêu đã được Đại hội XIII đề ra là: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Bộ Công Thương tổ chức Tọa đàm về Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm
Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phát biểu tại Tọa đàm

Theo đó, khi xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm, dự kiến các ngành công nghiệp trọng điểm được điều chỉnh sẽ bao gồm: Công nghiệp hỗ trợ cho các ngành: dệt may, da - giày, cơ khí, điện tử, ô tô, công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp vật liệu, luyện kim; công nghiệp điện tử; công nghiệp cơ khí chế tạo; công nghiệp thực phẩm và sinh học; công nghiệp dệt may, da - giày; các ngành công nghiệp khác theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Trong đó, nối tiếp thành công của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016-2025 theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 1 năm 2017, Bộ Công Thương dự kiến xây dựng và triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2030, chú trọng đáp ứng các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do, tập trung vào các lĩnh vực: Ðiện tử thông minh, ô-tô, dệt may-da giày, cơ khí và tự động hóa…".

PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khuyến nghị, xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm trên dựa trên sơ sở  đánh giá, rút kinh nghiệm từ các chính sách đã ban hành trước đó.

Luật cần có tiêu chuẩn rõ ràng hơn, lựa chọn các ngành đối tượng và khung thời gian ưu đãi, ưu tiên cho phù hợp. Tinh thần của Luật Công nghiệp phải mở ra để thúc đẩy, chứ không đơn thuần là “quản”.

Văn Quý