Liên quan đến sự việc làm nóng dư luận gần đây về lá đơn xin trả lại danh hiệu di tích quốc gia của người dân làng cổ Đường Lâm, chiều 15/5, UBND thị xã Sơn Tây đã tổ chức cuộc họp để lắng nghe những bức xúc của người dân quanh sự việc này.

Dân bức xúc, cuộc gặp liên tiếp gián đoạn

Chủ trì cuộc họp là ông Phạm Hùng Sơn – Trưởng ban quản lý (BQL) di tích làng cổ Đường Lâm, đại diện các ban ngành có ông Nguyễn Văn Điền – Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, ông Trương Minh Tiến - PGĐ Sở VHTTDL Hà Nội.

Mở đầu cuộc họp, ông Sơn khẳng định mục đích của cuộc gặp này là lắng nghe những ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân chứ chưa đưa ra giải pháp cụ thể.

Theo ông Sơn, trong 2 ngày UBND và BQL xác định lại chữ ký của từng hộ ký vào lá đơn trả lại danh hiệu và chỉ có 23 hộ dân công nhận đã ký được mời đến. Tuy nhiên, dù chỉ có 23 thư mời được phát đi, cuộc họp này có sự tham gia của gần 100 người dân tại xã Đường Lâm.

Không khí của hội trường sôi sục những cánh tay muốn phát biểu. Cuộc họp diễn ra căng thẳng và không ít lần phải dừng lại để ổn định trật tự vì ai cũng muốn phát biểu.

Thành làng cổ, chúng tôi được cái gì?

{keywords}

Ông Hà Kế Toán, một người dân xã Đường Lâm phát biểu: "BQL di tích thành lập và bán vé kinh doanh trên đất di tích do cha ông để lại trong khi chúng tôi không được hưởng lợi lộc gì từ việc bán vé này. Tại sao không cho đấu thầu khai thác du lịch làng cổ như một số nơi khác, mỗi năm cam kết trả cho dân một khoản tiền, thu được cao thì nhà thầu hưởng, thu được thấp thì phải chịu lỗ".

{keywords}

Bà Giang Tú Oanh, một người dân trong xã Đường Lâm thì bày tỏ bức xúc:  “Nhà tôi lợp mái tôn để chống nóng thì bị cưỡng chế. Trong khi cưỡng chế vì sao nhà tôi lại bị cắt điện, nước gần 3 tháng nay?

Làm kiểu mái ngói như truyền thống thì chúng tôi không có tiền, hỗ trợ từ chính chính quyền thì không có. Từ năm 2005 khi được công nhận là làng cổ chúng tôi được cái gì? Đời sống có được cải thiện? Hay là chỉ vì quy chế xây dựng và bảo vệ làng cổ mà ép chúng tôi phải sống khổ như bây giờ?

{keywords}

Bà Hà Thị Khanh, chủ hộ gần đây nhất bị ép cưỡng chế dỡ nhà phát biểu: “Từ khi được công nhận làng cổ, tình làng nghĩa xóm đã bị chia rẽ chỉ vì chuyện không công bằng trong việc cưỡng chế nhà. Tại sao hai nhà xây cùng nhau thì chỉ có nhà tôi bị cưỡng chế phá dỡ?

Khi xây dựng tôi làm đơn sao mãi không ai trả lời? chịu không nổi cảnh sống ngoài trời nên đành phải xây tiếp thì lại cho đến phá dỡ?"

Ông Phan Văn Lối nêu ý kiến: “Nên chăng có giải pháp nhà nào cổ thì giữ lại, hộ nào không có nhà cổ thì cần phải có hướng dẫn xây dựng sửa chữa hợp lí để cho dân chúng tôi sống, làm ăn. Thử hỏi nhà nông mà mấy thế hệ chỉ có hơn 100m2 thì sống thế nào, làm ăn thế nào?”

Bức xúc hơn, ông Hà Văn Biếu nói: “Yêu cầu cần phải làm ngay việc giãn dân".

Không phải thích là thành lập, thích là giải tán

Trước những bức xúc trên, ông Phạm Hùng Sơn trả lời: “Về việc bán vé chúng tôi làm minh bạch qua Cục thuế Hà Nội, vé đều có sê ri, toàn bộ việc thu vé đều được phòng tài chính kế hoạch kiểm toán hàng năm".

{keywords}
Đại diện các cấp chính quyền trong cuộc trao đổi với người dân xã Đường Lâm chiều 15/5.

Ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội phát biểu: “Các ý kiến đều xuất phát từ thực tế, từ bức xúc của cá nhân mình và gia đình mình. Lúc đón danh hiệu tôi là Giám đốc Sở Văn hóa Hà Tây nên thấy vinh dự lám. Trên đất nước có hàng nghìn hàng vạn ngôi làng nhưng chưa có làng nào được công nhận là di tích cấp quốc gia. Khi là di tích cấp quốc gia thì phải được điều chỉnh theo Luật Di sản cấp quốc gia, không phải thích là thành lập, thích là giải tán".

Ông Nguyễn Lam Điền – Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây tiếp lời: “Bảo tồn di tích Đường Lâm phải dựa vào Luật Di sản. Từ tháng 8/2008 đến nay mới chịu sự chi phối quyết định 181 của thị xã về quy chế bảo vệ tạm thời Làng cổ. Trong quá trình bảo tồn chúng ta có những bất cập, vướng mắc chúng tôi xin ghi nhận bức xúc về xây dựng, đất giãn dân, lợi ích của người dân".

Tuy nhiên, cuộc gặp mới chỉ dừng lại ở việc lắng nghe ý kiến của người dân và giải đáp khúc mắc phần nào chứ chưa tìm ra giải pháp cụ thể để tháo gỡ vấn đề.

Chiều 14/5, UBND TP Hà Nội đã bàn thảo nhiều vấn đề về quản lý và bảo tồn làng cổ Đường Lâm. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc nhanh chóng thẩm định quy hoạch xã Đường Lâm để trình UBND phê duyệt. Sở Kế hoạch Đầu tư phải thẩm định dự án giãn dân làng cổ và Sở Xây dựng ra quy định cho phép thị xã Sơn Tây thỏa thuận xây dựng để tạo điều kiện cho người dân sửa chữa, xây dựng nhà ở. Đặc biệt, thành phố sẽ dành một nguồn kinh phí bảo tồn, tu bổ một số ngôi nhà có giá trị lớn.

Theo báo cáo của Chủ tịch thị xã Sơn Tây Đặng Vũ Nhật Thăng, 5 năm qua, xã Đường Lâm có 179 hộ xây dựng, cải tạo nhà ở, thanh tra xây dựng đã lập biên bản vi phạm và đình chỉ xây dựng 94 hộ.

Đầu năm 2013, do sự buông lỏng quản lý ở các cấp nên nhiều hộ dân lại tự ý xây dựng khi chưa có thỏa thuận, xây sai quy định. UBND thị xã đã chỉ đạo xã Đường Lâm kiểm điểm, đồng thời có kế hoạch cưỡng chế các hộ dân xây dựng sai quy định. Việc này đã làm nảy sinh bức xúc của một số hộ dân trong diện bị xử lý, dẫn tới viết đơn đề nghị trả lại danh hiệu di tích cấp quốc gia.

Nguyễn Hoàng