Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới và đã xuất sang hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong năm 2018, thị phần xuất khẩu được đảm bảo và mở rộng. 5 thị trường chính là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN và Hàn Quốc tăng trưởng tốt, chiếm thị phần lần lượt là 22,9% (giá trị tăng 3,6% so với năm 2017), 17,9% (tăng 9,4%), 19,1% (tăng 7,1%); 10,64% (tăng 11,0%) và 6,9% (tăng 29,4%).

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều tăng. Cụ thể, đối với mặt hàng gạo, khối lượng xuất khẩu lũy kế 11 tháng đầu năm nay ước đạt 5,7 triệu tấn, đem về 2,9 tỉ USD, tăng 5,6% về khối lượng và tăng 17,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Rau quả với giá trị xuất khẩu 11 tháng năm 2018 ước đạt 3,5 tỉ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017, cá tra đạt kỉ lục trên 2 tỉ USD tăng 27,4%.

Mặc dù vậy thị trường nông sản thế giới năm 2018 cũng có khó khăn cản trở kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam tăng trưởng 2 con số. Sự sút giảm về giá các mặt hàng cây công nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu trong khi nhu cầu giảm hoặc tăng trưởng chậm. Các mặt hàng chủ lực là cà phê, điều và cao su dù bị giảm giá nhưng nhờ tăng số lượng xuất khẩu nên vẫn duy trì mức tăng giá trị xuất khẩu. Xuất khẩu cà phê 11 tháng ước đạt 3,3 tỷ USD, hạt điều 2,25 tỷ USD và cao su đạt 1,87 tỷ USD.

{keywords}
Năm 2018 xuất khẩu nông, lâm và thuỷ sản lập kỷ lục với kim ngạch ước đạt 40,5 tỉ USD.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phùng Đức Tiến đánh giá, năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp vẫn còn rất lớn, xuất khẩu nông sản sẽ tiếp tục tăng mạnh. Gia nhập CPTPP mở ra cơ hội lớn hơn cho hàng nông sản Việt Nam tiến vào các thị trường lớn, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế quốc tế.

“Thuỷ sản sẽ là ngành có nhiều lợi thế khi Việt Nam gia nhập CPTPP. Trong nguồn vốn đầu tư trung hạn đã dành ưu tiên cho thuỷ sản với các hạng mục cần nguồn vốn lớn để đầu tư là trung tâm hậu cần nghề cá, giống cho thuỷ sản… Ngành thuỷ sản sẽ được cơ cấu lại hướng tới mục tiêu nuôi thuỷ sản ở biển xa không chỉ nuôi gần bờ như hiện nay” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Năm 2019, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 43 tỉ USD, tăng trưởng GDP ngành đạt 3,0%. Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ NNPTNT đang đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống. Trong năm 2019 có kế hoạch khai thác hiệu quả cơ hội của các Hiệp định tự do thương mại đem lại, đặc biệt là Hiệp định chính là CPTPP và EVFTA.

Thu Trà