Phát biểu tại Đại hội Đảng 13 tuần trước tại Hà Nội, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, để đưa tỉnh trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện là nhờ vào cả quá trình cải cách của nhiều thế hệ đổi mới trước đó.

{keywords}
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đi thăm một nhà máy tại khu công nghiệp Đông Mai, thị xã Quảng Yên

Ông Ký nói: “Với tinh thần kế thừa, phát huy thành tựu chung của đất nước và của tỉnh sau gần 35 năm đổi mới, tiếp nối đà tăng trưởng và phát triển sáng tạo của nhiệm kỳ Đại hội đảng bộ lần thứ 13 (2010 - 2015), 5 năm qua tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng trên mọi phương diện,… đưa Quảng Ninh trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc”.

Tạo dựng nền tảng

Khi ông Phạm Minh Chính trở thành Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh năm 2011, ông cho rằng nền kinh tế không thể phát triển bền vững nhờ khai thác than - nguồn tài nguyên đã gắn liền với tỉnh trong hàng thập kỷ trước đó. “Chúng ta phải đổi mới phương thức phát triển từ ‘nâu’ sang ‘xanh’” - ông chỉ đạo.

Lúc đó, Quảng Ninh cũng như các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đang phát triển theo định hướng đã được đưa ra tại nghị quyết 54 của Bộ Chính trị khóa 9 về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh đồng bằng sông Hồng, theo đó sẽ hình thành các trung tâm kinh tế lớn tại Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; xây dựng khu kinh tế tổng hợp Vân Đồn, Quảng Ninh.

Là lãnh đạo cao nhất ở địa phương, ông Phạm Minh Chính đã quyết tâm hiện thực hóa chủ trương đó với suy nghĩ “Quảng Ninh bứt phá được sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quốc gia”.

{keywords}
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đấu nối vào tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, góp phần tạo đột phá trong không gian phát triển của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đỗ Phương

Tỉnh bắt đầu thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ tăng trưởng nóng dựa trên ồ ạt khai thác tài nguyên, bán nguyên liệu thô sang tăng trưởng xanh theo hướng phát huy những giá trị vô hạn của dịch vụ du lịch, văn hóa, thương mại mậu dịch biên giới và phát triển kinh tế biển. 

Bổ sung cho các động lực đó, lãnh đạo Quảng Ninh suy nghĩ, điều quan trọng nhất là phải huy động được nguồn lực trong dân và doanh nghiệp cho phát triển trong bối cảnh khung pháp lý chưa hoàn thiện. 

Trong một hội nghị đầu năm 2012, ông Chính yêu cầu nghiên cứu để triển khai hình thức hợp tác công - tư (PPP), thí điểm và từng bước áp dụng các mô hình quản lý: “lãnh đạo công, quản trị tư”, “đầu tư công, quản lý tư”, “đầu tư tư, sử dụng công” cho việc xây dựng, vận hành các khu kinh tế, khu công nghiệp, các thiết chế kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… 

Trong bối cảnh khuôn khổ luật pháp lúc đó mới chỉ dừng ở cấp nghị định, và luật PPP chỉ mới được thông qua cuối năm 2020, tư duy phát triển đó là bước đi mạnh dạn nhằm kết hợp và huy động nguồn lực từ khối tư nhân kết hợp với đầu tư công. 

Ông nói trong một cuộc xúc tiến đầu tư vào tỉnh năm 2014: “Chúng tôi nhận thức được đang phải đối mặt với hai mâu thuẫn xung đột: giữa việc giải phóng tiềm năng thế mạnh và không gian phát triển lớn với cơ chế chính sách còn hạn hẹp; mâu thuẫn giữa việc khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn”. 

Thời điểm đó, ở Quảng Ninh, hạ tầng đồng bộ còn thiếu và yếu, nhất là hạ tầng giao thông. Đường sắt đang được xây dựng dở dang, đường cao tốc chuẩn bị khởi công trong tháng 7/2014, sân bay Vân Đồn đang kêu gọi đầu tư... 

