Đại diện VKSND Tối cao đề nghị y án đối với các bị cáo trong vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Vinh Quang, (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng).

Đề nghị y án bị cáo Đoàn Văn Vươn

Mở đầu phiên xử ngày 30/7, đại diện VKSND tối cao đề nghị y án bản án sơ thẩm do TAND TP Hải Phòng tuyên đối với các bị cáo Vươn, Quý, Sịnh, Vệ, Thương, Báu.

Theo đại diện VKSND Tối cao, các bị cáo bị truy tố với tội danh “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” là hoàn toàn có đủ căn cứ, cơ sở pháp lý. Điều này dựa trên các nội dung:

Các bị hại là những cán bộ, chiến sỹ thực thi nhiệm vụ trong quá trình tổ chức cưỡng chế thu hồi 19,3ha đầm bãi của Đoàn Văn Vươn vào sáng ngày 05/1/2012. Họ nhận nhiệm vụ của tổ chức, thực thi công vụ, không có bất kỳ hành vi nào xâm hại đến lợi ích, sức khỏe của các bị cáo.

{keywords}

Bị cáo Đoàn Văn Vươn tại tòa sáng 30/7 (ảnh chụp qua màn hình).

 

Các kết luận giám định đối với các vật chứng bình gas, súng bắn đạn hoa cải, các mẫu vật kim loại thu được từ hiện trường… đã kết luận chính xác, có cơ sở, căn cứ để khẳng định đó là các hung khí do các bị cáo sử dụng trong quá trình phạm tội.

Các hung khí này đã gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của đoàn công tác tham gia cưỡng chế.

Trước khi gây án, các bị cáo đã có quá trình bàn bạc, lên kế hoạch chuẩn bị đầy đủ: mua súng, mua đạn, thuốc nổ; trải rơm tẩm xăng, làm hàng rào… Từng bị cáo đã được phân công nhiệm vụ để chuẩn bị đối phó với đoàn cưỡng chế.

Khi xảy ra cưỡng chế, các bị hại đã gọi loa tuy nhiên các bị cáo vẫn chống đối, nổ mìn, nổ súng… làm trực tiếp 7 bị hại bị thương với tổng thương tích lên đến 125%.

Đủ chứng cứ và cơ sở để truy tố Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ tội giết người, trong đó Đoàn Văn Vươn có vai trò chủ mưu; Quý có vai trò lớn thứ 2 sau Vươn; Đoàn Văn Sịnh là người tích cực giúp sức có vai trò sau Vươn, Quý. Đoàn Văn Vệ có vai trò đồng phạm giúp sức trong quá trình các bị cáo chuẩn bị phạm tội.

Nguyễn Thị Thương, Phạm Thị Báu trực tiếp tham gia làm hàng rào, rải rơm, rạ, trực tiếp góp sức cho kế hoạch của các bị cáo nên giữ vai trò đồng phạm, đủ cơ sở, căn cứ để truy tố các bị cáo tội “Chống người thi hành công vụ”.

 

{keywords} 

Bị cáo Phạm Thị Báu tại tòa sáng 30/7 (ảnh chụp qua màn hình).

 

Đại diện VKSND Tối cao cho rằng, TAND TP Hải Phòng tại phiên sơ thẩm trong quá trình xét xử vụ án “Giết người” đối với các bị cáo Vươn, Quý, Sịnh, Vệ chưa áp dụng thêm điều 53 (Bộ Luật Hình sự) về các hành vi phạm tội “Giết người chưa xảy ra”, “Giết người chưa đạt”. Phiên phúc thẩm lần này cần áp dụng điều 53 trong quá trình xét xử.

Theo đại diện VKSND Tối cao, mức án Tòa sơ thẩm tuyên đối với các bị cáo là đúng người đúng tội, đã xem xét các tình huống giảm nhẹ, khoan hồng đối với các bị cáo. Các bị cáo thành khẩn khai báo tại cơ quan điều tra, nhưng tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm đều không thành khẩn, quanh co chối tội.

Viện Tối cao đề nghị y án bản án đối với các bị cáo đã được TAND TP Hải Phòng tuyên trong phiên sơ thẩm đầu tháng 4/2013, cụ thể: Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý 60 tháng tù giam; Đoàn Văn Sịnh 42 tháng tù giam; Đoàn Văn Vệ 24 tháng tù giam; Nguyễn Thị Thương, Phạm Thị Báu 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 30 tháng.

