ASEAN là chìa khóa giúp các nước kìm hãm các bất đồng, đồng thời nâng cao vị thế đàm phán của tất cả thành viên trong tương quan với các cường quốc hùng mạnh hơn bên ngoài.

Trong bối cảnh gần đây, khi vấn đềan ninh tại khu vực này ngày càng phức tạp cùng với sự can dự mạnh mẽ hơn của các nước lớn. Theo giới quan sát chính trị, ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng phải rất khéo léo để giữ chính sách cân bằng, không bị rơi vào vòng xoáy cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc.

TS. Lê Hồng Hiệp,Nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), Singaporephân tích, chính trị thế giới luôn là một sân chơi cạnh tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc. Đông Nam Á là nơi hiện diện lợi ích của các cường quốc này, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, nên sự can dự, lôi kéo ảnh hưởng của các cường quốc này là không thể tránh khỏi.

Sự cạnh tranh ảnh hưởng này một mặt giúp các nước ASEAN nâng cao được vị thế và sức mạnh mặc cả của mình, có thể lợi dụng sự cạnh tranh đó để thu về các lợi ích kinh tế hoặc chiến lược. Nhưng mặt khác, họ cũng có thể đối diện với khả năng bị lôi kéo vào cuộc đối đầu giữa các nước lớn, bị suy yếu quyền tự chủ, trở thành nạn nhân của cuộc cạnh tranh quyền lực giữa những người khổng lồ.

Để tránh rơi vào cái bẫy này, các quốc gia trong khu vực cần giữ được sự cân bằng, độc lập, và chủ động trong chính sách của mình với hai cường quốc.

Ngoài ra, họ cũng cần can dự với cả hai cường quốc thông qua các cơ chế lấy ASEAN làm trung tâm. Các nước ASEAN đã nhấn mạnh nhiều lần là họ không muốn phải lựa chọn một trong hai bên, bởi họ cần cả hai.Bản thân các cường quốc bên ngoài cũng hiểu điều này, và bất chấp các nỗ lực, họ cũng khó có thể buộc các nước trong khu vực nghiêng hẳn về phía mình.

Tuy nhiên, cán cân ảnh hưởng vẫn có thể dịch chuyển ít nhiều trong phạm vi nhất định, phụ thuộc vào cảm nhận của các quốc gia đối với các lợi ích và mối đe dọa mà mỗi cường quốc mang lại cho mình. Trên khía cạnh này, hiện nay Mỹ dường như đang có lợi thế hơn so với Trung Quốc.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn dự Phiên khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32 tại Singapore. Ảnh TTXVN.

Bình luận về việc, từ nhiều năm nay Trung Quốc đã sử dụng chiêu bài kinh tế để mua sân sau, lôi kéo đồng minh.... điều này đang được chứng minh là hiệu quả, trong khi đó, Mỹ lại thiên về vấn đề hỗ trợ an ninh, TS Lê Hồng Hiệp nói, Trung Quốc hiện đang sử dụng củ cà rốt kinh tế để mua ảnh hưởng chính trị, trong khi Mỹ không sẵn có những công cụ như vậy để mời chào các nước trong khu vực.

Cho đến lúc này, Trung Quốc đã đạt được những thành công nhất định với chính sách này khi có một vài quốc gia trong khu vực có xu hướng nghiêng về Trung Quốc. Các quốc gia này rất thực dụng, họ muốn tận dụng sự “hào phòng” của Trung Quốc để phục vụ mục đích phát triển của mình. Không ai trách họ được, vì đó là cách họ định nghĩa lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, cách làm này của Trung Quốc có thể không bền vững.Thứ nhất, nguồn lực kinh tài của Trung Quốc sẽ bị kéo dãn và dần cạn kiệt, nhất là nếu họ không giải quyết được các vấn đề kinh tếtrong nước.Thứ hai, lợi ích kinh tế có thể quan trọng, nhưng nó sẽ không thể quan trọng bằng lợi ích chiến lược.

Trong khi các biện pháp kinh tài có thể mang lại cho họ những ảnh hưởng nhất thời, thì trong dài hạn, những ảnh hưởng đó có thể bị tiêu trừ nếu các nước này cảm nhận Trung Quốc như một mối đe dọa về mặt chiến lược. Sự gia tăng nghi ngờ của các nước đối với Trung Quốc do các hành động  của quốc gia này trên Biển Đông là một ví  dụ điển hình.

Trong thực tế, một vài nước trong khu vực từng nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc cũng đã có những bước điều chỉnh, dần thoát khỏi thế phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Trong khi đó, Mỹ mặc dù không có sẵn tiền để hào phóng ban tặng, Mỹ lại có sức hấp dẫn riêng ở những khía cạnh khác.Đó là thị trường rộng lớn, nguồn đầu tư tư nhân khổng lồ (ví dụ, đầu tư của Mỹ vào ASEAN gấp cả chục lần so với đầu tư của Trung Quốc), hay nguồn công nghệ hiện đại, tiên tiến, là những thứ mà các nước trong khu vực đều cần.

Hơn nữa, Mỹ duy trì được “tư thế đạo đức” của mình là quốc gia giúp đảm bảo hòa bình, ổn định và trật tự khu vực trong nhiều thập niên qua, và bản thân Mỹ cũng không bị coi là một mối đe dọa đối với chủ quyền và an ninh các quốc gia trong khu vực. Nói cách khác, việc Mỹ cố gắng xây dựng hình ảnh “bá chủ nhân từ” đã giúp nước này có được quyền lực mềm, một sự hấp dẫn tự nhiên, qua đó cân bằng lại “sức mạnh cứng” của Trung Quốc ở khu vực.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác thận trọng cho rằng sự việc tìm tiếng nói chung giữa các nền kinh tế trong ASEAN vẫn còn một chặng đường dài. Ngoài ra, sự đa dạng thể chế chính trị giữa các quốc gia trong ASEAN cũng bị xem là một rào cản đối với hội nhập khu vực. Một số nước vẫn đang đặt cá nhân mình lên trên hết và tiếp theo mới là ASEAN.

Tuy nhiên ông Hiệp vẫn quả quyết, bản thânASEAN là một cộng đồng các quốc gia đa dạng, vì vậy việc tồn tại những bất đồng nhất định giữa các nước là điều khó tránh khỏi. Nhưng, điều quan trọng là các nước này đã đồng ý cùng nhau hợp tác thông qua một khuôn khổ chung, đó là ASEAN. ASEAN là chìa khóa giúp các nước kìm hãm các bất đồng, đồng thời nâng cao vị thế đàm phán của tất cả thành viên trong tương quan với các cường quốc hùng mạnh hơn bên ngoài.

Diên Vỹ - Nguyễn Hồng Thơ