Năm 2014, tỉnh đã báo cáo đề xuất và được Thủ tướng đồng ý giao UBND tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cùng dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương. 

Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hình thức BOT, dài 80km kết nối cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái được triển khai trong quý I/2019 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2021. Đến cuối năm 2020, tỉnh hoàn thành đầu tư gần 200km đường bộ cao tốc, đóng góp 1/10 chiều dài đường cao tốc hoàn thành trên toàn quốc. 

Với cách làm đó, 10 năm gần đây, tỷ trọng đầu tư công của Quảng Ninh đã giảm dần từ 60% năm 2010 xuống 28% năm 2019 mà vẫn có nhiều công trình hạ tầng tốt nhất, chất lượng nhất của đất nước. 

Nền tảng phát triển đó, được sự chung tay của các thế hệ lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp sau này, đã giúp kinh tế Quảng Ninh phát triển vượt bậc. 

Tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất nước 

Bước vào năm Covid thứ hai đầy khó khăn 2021, Quảng Ninh đặt ra các mục phát triển khá tham vọng: giữ vững tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hơn 10%; tổng thu ngân sách nhà nước 51.000 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, tỉnh quyết tâm phấn đấu giữ nhịp tăng trưởng bình quân đạt khoảng 10%/năm trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025. 

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, lãnh đạo tỉnh cũng đặt ra các nhóm giải pháp rất rõ ràng. 

Thứ nhất là duy trì vị trí trong nhóm đầu cả nước về chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số Cải cách hành chính (PAR), chỉ số Hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). 

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, ưu tiên các công trình, dự án giao thông trọng điểm, có tính liên kết cao, các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển để tạo ra các trung tâm kết nối hạ tầng dịch vụ, giao thông quốc tế dựa trên triết lý phát triển “đường đi trước một bước”, “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”. 

Đó là những mục tiêu phát triển rất lớn kèm theo các giải pháp thực hiện rõ ràng, đòi hỏi quyết tâm cao trong bối cảnh đại dịch còn diễn biến phức tạp chưa lường được, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực dịch vụ, du lịch. 

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết tại Đại hội Đảng 13: “Chúng tôi kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ ‘nâu’ sang ‘xanh’”. 

Các mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới, theo ông Ký, là có cơ sở trên nền tảng hiện nay. Trong 5 năm qua, kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,7%, quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt, đến năm 2020 đạt khoảng 220.000 tỷ đồng, gấp 1,86 lần năm 2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững. 

Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, tỉnh luôn nằm trong nhóm đứng đầu cả nước, cải cách hành chính có bước đột phá.

Để Quảng Ninh phát triển thành một cực tăng trưởng toàn diện là một quá trình dài của nhiều thế hệ trước đây.

Doanh nghiệp hài lòng 

Quảng Ninh giữ vững vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng PCI 2019 với 73,40 điểm. 

Ứng dụng công nghệ thông tin là một điểm sáng. Năm vừa qua, số thủ tục hành chính cấp tỉnh mức độ 3, mức độ 4 đạt 84,6%. Việc thanh toán phí, lệ phí tại Trung tâm hành chính công trở nên thuận lợi hơn, khi doanh nghiệp và người dân có thể lựa chọn thanh toán trực tuyến (Internet banking) hoặc thanh toán thẻ (máy POS), mã QR, tiền mặt. 

89% doanh nghiệp cho biết “UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân” (năm 2018 là 84%) và 82% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới phát sinh” (năm 2018 là 72%). 

Tư Hoàng  

Triết lý phát triển để Quảng Ninh dẫn đầu

Triết lý phát triển để Quảng Ninh dẫn đầu

Dựa vào triết lý phát triển “đường đi trước một bước”, “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, Quảng Ninh đã bứt phá thành cực tăng trưởng hàng đầu đất nước.