Luật sư đề nghị thả Đoàn Văn Vươn tại tòa

Sau phần luận tội của đại diện VKSND Tối cao, các luật sư bào chữa cho Đoàn Văn Vươn đã tranh tụng.

Các LS Trần Vũ Hải, Nguyễn Hà Luân, Vũ Văn Lợi, Nguyễn Việt Hùng cùng chung quan điểm thay đổi tội danh “Giết người” của Đoàn Văn Vươn sang tội danh “Phòng vệ chính đáng”.

{keywords}
Các LS đề nghị trả tự do Đoàn Văn Vươn tại tòa

 

Các LS cho rằng, QĐ thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng là trái thẩm quyền. Từ QĐ hành chính vi phạm pháp luật này, việc ban hành QĐ cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế là trái pháp luật.

Gia đình Đoàn Văn Vươn chống đối QĐ hành chính trái luật là hành động tự vệ, bảo vệ quyền, lợi ích, tài sản của gia đình mình.

LS Trần Vũ Hải đề nghị hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại từ đầu, yêu cầu thả tại tòa Đoàn Văn Vươn. Theo LS Hải, kết luận điều tra của CQĐT Công an TP Hải Phòng chưa đúng, thiếu khách quan; các bị cáo bị đánh đập, ép cung… tại cơ quan điều tra.

LS Nguyễn Hà Luân đồng tình với bào chữa của luật sư Hải, đồng thời bổ sung thêm các luận điểm.

Thứ nhất, LS Luân phân tích điểm mâu thuẫn trong nội dung yêu cầu giám định và kết luận giám định: Tại văn bản giám định số 284 ngày 29/2/2012 chưa làm rõ tác hại của những vật được coi là sử dụng để gây án. Cụ thể, chưa xác định được những viên bi này gây ra sát hại thế nào trong khoảng cách bắn. Đây là lỗi của CQĐT khi đưa ra yêu cầu giám định không sát thực và không đầy đủ. Kết quả trả lời của giám định viên không đủ cơ sở để nhận định anh em Vươn có ý định giết người.

LS Luân trích dẫn: Cơ quan điều tra trong trưng cầu giám định chỉ yêu cầu giám định 3 loại viên bi có đường kính 2,5 – 3,5 – 8,5 ly thường dùng để làm gì? Trả lời của cơ quan giám định: Là những loại bi thường được dùng trong các viên đạn ghém. Tuy nhiên, trong kết luận điều tra, Công an Hải Phòng lại ghi: đây là những viên bi được nhồi đạn cho súng săn Calip 12.

“Dựa vào kết quả giám định để kết luận như thế là không sát thực từ. Đề nghị HĐXX xem xét chi tiết này” – LS Luân nói.

Thứ hai, về nhận dạng trong vụ án không thể hiện trong hồ sơ. LS Luân phân tích: Bị cáo Vươn khẳng định không được CQĐT cho nhận dạng những viên bi đem đi giám định. Tại tòa phúc thẩm, bị cáo này cũng đề nghị cho mình nhận dạng những mẫu vật (viên bi) mà CQĐT kết luận là anh em Vươn - Quý sử dụng để nhồi làm đạn bắn trong vụ nổ súng nói trên.

Thứ ba, LS Luân phân tích quyền tự bảo vệ của ông Đoàn Văn Vươn là chính đáng.

Tự bào chữa cho mình trước tòa, bị cáo Đoàn Văn Vươn bổ sung thêm các thông tin: khi nhận được QĐ cưỡng chế, bị cáo đã gửi đơn khiếu kiện đến Chủ tịch huyện Tiên Lãng, CA huyện Tiên Lãng… Khi có hành động chống đối, anh em Vươn cũng đã có ý thức trong việc sử dụng bình gas còn rất ít gas bên trong; khi chế đạn bắn cũng nhồi ở lượng thuốc bằng ½ lượng thuốc bình thường. Ý thức này là để không gây sát thương cho đoàn cưỡng chế.

Bị cáo Vươn nói do mục đích của mình không phải “Giết người” mà chỉ muốn tạo tiếng vang, chuyển vụ án hành chính sang hình sự để vụ việc được báo chí đăng tải, ‘Trung ương biết đến’. Khi vụ việc xảy ra, bị cáo không ở đầm nên không phải là người chỉ đạo, đồng thời sau đó đã tự ý thức tìm đường đầu thú ra công an.

Phần bào chữa cho bị cáo Đoàn Văn Vươn chiếm phần lớn thời lượng phiên tòa buổi sáng ngày 30/7.

Kiên Trung